Bảo tàng ở Đà Nẵng - đôi điều muốn nói

Thứ tư, 08/07/2015 07:49

(Cadn.com.vn) - Nếu so với nhiều địa phương ở nước ta, nhất là Hà Nội và TPHCM thì hệ thống bảo tàng (BT) ở Đà Nẵng quả là còn khá “khiêm tốn”. Ngoài BT Điêu khắc Chăm vốn đã nổi tiếng từ lâu là BT Quân khu V, Nhà tưởng niệm thuộc Chi nhánh BT Hồ Chí Minh Quân khu V, BT Đà Nẵng và mới đây chưa lâu là BT tư nhân Đồng Đình ở Sơn Trà thì Đà Nẵng vẫn còn rất thiếu BT chuyên đề.

Về mặt ý nghĩa, BT không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ niệm trong quá khứ, nó phải là thiết chế văn hóa, tạo ra các sợi dây, các mạch gắn kết quá khứ với hiện tại. BT có sưu tập, có nói câu chuyện quá khứ nhưng đồng thời phải giải quyết được vấn đề mà xã hội đang đặt ra, đặc biệt các vấn đề nóng, trọng tâm của xã hội như đói nghèo, môi trường, tệ nạn xã hội… Dù đó là BT cổ vật hay BT địa phương cũng phải gắn được những câu chuyện ấy. Về hệ thống BT, nếu so với hai đầu đất nước thì Đà Nẵng còn có nhiều việc phải làm, còn so với khu vực và thế giới thì chưa dám nghĩ tới vì  họ đã làm rất tốt, rất sáng tạo việc này, còn ở ta mới chỉ là “chập chững".

Nhìn nhận một cách khách quan, trong bối cảnh đất nước ta nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng thì hiện nay, để xây dựng được một BT chuyên đề không phải cứ muốn là có ngay được. Đó là cả một quá trình từ ý tưởng, tìm chủ đề đến quy mô, địa điểm và nhất là quá trình thu thập hiện vật, hình ảnh… Người viết có dịp đi Quảng Châu (Trung Quốc), thấy cách làm BT chuyên đề của họ cũng không quá phức tạp, nhưng lại có ý nghĩa. Nó không đơn thuần chỉ là việc đón tiếp khách hoặc giữ các hiện vật mà người ta đã nghiên cứu để nhìn ra vấn đề thời sự của xã hội. Cũng có thể xem đây là một loại “BT mini” mà trong đó có kết hợp giữa điểm tham quan du lịch với việc quảng bá, giới thiệu cho du khách về lịch sử quá trình hình thành, phát triển của một vùng đất, một địa danh. Ví dụ như để nói về lịch sử của một khu phố vốn trước đây là nơi nghèo nàn, ô nhiễm, nhếch nhác nhưng thông qua thực hiện một dự án mà đến nay trở thành một khu phố khang trang, hiện đại và văn minh. Tất cả được tái hiện bằng hình ảnh, mô hình, hiện vật, được sắp xếp theo trình tự từ thuở ban sơ đến  thời điểm hiện tại. BT tọa lạc trên diện tích cũng không quá rộng, chỉ khoảng 200m2 được xây 2 tầng nhưng luôn luôn có khách thăm. Xem xong, người ta sẽ hiểu hơn về lịch sử phát triển của khu phố đó cũng như  ý nghĩa thiết thực có được khi thực hiện dự án này.

  Từ chuyện mục sở thị nêu trên, chợt nghĩ, Đà Nẵng cũng có thể làm được những BT loại mini tương tự như vậy mà ở  đó, vừa là điểm tham quan  du lịch, vừa có ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ công dân của thành phố. Tại sao không có một “BT sông Hàn” để nói về cái Xưa và Nay của con sông  Hàn và đôi bờ của nó.  Nơi đó sẽ trưng bày những tấm ảnh hiện vật, mô hình về những chuyến phà ì ạch qua lại, đặc trưng của những năm thế kỷ trước; là hình ảnh nhếch nhác, tiêu điều của những dãy nhà chồ 2 bên sông, là bờ Đông một thời với cái tên gọi “quận 3” không hơn gì vùng ngoại ô, là những con đường người qua lại thưa thớt… từ đó kết nối với hiện tại là những chiếc cầu quay, rồi là cầu Rồng…, hoành tráng nối 2 bờ Đông -Tây, những tòa nhà cao tầng nguy nga, những công viên, con đường ven sông khang trang…

Hay như con đường ven biển Liên Chiểu – Thuận Phước mà nay là đường Nguyễn Tất Thành. Bảo tàng ở đây sẽ là nơi lưu giữ hình ảnh của một làng chài nhếch nhác, nhà cửa lụp xụp những năm 70-80 của thế kỷ trước với ngày nay là con đường đẹp và hiện đại bên những công trình mọc lên san sát, rồi là  chiếc cầu Thuận Phước uy nghi… Hay như khu nghỉ mát Bà Nà – Suối Mơ cũng có thể có một BT nho nhỏ về địa danh nổi tiếng này để du khách biết về quá khứ và hiện tại của một khu du lịch hiện đại và hấp dẫn…

Đà Nẵng còn thiếu nhiều điểm tham quan du lịch, đó là một thực tế. Nhìn các đoàn khách trong và ngoài nước, mỗi khi đến Đà Nẵng thường ghé thăm BT Đà Nẵng trong khu vực Thành Điện Hải và BT Điêu khắc Chăm thì có thể thấy được ý nghĩa về mặt thu hút khách du lịch của các BT này. Thông qua BT sẽ giới thiệu, quảng bá về lịch sử thành phố một cách sinh động và thuyết phục vì tâm lý của du khách là muốn không chỉ có những kỷ niệm về một điểm đến trong tour du lịch của mình ở hiện tại mà muốn khám phá cả quá khứ, lịch sử của địa danh đó mà không có gì hơn là thông qua các BT. Nghĩ một cách thực tế thì nếu Đà Nẵng có thêm nhiều BT sẽ giữ chân được du khách ở lại lâu hơn. Việc hình thành các BT chuyên đề, BT đặc thù với quy mô vừa phải như đã nêu nên được quan tâm một cách nghiêm túc, từ đó góp phần làm phong phú thêm cho hoạt động văn hóa du lịch của thành phố.

Dân Hùng