Bão số 4 tiến vào bờ

Thứ hai, 26/09/2011 00:00

* Bão đang mạnh lên

* Miền Trung thiệt hại nặng

* Đà Nẵng - nhiều khu vực ngập sâu 

(Cadn.com.vn) - Trưa hôm qua, 25-9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 4. Cơn bão có sức gió cấp 8 và giật cấp 9, cấp 10 và khả năng sẽ mạnh thêm đang tiến vào miền Trung. Dự báo, đến 16 giờ chiều nay (26-9), bão số 4 chỉ còn cách đất liền khoảng 100km.

Tin bão khẩn cấp

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn T.Ư, hồi 16 giờ ngày 25-9 vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 400 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 26-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Bình - Quảng Nam khoảng 100 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo trong khoảng 24 - 48 giờ tiếp theo bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam rồi suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 27-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên địa phận Trung Lào.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư nhận định: Bão sẽ gây mưa to đến rất to ở khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và Bắc Tây Nguyên. Trong ngày 25-9, lũ các sông miền Trung đang xuống, nhưng sẽ tăng lại, có thể đạt đỉnh vào ngày 27-9 và trong vòng 15 ngày tới là cao điểm của đợt lũ năm nay.

Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Từ hôm nay, vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.

Nông dân Hòa Vang khẩn trương thu hoạch lúa phòng lũ lớn. Ảnh: V.H 

Khẩn trương ứng phó

Ngày 25-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) T.Ư, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và đặc biệt là các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên khẩn trương có các biện pháp thông tin cho tàu thuyền trên biển, tàu thuyền đang hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa về cơn bão này, cũng như sớm có các biện pháp phòng chống từ xa cho khu vực ven bờ và đất liền.

Các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa chỉ đạo chuẩn bị tốt cho công tác phòng chống bão và đặc biệt là mưa lũ. Trước mắt sơ tán dân ở vùng sạt lở, vùng trũng và gia cố các vùng bờ bao, đê chống tràn. Các địa phương bố trí trực, chuẩn bị các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản người dân.

Bộ NN&PTNT lưu ý tới vấn đề an toàn hồ, đập. Bộ Ngoại giao làm việc với các nước để giúp ngư dân có thể tránh, trú bão an toàn.

 BĐBP Quảng Trị giúp dân thu hoạch lúa bị ngập úng.

Hàng trăm người dân chưa an toàn

Tại Đà Nẵng, đến chiều vẫn còn 27 tàu thuyền với 270 lao động hoạt động trên vùng biển từ Hải Phòng đến Khánh Hòa. Ban chỉ huy PCLB&TKCN TP phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP và Đài Thông tin duyên hải liên hệ với các chủ tàu thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động tìm nơi trú tránh hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Huỳnh Văn Phương - Trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: Đến chiều 25-9, đã có hơn 500 tàu thuyền của các ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ngãi và Đà Nẵng vào neo đậu tránh bão.

Trong khi đó, ở TT-Huế vẫn có mưa to và gió mạnh. Nhiều cây xanh ở trên các tuyến phố đã bật gốc gãy đổ. Tại các xã vùng trũng như: Hương Toàn, Hương Chữ, Hương An (H. Hương Trà); Phú Hồ, Phú Lương (H. Phú Vang) và Quảng Phước, Quảng An (H. Quảng Điền) nước lũ từ thượng nguồn về đã tràn qua một số tuyến đường liên thôn.

BCH BĐBP tỉnh Quảng Trị cho hay, 2.461 thuyền đánh cá của địa phương, trong đó có 104 tàu đánh bắt xa bờ trên các vùng biển đã nhận được thông tin từ các ĐBP và về bờ trú tránh an toàn.

Chiều 25-9, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng BCH PCLB tỉnh Quảng Nam cho biết: Có 12 tàu thuyền với 155 lao động của ngư dân Quảng Nam đang hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa.

Ông Lê Ngọc Kích, Phó CHủ tịch UBND H. Nam Trà My cho biết: Còn 14/20 hộ dân thuộc thôn 6, xã Trà Dơn chưa nhận tiền đền bù và chưa chịu di dời khỏi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Hiện, thủy điện Sông Tranh 2 đang tích nước, dự báo trong vòng chưa đầy 1 tuần nước lũ sẽ ngập các hộ dân trên.

Tại H. Nam Trà My: 26 hộ dân đang nằm trong vùng nhiều nguy cơ bị sạt lở núi và hơn 25.000 người dân huyện này bị cô lập với bên ngoài do nước lũ trên sông Trường lên lớn khiến Tỉnh lộ 616 bị chia cắt.

Các tuyến QL tại Gia Lai như QL 19, QL14 đi Kon Tum... đã bị sạt lở.

Tại Nghệ An, tỉnh đang triển khai phương án sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển, nếu nước dâng 1 - 3m thì phải sơ tán gần 10.000 hộ với 54.000 người dân.

mất trắng hàng nghìn héc-ta lúa

Tại Quảng Trị, ngoài vựa lúa ở vùng trũng Hải Lăng đã thu hoạch xong thì các địa phương còn lại như Triệu Phong, Cam Lộ, Vĩnh Linh..., khoảng 2.500 ha lúa ngập sâu trong nước những ngày qua tiếp tục phải hứng những trận mưa to trong chiều qua.

Trong khi đó, toàn tỉnh TT-Huế đã có gần 1.000 ha lúa hè thu chưa thu hoạch, riêng H. A Lưới chiếm hơn 3/4 diện tích.

Tại Đà Nẵng, mưa lớn kéo dài khiến mực nước trên các sông Cu Đê, Túy Loan dâng cao gây ngập úng trên diện rộng. 200ha lúa vụ hè thu của H. Hòa Vang có nguy cơ mất trắng.

Tại Quảng Nam, thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay trên địa bàn tỉnh còn gần 2.000ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch đã bị ngã đổ.

Tại Tây Nguyên, hàng trăm héc-ta lúa và hoa màu vừa chịu trận lụt lớn của những đợt mưa kéo dài trong tháng 8 và đầu tháng 9 tiếp tục bị ngập cục bộ trở lại trong khi tại các huyện như Chư Pah, Đăk Đoa hàng trăm héc-ta lúa đang ngâm mình dưới những trận mưa lớn.

Nhóm P.V thời sự

NGƯỜI DÂN BỊ NƯỚC NGẬP ÚNG VÂY HÃM

Sáng 24-9, đường dây nóng Báo Công an TP Đà Nẵng nhận được điện thoại của chị Nguyễn Thị Phước, trú tổ 14 Hòa Minh, cho biết: Nhà chị bị nước tràn vào từ tối 23, sáng 24 vẫn chưa rút.

Có mặt tại đây vào lúc 9 giờ sáng, chúng tôi không thể vào bên trong nhà chị Phước được, bởi đoạn đường vào nhà chị và các hộ dân nơi đây ngập úng rất sâu. Liên lạc qua điện thoại, chị cho biết, chồng đi công tác, hiện tại chị, con nhỏ và mẹ già đang bị nước ngập úng giam hãm. 

Sang tổ 12, chúng tôi chứng kiến cảnh vợ chồng công chức thuê trọ ở đây được 5 tháng đang chuyển đồ đạc ra xe tải để dời đi vì không thể ở được khi phải ngâm trong nước nhiều ngày liền.

 Một hộ dân ở trọ tổ 12 thuê xe tải chuyển đồ đạc đi nơi khác để tránh ngập úng.

Khu vực tổ 12, 14 Hòa Minh hiện được người dân nơi đây ví là vùng “rốn” ngập úng. Đây là vùng đang trong giai đoạn xây dựng khu dân cư số 2 thuộc dự án khu đô thị Tây Bắc, lại thêm BệNH viện Ung bướu đang xây dựng, việc san lấp hết  hồ, ruộng để làm mặt bằng cao hơn đất thổ cư, hệ thống cống thoát nước chưa quy hoạch  đồng bộ, chưa thông với nhau nên nước càng không thể thoát ra được.

Anh Phạm Cường- dân phòng P. Hòa Minh kể: “Tối 23-9, lãnh đạo quận, lãnh đạo phường xuống trực tiếp chỉ đạo việc nạo vét, khơi dòng đến tận 19 giờ mới về. Tuy nhiên, tình hình không thể cải thiện”.

Cho đến chiều 25-9, khi chúng tôi liên lạc qua điện thoại, chị Phước cho biết khu vực nhà chị ở nước vẫn chưa rút. Đã hai ngày qua chị không thể đi chợ. Cả nhà chị đều ở trên gác và hy vọng lương thực dự trữ còn đủ dùng trước khi nước rút.

P.Thủy