Bảo tồn màu xanh Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng vốn được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho lợi thế về tự nhiên mà không phải đô thị nào ở nước ta cũng có được. Đó là một thành phố mà trong một số ca khúc về Đà Nẵng đã phác họa: "Núi trong lòng thành phố - Phố trong lòng biển khơi" (Đà Nẵng tình người) hay là thành phố của " Một bên núi, một bên sông một biên biển rộng" (Tình yêu Đà Nẵng)…. Quả thực, Đà Nẵng đã có được màu xanh của núi, sông, rừng, biển. Những màu xanh mang tính "cố định vĩnh cửu" như sông, biển thì phải giữ gìn cho nó trong xanh và sạch. Màu xanh mang tính nhân tạo như cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa v.v…thì phát triển, quản lý và từng bước đưa vào quy củ.
Một mảng xanh khác là màu xanh của đồi, rừng, nếu nó là "xanh vĩnh cửu" cũng không sai, nhưng dưới tác động của con người, sự tồn tại của màu xanh đó có thể đi theo hướng tích cực khi chúng ta quản lý, bảo vệ và chăm sóc tốt nhưng cũng đi theo hướng tiêu cực khi nạn phá rừng không được ngăn chặn, tình trạng khai thác đất đá, khoáng sản tại những quả núi, ngọn đồi ven đô, thậm chí là nằm trong khu vực nội thành không theo quy hoạch và nhất là không được hoàn thổ, khôi phục lại màu xanh sau khi khai thác. Ở Đà Nẵng hiện nay, mảng xanh này là một vẫn đề được quan tâm, nó có ý nghĩa không chỉ về mặt cảnh quan mà còn là yếu tố môi trường, là lá phổi xanh cho thành phố. Ngoài Sơn Trà, Bà Nà, Hải Vân còn là núi Phước Tường, Ngũ Hành Sơn... Màu xanh của những ngọn núi quả đồi hay còn gọi là "Vành đai xanh" và "núi trong phố" này có ý nghĩa rất lớn đối với Đà Nẵng, một thành phố đang phấn đấu để trở thành "thành phố môi trường", "thành phố đáng sống".
Màu xanh Sơn Trà- món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng. |
Người viết may mắn được đến một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, thấy ở các đô thị của họ, vành đai xanh và cả rừng trong phố của họ được bảo vệ rất tốt. Những cánh rừng ven đô thị luôn xanh tươi. Còn ở ta thì chủ yếu là lo phòng cháy rừng mùa khô, trồng rừng kinh tế; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đôi khi còn bị khai thác để làm công trình này, khu nghỉ dưỡng nọ. Đó là chưa nói đến việc khai thác đất đá để phục vụ xây dựng các công trình giao thông, dân dụng v.v…
Nhìn ra thế giới, tại mỗi đô thị, vành đai xanh (Green belt) là một chính sách được sử dụng trong kế hoạch giữ lại phần lớn các khu vực chưa phát triển, hoang dã, hoặc đất nông nghiệp xung quanh hoặc lân cận đô thị. Đơn cử như tại nước Anh, vành đai xanh là một chính sách để kiểm soát phát triển đô thị, tạo một vùng đệm nhằm bảo vệ vùng nông thôn nơi đô thị hóa sẽ gây ảnh hưởng trong tương lai gần. Mục đích cơ bản của chính sách vành đai xanh là để ngăn chặn sự mở rộng đô thị bằng cách công khai giữ đất vĩnh viễn, và do đó các thuộc tính quan trọng nhất của vành đai xanh là sự công khai nó. Còn ở Việt Nam, đa số các đồ án quy hoạch đô thị đều chưa được nghiên cứu, đề xuất vành đai xanh hay còn gọi là khu vực chuyển tiếp giữa đô thị và ngoại ô.
Đây là một thiếu sót lớn về hành lang pháp lý dẫn đến việc phát triển đô thị tràn lan, không bền vững. Thực tế cho thấy rằng, quan sát bằng mắt thường thì không thể phân biệt được ranh giới giữa đô thị và ngoại ô do việc xây dựng phát triển đô thị tự phát, dàn trải, không có độ nén, làm lãng phí tài nguyên đất đai, cơ sở hạ tầng rất lớn. Do đó việc xác định khu vực chuyển tiếp (vành đai xanh) để biến đổi thành giao diện giữa đô thị và nông thôn, với những hình thái sử dụng đa năng như: nghỉ dưỡng, vui chơi, đào tạo, nhà ở mật độ thấp, nông nghiệp hiện đại... nhằm khai thác vai trò và những lợi ích mà nó mang lại là rất cần thiết và bức bách. Đây là một trong những giải pháp để phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững.
Về lâu dài, theo quan điểm cá nhân của người viết, phải tiến đến chấm dứt khai thác đất đá tại những khu vực đồi núi ven thành phố. Sự hoàn thổ, phủ xanh lại đồi núi không phải là chuyện ngày một ngày hai. Hơn nữa, hình dáng và độ cao của những quả đồi qua quá trình khai thác có thể đã biến dạng hoặc thậm chí là biến mất. Màu xanh cứ mất đi chứ không tăng lên. Nếu có dịp đi trên máy bay hoặc trên các tòa nhà cao tầng nhìn xuống sẽ thấy sự nham nhở, lở lói của nhưng quả đổi, những mảng xanh loang lổ do khai thác mà chưa được hoàn xanh bởi cây cối.
Về giải pháp duy trì và phát triển màu xanh của rừng Đà Nẵng, đã đến lúc phải nghĩ đến việc chấm dứt triển khai các dự án nằm trong đất rừng và đất đã quy hoạch trồng rừng; ha##n chế tối đã việc xây dựng các công trình dân dụng trong đất rừng, tăng cường quản lý theo quy chế rừng phòng hộ môi trường, nhằm đảm bảo độ che phủ rừng và cây xanh, đảm bảo môi trường sinh thái theo quy hoạch của thành phố. Cần có quan niệm việc xác định vành đai xanh là rất quan trọng, không những được thiết lập nhằm hạn chế phát triển đô thị tràn lan mà còn khẳng định bản sắc đô thị. Vì vậy, rất cần khung pháp lý để đưa công việc này vào cuộc sống. Mặt khác, phải có kế hoạch phát triển hàng loạt chương trình xã hội và sản xuất, kinh doanh để khẳng định được vành đai này.
Thiết nghĩ, ở tầm vĩ mô, nếu đề xuất giải pháp vành đai xanh được luật hóa và áp dụng cho các đô thị, thì các đô thị Việt Nam, sẽ xây dựng phát triển theo hướng xanh và bền vững. Và riêng đối với Đà Nẵng, thành phố sẽ tươi đẹp và xanh sạch và trong lành theo năm tháng với màu xanh không chỉ là của sông biển mà còn là là của khu rừng ven đô và cả trong lòng phố, tạo ra một bản sắc riêng có cho Đà Nẵng.
Dân Hùng