Nhiều bất định trước thềm hạn chót hoãn thuế của Tổng thống Trump

Thứ ba, 01/07/2025 09:36

Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là đến thời hạn các mức thuế quan của Tổng thống Donald Trump áp dụng cho từng quốc gia sẽ có hiệu lực trở lại, nhưng Nhà Trắng dường như khó có thể đạt được mục tiêu cải cách thương mại toàn cầu sâu rộng như đã hứa trong 90 ngày tạm dừng vừa qua.

Tổng thống Trump tại sự kiện công bố mức thuế quan tại Nhà Trắng ngày 2-4. Ảnh: AP
Tổng thống Trump tại sự kiện công bố mức thuế quan tại Nhà Trắng ngày 2-4. Ảnh: AP

Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump đã công bố loạt mức thuế mới áp dụng với nhiều đối tác thương mại, nhưng đã tạm hoãn thực thi đối với nhiều nước trong vòng 90 ngày nhằm tạo điều kiện cho đàm phán với các đối tác. Chính quyền Tổng thống Trump đặt mục tiêu đạt được 90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày, tuy nhiên ông Trump cũng nhấn mạnh rất khó có được thỏa thuận riêng với từng đối tác vì "có hơn 200 nước và chúng ta không thể đối thoại với từng nước trong số đó".

Trong nhiều tháng, Tổng thống Trump và các trợ lý của ông cam kết sẽ có nhiều thỏa thuận được ký kết. Đáng chú ý là cố vấn thương mại Peter Navarro vào tháng 4 nói rằng "90 thỏa thuận trong 90 ngày" là mục tiêu. Theo Bloomberg, ở thời điểm này, Tổng thống Trump khó có khả năng đạt được con số đó mà các thỏa thuận đã ký kết còn để lại lời cảnh báo cho các đối tác đàm phán khác.

Các cố vấn hàng đầu của ông Trump tuần này cho biết các thỏa thuận với hơn 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ dự kiến sẽ được hoàn tất trước hạn chót ngày 9-7. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hai thỏa thuận của ông Trump với Trung Quốc và Anh, có thể thấy rằng các thỏa thuận sắp tới nhiều khả năng sẽ không phải là những hiệp định toàn diện giải quyết các vấn đề cốt lõi, mà thay vào đó chỉ đề cập đến một số chủ đề hạn chế và để ngỏ nhiều chi tiết cụ thể cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Ông Tim Meyer, một giáo sư chuyên về thương mại quốc tế tại trường luật của Đại học Duke, dự đoán Nhà Trắng sẽ công bố một số thỏa thuận khung mà họ gọi là thỏa thuận thương mại, nhưng chúng không đáp ứng được định nghĩa thông thường của một thỏa thuận thương mại.

Đối với hàng chục quốc gia khác không đạt được thỏa thuận, Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp đặt các mức thuế mới cao hơn mức cơ bản 10% được duy trì trong suốt giai đoạn đàm phán. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent mới đây cho biết trên kênh CNBC rằng đây chủ yếu sẽ là các đối tác thương mại nhỏ hơn.

Khi sắp đến ngày 9-7, ông Trump và các cố vấn đã khiến giới đầu tư lo lắng khi đưa ra những tín hiệu không rõ ràng về việc quốc gia nào đang tiến gần đến thỏa thuận và quốc gia nào đang đi chệch hướng. Kết quả của các cuộc đàm phán này sẽ giúp định hình tương lai chương trình nghị sự thương mại của ông Trump, và có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như mối quan hệ của Mỹ với các nước.

Tuần trước, ông Bessent cho biết khoảng 20 quốc gia không đạt được thỏa thuận trước ngày 4-7 có thể sẽ được tiếp tục đàm phán, nhưng mức thuế quan của họ sẽ bị đưa trở lại mức đã được công bố vào ngày 2-4, hoặc giữ ở mức 10% nếu họ được coi là đang đàm phán một cách thiện chí. Tuy nhiên, điều đáng lo là trong cuộc phỏng vấn với kênh tin tức Fox News ngày 29-6, Tổng thống Trump khẳng định không có kế hoạch gia hạn lệnh tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày đối với hầu hết các quốc gia sau ngày 9-7, thời điểm kết thúc giai đoạn đàm phán mà ông đã ấn định. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời cảnh báo các biện pháp trừng phạt thương mại sẽ có hiệu lực nếu các nước không đạt được thỏa thuận với Mỹ. Ông Trump nhấn mạnh phía Mỹ sẽ gửi thư thông báo tới các đối tác thương mại "rất sớm" trước thời hạn chót.

Mặc dù cách tiếp cận của Tổng thống Trump có thể giúp ông giành được nhượng bộ từ các đối tác thương mại. Tuy nhiên, tính chất thất thường đã gây bất ổn cho thị trường tài chính và khiến doanh nghiệp trong nước lo lắng. Việc thiếu rõ ràng về thời hạn càng dẫn đến gia tăng căng thẳng.

Một số đối tác, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và EU, đã ngần ngại ký kết các thỏa thuận khi chưa biết họ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề như thế nào bởi các khoản thuế riêng biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu bao gồm chip, dược phẩm và máy bay thương mại. Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố kết quả điều tra đối với một số lĩnh vực đó trong những tuần tới, điều này có thể dẫn đến việc áp thuế.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 29-6, Bộ Tài chính Canada thông báo Thủ tướng nước này, ông Mark Carney và Tổng thống Mỹ đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán thương mại sau khi Canada hủy bỏ vào phút chót kế hoạch đánh thuế các công ty công nghệ Mỹ. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: "Thủ tướng Carney và Tổng thống Trump đã nhất trí rằng các bên sẽ tiếp tục đàm phán nhằm hướng tới việc đạt được thỏa thuận vào ngày 21-7".

Đây là mốc được nêu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra trong tháng này tại Kananaskis. Quyết định trên được đưa ra 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ thông báo sẽ chấm dứt các cuộc đàm phán thương mại với người hàng xóm Canada, với lý do mức thuế DST của Ottawa là một "đòn giáng trực tiếp và rõ ràng" vào Mỹ.

Trong khi đó, Báo Donga Ilbo ngày 30-6 cho biết Mỹ tiếp tục gây sức ép với chính phủ mới của Hàn Quốc về nới lỏng các rào cản phi thuế quan như hạn chế độ tuổi thịt bò trong các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa Hàn Quốc và Mỹ. Do lập trường của Hàn Quốc và Mỹ khác nhau nên không chắc chắn liệu hạn chót 8-7 để kết thúc đàm phán có bị kéo dài thêm hay không.

AN BÌNH

Ông Trump đặt thời hạn cho quyết định can thiệp xung đột Israel – Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đưa ra quyết định về việc có phát động các cuộc tấn công Iran hay không trong vòng hai tuần tới.

Các điểm nổi bật tại Hội nghị thượng đỉnh G7

Tối 17-6 (giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Alberta (Canada) đã bế mạc. Hội nghị không ra được một tuyên bố thống nhất về những quan điểm chung, vốn là thông lệ sau các cuộc họp trước đây, mà thay vào đó đã đưa ra một loạt thông cáo chung về nhiều vấn đề, từ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử tới nạn buôn người...

Các lãnh đạo G7 kêu gọi Mỹ chấm dứt căng thẳng thương mại

Ngày 16-6, các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Canada đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược chính sách thuế quan đơn phương, đồng thời cảnh báo chính sách này đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu.