Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế thoát cảnh "ở nhờ"

Thứ hai, 04/05/2020 16:41

Sau 44 năm "tá túc" tại di tích Quốc Tử Giám ở số 1 đường 23 Tháng Tám, Bảo tàng Lịch sử (BTLS) TT-Huế sắp chuyển đến vị trí mới tại số 268 đường Điện Biên Phủ, TP Huế. Những ngày này, ngành chức năng đang lên phương án di dời hàng chục máy bay, xe tăng, pháo hạng nặng đến địa điểm mới.

Máy bay, xe tăng nằm giữa trời hàng chục năm nay sắp được chuyển đến "nhà mới".

"Cứu" lấy hiện vật

BTLS TT-Huế được thành lập vào năm 1976 và từ đó đến nay vẫn "tá túc" tại di tích Quốc Tử Giám. Là bảo tàng có số hiện vật lớn nhất ở các bảo tàng miền Trung với gần 33.000 hiện vật, trong đó có rất nhiều hiện vật quý, tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất nên không ít hiện vật phải nằm phơi sương phơi gió giữa trời, có hiện vật phải đặt giữa các hành lang lối đi của các phòng ban, gây phản cảm trong mắt du khách. Mỗi mùa mưa, cán bộ của bảo tàng lại nơm nớp lo sợ, đôn đáo che bạt tránh dột song không ít hiện vật gốc, quý giá luôn trong tình trạng "phơi nắng phơi mưa". Nhiều hiện vật trưng bày ngoài trời đều đã rỉ sét trầm trọng, một số chiếc bị mất các bộ phận... Riêng các khẩu thần công, trong đó có khẩu được đúc dưới thời Minh Mạng (1825) khi chạm tay vào các lớp sắt rỉ rơi ra từng mảng...

Sau nhiều lần "kêu cứu", năm 2016, UBND tỉnh TT-Huế đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị bàn giao cho tỉnh một phần khu đất tại địa chỉ 268 Điện Biên Phủ do Tiểu đoàn 19 thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh TT-Huế quản lý để làm BTLS tỉnh bố trí trưng bày các hiện vật, chứng tích lịch sử. Tháng 3-2017, Thủ tướng có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đồng ý điều chuyển tài sản khu nhà, đất này sang cho UBND tỉnh TT-Huế quản lý và sử dụng. Tỉnh TT-Huế đã đầu tư kinh phí hơn 14 tỷ đồng để di dời và nâng cấp BTLS này. Như vậy, BTLS tỉnh ở đường 23-8 sẽ được di dời đến số 268 đường Điện Biên Phủ, TP Huế.

Tại buổi thăm BTLS TT-Huế ngày 30-4, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh này phối hợp BTLS tỉnh TT-Huế và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án di dời số hiện vật này, hoàn thành trước ngày 19-5. Thượng tá Ngô Nam Cường- Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh TT-Huế cho biết, có ít nhất 16 chiếc máy bay, xe tăng, pháo hạng nặng ở BTLS TT-Huế nằm bên trong di tích kinh thành Huế phải được di dời về nơi trưng bày mới. Đây là các hiện vật hạng nặng, làm sao để ra khỏi cổng, cầu cống thuộc kinh thành Huế vốn dĩ chật hẹp, tải trọng thấp? Theo ông Nguyễn Đức Lộc- Giám đốc BTLS, đơn vị đã tổ chức nhiều buổi họp với Bộ CHQS tỉnh TT-Huế để bàn phương án di dời toàn bộ các hiện vật hạng nặng trưng bày tại vị trí hiện tại ở di tích Quốc Tử Giám lên số 268 đường Điện Biên Phủ.

Theo BTLS tỉnh TT-Huế, vấn đề được quan tâm là di dời 6 xe tăng, 6 khẩu pháo tự hành, 4 máy bay và một số đuôi máy bay... có kích thước và thể trọng lớn, nặng đến hàng tấn. Ông Lộc cho biết, sẽ dùng các xe tải cẩu để di chuyển, các bộ phận cồng kềnh như cánh máy bay phải được tháo ra, sau khi đến vị trí mới sẽ được lắp lại. Việc tháo lắp sẽ do cơ quan quân sự đảm trách. "Chúng tôi sẽ tính tổng trọng tải mỗi chuyến xe và hành trình do Sở GTVT tỉnh TT- Huế, Công an xem xét có thể cấp được giấy phép xe siêu trường siêu trọng và đi ngược chiều hay không, phương án dẫn đường, đảm bảo giao thông. Trong trường hợp không được cấp giấy phép thì buộc phải trình phương án tháo dỡ các hiện vật", ông Lộc nói thêm.

Phát huy giá trị di tích Quốc Tử Giám

Theo Sở VH-TT tỉnh TT-Huế, với gần 33 ngàn hiện vật, nội dung trưng bày của BTLS tại địa điểm mới gồm 3 phần chính: Trưng bày cố định, trưng bày chuyên đề và trưng bày ngoài trời...

Sau khi BTLS được di dời, di tích Quốc Tử Giám sẽ được trả lại cho Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế quản lý để phát huy giá trị di sản. Theo một nhà nghiên cứu Huế, Quốc Tử Giám là di tích trường đại học thời phong kiến duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam. Quốc Tử Giám được thành lập lần đầu tiên từ năm 1076, dưới thời Lý, vị trí ở kinh đô Thăng Long, trong khuôn viên Văn Miếu Hà Nội ngày nay. Đến đầu triều Nguyễn, vua Gia Long đã quyết định xây dựng kinh đô tại Huế. Tháng 8-1803, một trường học mang tính quốc gia đã được thành lập tại đây với tên gọi là Đốc Học Đường (hay Quốc Học Đường).

Tháng 3-1820, vua Minh Mạng đổi tên thành Quốc Tử Giám. Tên này tồn tại mãi đến năm 1945, sau đó trường Quốc Tử Giám chấm dứt vai trò của mình cùng với sự sụp đổ của vương triều Nguyễn. Lúc bấy giờ, cả nước chỉ có một trường đại học ở Kinh thành nên sinh viên quy tụ về đây rất đông. Quốc Tử Giám đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo những nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này. Năm 1993, Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.

H.LAN