Bão tan, nhiều nhà dân bị ngập lụt

Thứ sáu, 20/07/2018 08:03

* Chưa liên lạc được với 35 người đi hái măng rừng ở Nghệ An

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 3 suy yếu và tan dần, nhưng mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới, các địa phương và người dân cần chú ý theo dõi về dự báo mưa lớn. Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 3.

Nước lũ dâng cao tại bản Mường Phú, xã Thông Thụ, H. Quế Phong, Nghệ An.

Đêm 18-7, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều 18 đến sáng 19-7, Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa đến mưa to; riêng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 -150mm, có nơi lớn hơn như Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 151mm, Đô Lương (Nghệ An) 233mm,... Ven biển từ Thái Bình đến Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Hồi 10 giờ ngày 19-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 104,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Thượng Lào. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, suy yếu dần thành một vùng áp thấp và tan dần trên khu vực Thượng Lào.

Người dân xã Khánh Thành, H. Yên Thành, Nghệ An phải dùng xuồng để di chuyển.

Tại Nghệ An - Khoảng 22 giờ ngày 18-7 đến 0 giờ ngày 19-7, bão số 3 đổ bộ vào Nghệ An. Do ảnh hưởng trực tiếp của bão nên trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to. Trong đêm, các huyện ven biển và một số huyện miền núi vẫn triển khai kế hoạch di dời dân, dự trù di dời hàng nghìn hộ dân. Theo thống kê ban đầu, có 2 nhà bị sập, 6 nhà bị sạt lở, 2 nhà bị tốc mái và sập 12.250 ha lúa, hơn 6.700 ha rau màu các loại, 922,62 ha diện tích thủy sản bị ngập. Nhiều nhà dân các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Quế Phong, Kỳ Sơn... bị cô lập, ở xã Khánh Thành, Long Thành, H. Yên Thành cũng bị ngập sâu. Riêng bản Na Mì (xã Mường Típ, H. Kỳ Sơn), đã xảy ra lũ quét cuốn trôi nhà bếp học sinh và nhà cộng đồng tại Trường Tiểu học Na Mì.

Hai xã Châu Hồng, Châu Tiến, H. Quỳ Hợp đang bị cô lập, trong đó xã Châu Hồng có 20 - 25 nhà dân bị ngập. H. Quỳ Châu có 16 cầu tràn bị ngập,11 nhà dân bị ngập úng. Các tuyến giao thông liên xã trên địa bàn các xã Hoa Tiến, Châu Tiến, Châu Hội, Châu Nga, Châu Thuận, Châu Bình bị sạt lở, ngập sâu, hiện Quỳ Châu đã vận động di dời 18/198 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ông Lang Xuân Chính - Chủ tịch UBND xã Châu Bính, H. Quỳ Châu cho biết, trên địa bàn xã có 41 người đi hái măng trong rừng trước khi bão vào, đã có 6 người đã gọi điện về nhà, 35 người vẫn không thể liên lạc được trong khi diễn biến mưa lũ đang hết sức phức tạp. Hiện chính quyền địa phương đang cắt cử người cùng người thân vào rừng tìm kiếm.

Về hồ đập, hiện tại có hơn 533 hồ địa phương quản lý, đến nay có 401 hồ đầy nước, các hồ còn lại đạt 40 - 90% dung tích. Đối với 2 hồ có dung tích lớn là hồ Vực Mấu có mực nước 18,9m, hồ Sông Sào có mực nước là 75,46m hiện đã xả 3 cửa với lưu lượng 195m3/s. Nhiều tuyến quốc lộ ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương... bị ngập nước, sạt lở. Nhiều tuyến đường đã đóng đường, cử người trực gác 24/24 giờ ở hai đầu tràn, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại.

Nước ngập sâu tại chợ xã Sơn Tiến, H. Hương Sơn, Hà Tĩnh. 

Tại Hà Tĩnh - Sáng 19- 7, xã Sơn Tiến, H.Hương Sơn đang bị cô lập hoàn toàn do ngập sâu. Trụ sở UBND xã vẫn cửa đóng then cài do ngập nước, cán bộ không thể đến làm việc. Ông Hoàng Huy Hiệu – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tiến cho biết, do mưa lớn trước bão số 3 nên xã đã bị cô lập suốt 3 ngày nay. Dù nước đang rút nhưng xã vẫn còn 4 thôn bị ngập, gây chia cắt. Có 13 ngôi nhà và 7 nhà văn hóa thôn vẫn còn bị ngập. Ngoài ra, xã có 40ha ngô, 70ha lúa, 50 ha đậu bị ngập.

Trước đó, tối 18-7, xuất hiện lốc xoáy quét qua địa bàn thôn 2 xã Xuân Phổ, H.Nghi Xuân làm tốc mái, sập giàn che của 13 hộ dân trong thôn. Riêng mái nhà chính của bà Trần Thị Năm bị lốc xoáy đánh sập. Rất may, thời điểm xảy ra lốc xoáy, bà Trần Thị Năm đã được chính quyền di dời đến nơi trú ẩn an toàn. Vì vậy, không xảy ra thương vong về người. Ngay sau khi lốc xoáy đi qua, lãnh đạo chính quyền địa phương đã kịp thời có mặt để động viên bà con khắc phục, sửa chữa lại nhà cửa.

Mưa lớn trong mấy ngày qua cũng đã làm sạt lở một số tuyến giao thông như: Quốc lộ 8A sạt lở phần ta luy dương ở đoạn Km82+300 và rải rác từ Km73 đến Km82 ở xã Sơn Kim 1 huyện Hương Sơn; lực lượng chức năng sử dụng máy xúc san, gạt đảm bảo lưu thông.

Đường vào xã Sơn Tiến, H. Hương Sơn, Hà Tĩnh ngập nặng.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Trung Bộ hoạt động mạnh nối với áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 3 nên ngày và đêm 19-7, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa to đến rất to. Từ gần sáng và ngày 20-7, mưa lớn có khả năng mở rộng lên các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Tây Bắc Bắc Bộ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông, tập trung vào chiều và đêm, trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1; riêng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái cấp 2.

X.SƠN – D.HÓA – B.THÙY

Khả năng từ tháng 10 xuất hiện El Nino

Nhận định về tình hình thời tiết 6 tháng cuối năm 2018, Tiến sĩ Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, theo các kết quả dự báo mới nhất của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới, khả năng từ tháng 10 xuất hiện El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt). Nếu xuất hiện trạng thái này, khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam sẽ xuất hiện nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2018-2019.