Bảo tồn di sản ca Huế

Thứ ba, 03/12/2019 11:53

Sau khi ca Huế đã được Bộ VH- TT & DL công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia (2015), TT-Huế tiếp tục xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận nghệ thuật ca Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại. Đồng thời với danh hiệu là nhiều thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế.

Học sinh Trường THCS Trần Cao Vân (Huế) trình diễn ca Huế.

Đưa ca Huế vào trường học

Sở VH-TT và Sở GD&ĐT TT- Huế vừa tổ chức chương trình "Đưa di sản nghệ thuật ca Huế vào trường học". Hàng chục học viên là những giáo viên âm nhạc của các trường trên địa bàn Huế đã tham gia lớp tập huấn ca Huế để tìm hiểu về không gian diễn xướng và nghệ thuật ca Huế; thực hành các bài bản, các làn điệu ca Huế… đồng thời giao lưu, biểu diễn ca Huế với các nghệ sĩ, nghệ nhân tại các Câu lạc bộ (CLB) ca Huế trên địa bàn. Những học viên này sẽ là yếu tố then chốt để truyền dạy di sản ca Huế cho học sinh nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Cũng từ tháng 9-2019 ngành Văn hóa và ngành Giáo dục TT- Huế đã xây dựng các CLB ca Huế trong học sinh và tổ chức giảng dạy ca Huế tại các trường THCS trên địa bàn TP Huế...

Bước đầu triển khai, mô hình CLB ca Huế tại các trường học đã thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, cụ thể, bước đầu có hơn 100 học sinh tại các trường cấp 2 ở Huế tham gia. Các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hình thức hoạt động nhằm giới thiệu, tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực về di sản nghệ thuật ca Huế thông qua các hoạt động như tổ chức biểu diễn hát ca Huế trong lễ chào cờ đầu tuần, lễ khai giảng, và các dịp lễ kỷ niệm, các chương trình liên hoan văn nghệ…; đề ra mục tiêu và kế hoạch hoạt động cụ thể của CLB ca Huế của trường để giáo viên và học sinh cùng phấn đấu. Em Trần Nguyễn Ánh Hồng, học sinh lớp 7/5 Trường THCS Trần Cao Vân (Huế) chia sẻ, dù mới tham gia CLB ca Huế của trường chưa đầy 3 tháng nhưng em rất hào hứng với những buổi học hát ca Huế. Qua những buổi truyền dạy của các nghệ sĩ và giáo viên, em đã tìm hiểu được 5 bài và có thể trình diễn được.

Ông Dương Hồng Lam- Hiệu trưởng Trường Trung cấp VHNT tỉnh TT- Huế thông tin: "Trong quá trình triển khai chương trình giảng dạy ca Huế cho các CLB tại các trường học trên địa bàn, mặc dù các em học sinh bận lịch học chính khóa, sĩ số khó đạt 100% nhưng khi đến lớp các em rất tập trung, nghiêm túc tham gia chương trình với niềm đam mê, hứng thú. Có nhiều học sinh tiếp thu và thể hiện khá tốt khả năng trình diễn ca Huế của mình". Sắp tới, ngành Văn hóa TT-Huế sẽ triển khai chương trình ca Huế đến các trường học ở các huyện, thị xã trong năm 2020. Theo ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Sở VH-TT tỉnh TT-Huế, việc đưa ca Huế vào các trường học không chỉ giúp học sinh tập hát mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản...

Biểu diễn ca Huế trên sông Hương.

Đề nghị ca Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại

Ông Phan Thanh Hải cho biết, song song với quá trình xây dựng hồ sơ để trình UNESCO đề nghị công nhận nghệ thuật ca Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại, Sở VH-TT đang sưu tầm các tài liệu xuất bản, chép tay, thư tịch liên quan đến di sản ca Huế ở trong và ngoài nước; ghi hình trình diễn nghệ thuật ca Huế để xây dựng sản phẩm nghe nhìn; xây dựng chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Sở cũng sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, câu lạc bộ ca Huế, nghệ nhân, nghệ sĩ để chỉnh sửa và bổ sung hồ sơ... "Sở cũng đang tập huấn nâng cao chất lượng ca Huế cho hơn 350 diễn viên, nhạc công trên địa bàn. Việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận có nhiều thuận lợi, bởi ca Huế đã được công nhận là di sản cấp quốc gia. Hồ sơ tư liệu về ca Huế rất phong phú, đội ngũ nhà nghiên cứu, nhà quản lý của Huế và Việt Nam có nhiều kinh nghiệm xây dựng hồ sơ di sản...", ông Hải nói.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa- nguyên Giám đốc Sở VH-TT TT-Huế, ca Huế xuất hiện từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII và phát triển rực rỡ vào thời Tự Đức, thế kỷ XIX. Với hệ thống bài bản có cấu trúc chặt chẽ, đòi hỏi kỹ năng biểu diễn điêu luyện của ca công và nhạc công, ca Huế có xuất xứ từ âm nhạc cung đình nên mang phong cách sang trọng, tao nhã nhưng cũng đậm đà phong vị dân gian. Đây là bộ phận âm nhạc đặc sắc, có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, không chỉ bởi sự in đậm bản sắc Huế, mà còn mang dấu ấn hội tụ và lan tỏa trong lịch sử âm nhạc cổ truyền dân tộc... Nhằm xây dựng hình ảnh ca Huế trên sông Hương thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần phát triển KT-XH của địa phương theo hướng "Di sản, văn hóa, cảnh quan, thân thiện với môi trường", UBND tỉnh TT-Huế yêu cầu ngành Văn hóa và các ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các chương trình biểu diễn ca Huế. Hiện, loại hình này thu hút rất lớn lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn, không chỉ trên sông Hương, mà còn được trình diễn ngay cả trong các thính phòng, khách sạn, nhà hàng lớn.

H.LAN

Hiện tại, TT-Huế có 5 di sản được UNESCO vinh danh gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Nhã nhạc cung đình Huế.