Bảo tàng sống của người Ca Dong
Người con của rừng
(Cadn.com.vn) - Bắc Trà My là xứ quế, xứ sâm. Nơi đây, đồng bào Ca Dong sinh sống lâu đời, là chủ nhân đích thực của một kho tàng văn hóa đậm đặc chất Trường Sơn. Những năm qua, huyện vùng cao này trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến bởi những dư chấn ở thủy điện Sông Tranh 2. Song trước đó, nơi đây được nhiều người biết đến vì có một nghệ nhân được người Ca Dong vinh danh là ông thầy cồng chiêng. Ông là Hồ Văn Dinh.
Trước kia, khi chưa có thủy điện này, ông sống hồn nhiên với con cháu tại một ngôi làng nhỏ ở xã Trà Bui. Khi dự án thủy điện khởi công cũng là lúc ông về làng tái định cư. Làng ông được thủy điện xây sẵn. Trăm nhà như một, họ nhân bản ngôi nhà xây hình hộp diêm ra cho cả làng, nóng mùa nắng, mưa ồn không chịu được. Bọn trẻ vui mừng về làng mới bởi cơ sở vật chất hiện đại, cà-phê, bi da, nhậu đều có đủ. Với số tiền rủng rỉnh trong túi, bọn trẻ tha hồ mà vui chơi. Còn với gia đình già Dinh, ông dẫn đầu 7 hộ gia đình là con, cháu ông vào sát lòng hồ thủy điện lập làng.
Từ trung tâm của làng mới, đến được với làng già Dinh lập phải đi bộ gần 2 giờ đồng hồ. Già Dinh mang hết gia tài nghệ thuật như chiêng, ché, nhạc cụ về ngôi làng mới. Chúng tôi hỏi, sao ông không ở ngoài làng tái định cư, già Hồ Văn Dinh hồn nhiên trả lời: “Mình không quen lắm với sự ồn ào, với cái làng bê- tông, tuy đường sá đi lại thuận tiện. Ở đây có rừng, có rẫy thì mới sống được. Đôi chân mình quen đi rừng rồi...” .
Theo già Dinh, cậu con trai út của ông cùng vợ con ra làng mới rồi. Ở làng mới hiện có 7 nóc nhà, rẫy nương đều tốt tươi, những vụ lúa rẫy trĩu hạt giúp mọi người tự tin hơn, không lo cái đói. Những nông sản làm ra phần lớn để dùng. Nếu tích góp được nhiều, ông chèo thuyền vượt hồ thủy điện để sang làng bên bán cho thương lái. Nhưng chèo thuyền ở hồ thủy điện rất nguy hiểm bởi gió giông, động đất sẽ là nỗi ám ảnh. Nói rồi ông lại vô tư kể chuyện với chúng tôi. Già Dinh hồn nhiên nói: “7 năm ở làng mới, các chú là những nhà báo đầu tiên đến đây đó nghe. Vậy là khách quý của làng, chắc phải tổ chức tiệc đãi khách thôi”.
Nghệ nhân Hồ Văn Dinh đánh đàn Ka tốc và biểu diễn chiêng cổ. |
Bảo tàng của người Ca Dong
Trong khi các con ông làm heo đãi khách, ông mặc trang phục truyền thống rất trang trọng và giới thiệu những gia sản của mình tích góp qua nhiều đời. Đầu tiên là chiếc gùi lớn đựng tài sản như tiền, vòng, hạt cườm và thổ cẩm. Tiếp đến ông giới thiệu bộ chiêng truyền thống. Bộ chiêng mà nghệ nhân Hồ Văn Dinh sở hữu có từ rất lâu đời, có 3 chiếc, đánh liên tục cả ngày cũng không bị lệch âm. Muốn mang chiêng ra khỏi nhà là phải cúng, đánh chiêng phải mặc đồ truyền thống nữa. Và rồi ông đánh lên một hồi dài với nhịp chiêng mạnh, trầm hùng vang xa tận làng bên. Già Dinh kể tiếp, bộ chiêng này thiêng lắm, năm 1966, bọn Mỹ vào làng càn quét và lấy đi. Mang đi được con dốc thứ nhất, chúng khắc tên mình lên và bỏ lại giữa rừng. Không biết chúng mệt hay là do thần chiêng không cho lấy đi? Nghe tin vậy, cha ông mừng quá chạy một mạch, cõng bộ chiêng về nhà và mở tiệc ăn mừng. Lúc ấy nghệ nhân Hồ Văn Dinh đang là bộ đội đánh giặc ở Trường Sơn.
Bộ chiêng của nghệ nhân Hồ Văn Dinh tương đương vài chục con trâu đực. Đây là tài sản lớn nhất của ông, ông đã mang nó đi biểu diễn nhiều nơi và tiếng của nó vang đến tận trời xanh... Kể đến đây, già Dinh nhìn xa xăm về hồ nước mênh mông như tiếc nuối: Nhà tôi còn có 7 cái ché rượu, điều quý nhất là chiếc ché đó biết đi. Nhưng thằng Mỹ ném bom, bể hết rồi. Ông giải thích thêm: Nó có thể đi từ nhà này sang nhà khác mà không có sự tác động từ bên ngoài. Ché lớn lên thì chúng tôi đã từng nghe người Ba Na ở Hơ Moong, H. Sa Thầy, Kon Tum kể. Còn ché biết đi thì chúng tôi chưa nghe bao giờ. Nhà ông bây giờ là một bảo tàng thu nhỏ; làng ông là ngôi làng sinh thái và là đối tượng để nghiên cứu nếu ai đó muốn quay ngược dòng thời gian để tìm hiểu về đời sống văn hóa của người Ca Dong.
Hưởng lộc của rừng
Tiếng gà rừng gáy râm rang như báo hiệu một điều gì. Ông dẫn chúng tôi xuống hồ thủy điện sông Tranh 2. Hình như ông canh thời gian theo tiếng gà để kéo lưới. Cá ở hồ này nhiều lắm, nào cá lóc, cá thát lát, cá trê và cá chép. Cá ở đây rất lớn, cá nặng vài ki-lô-gam là chuyện bình thường. Làng mới này cũng không cần đi chợ mua cá mà cứ xuống đây thả lưới là đủ để dùng. Ở đây, mối quan hệ giữa các thành viên trong làng cũng đặc biệt. Mọi thứ đều chia sẻ, có con cá, nải chuối cũng dùng chung. Theo già Dinh, ở đây đi lại khó khăn nhưng mọi người rất thích. Và vài tháng ông ra làng mới, ra ủy ban xã. 70 mùa rẫy, đôi chân ông như dính chặt vào rừng. Vì vậy, dù chính quyền vận động nhiều lần nhưng ông không muốn ra làng mới. Ông Hồ Văn Tiến – chủ tịch xã Trà Bui ba lần bảy lượt đến nhà già Dinh vận động nhưng ông nhất quyết không đi.
Nhạc trưởng của làng
Những ngôi nhà nơi làng mới ẩn mình dưới tán cây rừng. Ngoài thời gian đi rẫy, con cháu tập hợp lại tại nhà ông. Mọi người nghe ông đánh đàn ka tốc, thổi sáo ta lía và hát dân ca. Già Dinh đã truyền dạy nhạc cụ cho tất cả con cháu làng mình. Bây giờ, làng ông có đủ một đội cồng chiêng, có đủ các nghệ nhân từ em bé đến người lớn có thể đánh đàn, thổi sáo. Ở không gian này, tiếng đàn, tiếng sáo của ông như nối dài thêm. Đó cũng là một yếu tố mà già Dinh thích sống ở rừng. Theo lời mời của chính quyền địa phương, sau mùa thu hoạch, già Dinh lại lên đường đi truyền dạy cồng chiêng và nhạc cụ. Ông cầm tận tay, nắn từng động tác để làm sao cho con em mình đánh được cái chiêng, gõ được cái trống. Khi biểu diễn, già Dinh trở thành nhạc trưởng của đội. Theo ông, cho dù cuộc sống có phát triển đến đâu thì con cháu đồng bào Ca Dong cũng phải giữ được cái bản sắc văn hóa. Và cồng chiêng là một trong những thành tố quan trọng nhất để giữ được bản sắc dân tộc.
Với số tiền giải tỏa đền bù khá lớn, một số thanh niên có xu hướng sống hưởng thụ. Nhận diện được vấn đề, tự thân ông vận động con em mình lo làm ăn, lo giữ được cái gốc văn hóa của người Ca Dong. Tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng chiêng của ông cũng góp phần tạo ra sự cân bằng trong đời sống tinh thần. Ông tin rằng, một đứa trẻ sinh ra từ làng, lớn lên từ rừng thì không thể sống tách rời khỏi văn hóa rừng. Vì vậy, ông kiên trì truyền dạy và đến nay đã kết quả. Không giới hạn trong xã Trà Bui, nhiều xã khác ở H. Bắc Trà My đã mời ông đến truyền dạy chế tác và biểu diễn nhạc cụ.
Với vốn kiến thức sâu rộng và khả năng trình diễn vốn nghệ thuật dân gian của đồng bào Ca Dong, nghệ nhân Hồ Văn Dinh được ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam và H. Bắc Trà My mời cộng tác để nghiên cứu, thống kê và bảo tồn văn hóa các dân tộc Quảng Nam. Ông được mời đi biểu diễn nhiều nơi, nhận được nhiều huy chương trong đó có huy chương vàng trong các cuộc Liên hoan dân ca Việt Nam do VTV tổ chức.
Văn hóa được hình thành không phải ngẫu nhiên mà có một quá trình lâu dài, tiếp biến có chọn lọc qua nhiều thế hệ. Dẫu vậy, văn hóa vật thể hay phi vật thể vốn rất mong manh và dễ tổn thương. Ở vùng thủy điện Sông Tranh 2 này, những dư chấn về địa chất đã được cảnh báo nhưng với những dư chấn về văn hóa khi hàng trăm hộ gia đình thay đổi không gian và điều kiện sống để nhường chỗ cho công trình thủy điện thì chưa ai khảo sát, đánh giá một cách nghiêm túc. Hằng ngày, những người như nghệ nhân Hồ Văn Dinh không muốn vốn văn hóa của đồng bào mình bị tổn thất thêm nữa. Ông đã làm tất cả những gì có thể để mai con cháu người Ca Dong nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa của cha ông mình...
Đỗ Vinh