Bạo lực tuổi học trò: Không còn là chuyện của học đường!

Thứ sáu, 18/09/2015 09:18

(Cadn.com.vn) - 1. Cuối hè vừa qua, dư luận Đà Nẵng xôn xao trước hiện tượng 2 nữ sinh của trường THPT Ngô Quyền (Sơn Trà) và trường THCS Lê Lợi (Ngũ Hành Sơn) giải quyết mâu thuẫn bằng một cuộc ẩu đả, cấu xé nhau trước sự chứng kiến, cổ súy của một số bạn bè. Đáng trách hơn, khi có người tìm cách can gián, một trong những nữ sinh đứng bên ngoài đã lên tiếng chỉ trích ngược lại rằng: "Chơi chi lạ rứa chị, đang đánh nhau mà"...

Hành vi đáng chê trách của 2 nữ sinh này tất nhiên sẽ được nhà trường xử lý trên quan điểm vừa mang tính giáo dục, ngăn ngừa nhưng cũng phải tạo cơ hội để các em được sửa chữa. Tuy nhiên, từ hiện tượng này và xâu chuỗi các vụ việc đánh nhau giữa các em HS, đặc biệt là nữ sinh trên phạm vi cả nước được tung lên trang mạng xã hội trong những năm gần đây, có thể thấy, chuyện học trò giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, người chứng kiến quay clip tung lên mạng xã hội không còn là hiện tượng hy hữu trong thời đại @. Đặc biệt hơn, nếu như trước đây, bạo lực ở lứa tuổi này phần lớn là học sinh nam, thì giờ đây hiện tượng này đang có dấu hiệu lây lan, bùng phát cả ở nữ sinh. Độ tuổi HS có hành vi bạo lực ngày càng trẻ hóa...

Trước thực trạng đáng buồn này, đã có không ít lời nhận xét khá gay gắt từ dư luận khi cho rằng, học trò thời nay quá hư, không ngoan hiền như học trò ngày xưa. Và rằng, đạo đức xã hội đang ngày càng xuống cấp?!

2. Thật ra, học trò thời nào cũng vậy, cũng có những học trò cá biệt, quậy phá, nghịch ngợm. Thế mới có câu: "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Điều đáng quan ngại ở đây chính là quan điểm, nhận thức khá lệch lạc của một bộ phận không còn nhỏ học sinh (HS) ngày nay trước thực trạng đáng buồn này.

Nếu như trước đây, những cuộc ẩu đả, đánh nhau trong giới học đường thường diễn ra ngấm ngầm, bí mật, là chuyện nếu bị phát hiện lập tức sẽ bị phê bình, lên án gay gắt thì nay lại được một bộ phận HS cổ súy, hô hào ủng hộ. Trong số đó, có cả HS được đánh giá là học lực khá, ngoan hiền! Có trường hợp mâu thuẫn chỉ mới dừng ở mức độ cãi vã, nhưng vì bị bạn bè đứng ngoài kích động, xúi giục mà dẫn đến ẩu đả, đánh nhau. Đáng buồn hơn cả, chứng kiến cảnh bạn đánh nhau, chẳng những không can ngăn, không lấy đó làm xấu hổ, một số HS còn dùng ĐTDĐ quay phim rồi tung lên mạng với mục đích câu view, bình phẩm với quan điểm như thế mới độc, mới vui, mới nhanh chóng "nổi tiếng". Phạm trù đạo đức dường như không được số HS này quan tâm...

3. Liên quan đến vấn đề mạng xã hội, có thể thấy rằng, đứng về phía ngành GD-ĐT, hầu như trường học nào cũng đã có hướng dẫn, có nội quy quy định trong vấn đề sử dụng nó sao cho văn minh, không dùng để phục vụ mục đích cá nhân, nói xấu, công kích, thóa mạ lẫn nhau. Nhiều trường học ngoài việc nhắc nhở phụ huynh quản lý con em sử dụng mạng xã hội cũng như tham gia các trò chơi trực tuyến (đặc biệt là  trong thời gian nghỉ hè), các thầy cô giáo trẻ còn có tài khoản facebook và kết bạn với HS, xem đây như là một kênh để tìm hiểu tâm tư học trò của mình. Không ít trường học ở Đà Nẵng còn thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường để giải đáp thắc mắc của các em trong học tập và trong cuộc sống, tránh cho các em chỉ biết chia sẻ trên mạng mà có thể không giải quyết được vấn đề...

Có thể nói, với chức năng của mình, nhà trường đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc theo dõi diễn biến tâm lý của HS để kịp thời can thiệp những suy nghĩ, nhận thức chưa chín chắn, chưa chuẩn của HS. Tuy nhiên, dù có nỗ lực đến đâu đi chăng nữa thì việc quản lý các em tham gia những trang mạng này vẫn là điều không đơn giản và không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát hết được, nhất là vào dịp hè... Thực tế, thời gian HS ở trường (trừ bậc mầm non và tiểu học) không nhiều. Ngoài buổi học chính khóa ở trường, thời gian còn lại của các em là ở nhà và ở các lớp học thêm. Việc quản các em ngoài giờ học chính khóa phụ thuộc phần lớn vào gia đình.   

4. Cùng với sự phát triển ồ ạt của công nghệ giải trí thiếu sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, hình ảnh bạo lực xuất hiện ngày một nhiều trên các trang mạng xã hội. Ngay như các kênh truyền hình chính thống, nhiều bộ phim được công chiếu khai thác quá nhiều tình tiết, chi tiết nói về lòng thù hận, miêu tả những mưu mô, thủ đoạn và những hình thức trả thù. Dù nội dung phim có nhân văn đến đâu nhưng diễn biến cứ từ tập này sang tập khác khai thác quá sâu vào những thủ đoạn, cách trả thù đã vô tình "vẽ đường cho hươu chạy", góp phần hình thành trong một bộ phận HS suy nghĩ thiếu chín chắn, nhận thức cuộc sống còn nông cạn, quan niệm lệch lạc về cuộc sống. Theo đó, có không ít bạn trẻ cho rằng, cần phải "ác" mới sống lâu, phải "mưu mô" mới trở nên chiến thắng, muốn giàu có phải thủ đoạn...

5. Rõ ràng, tác động tiêu cực từ đời sống xã hội hiện tại đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức về phạm trù đạo đức, lối sống của một bộ phận HS. Chính vì vậy, việc đồng hành cùng với nhà trường trong nắm bắt tâm lý, diễn biến của con trẻ để giáo dục các kỹ năng sống, uốn nắn cho các em phải biết chịu trách nhiệm đối với những hành vi của mình phải là trách nhiệm của cha mẹ, gia đình và cộng đồng trách nhiệm từ xã hội. Không nên đổ tất cả lỗi HS chưa ngoan, HS hư là do nhà trường, thầy cô dạy dỗ chưa nghiêm, chưa gương mẫu.

Khánh Yên