Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Thứ năm, 01/02/2018 09:21

Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi ở xã Ayun Hạ, H. Phú Thiện (Gia Lai) là bằng chứng lịch sử phát triển cư dân Gia Rai tại Tây Nguyên từ nửa cuối thế kỷ XV. Khu di tích Plei Ơi có diện tích gần 11 ha. Đây là nơi những vị Pơtao APui (vua lửa) cuối cùng từng trị vì trên mảnh đất Tây Nguyên. Nơi đây còn bảo tồn được hầu như nguyên vẹn những hiện vật như: Gươm thần, bộ chiêng Ơi Tú, núi Chư Tao Yang; khu nhà mồ Pơtao APuih, khu nhà của người Gia Rai  xưa, khu bến nước...

Mặc dù điều kiện kinh tế của người dân H. Phú Thiện còn nhiều khó khăn nhưng với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, di tích Plei Ơi được chính quyền và người dân chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị. Ông Nguyễn Ngọc Ngô, Phó Chủ tịch UBND H. Phú Thiện cho biết: Chính quyền H. Phú Thiện đã tổ chức lễ chuyển gươm của Pơtao Apui về Khu bảo tồn di tích Plei Ơi theo đúng tín ngưỡng và phong tục địa phương. Hàng năm, người dân Gia Rai tại địa phương vẫn duy trì tổ chức "Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui", tổ chức lễ thổi tai, thi đấu các môn thể thao truyền thống... với hàng trăm nghìn lượt người tham dự.

Để bảo tồn những di tích lịch sử - văn hóa Plei Ơi, chính quyền địa phương đã tập trung nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông, điện chiếu sáng và hệ thống cấp thoát nước đến các điểm phát triển du lịch. Ngoài ra, chính quyền và cơ quan chức năng còn tổ chức kết nối tour du lịch giữa Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi với những điểm du lịch trong và ngoài tỉnh dịp lễ, Tết... Bên cạnh đó, địa phương còn lồng ghép tổ chức những hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống của người Gia Rai, Ba Na như hát dân ca, diễn xướng cồng chiêng, dệt thổ cẩm, tạc tượng, chạy cà kheo, bắn nỏ, kéo co, leo cột... để người dân có dịp giao lưu, gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, năm 2018, tỉnh Gia Lai có kế hoạch đầu tư 15 tỷ đồng triển khai phát triển Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi. Trong đó, tỉnh tập trung phục dựng 33 ngôi nhà của người Gia Rai tại làng Plei Ơi, tôn tạo ao Ơi Y, núi Chư Tao Yang, bến sông, khu nhà mồ, nhà Siu Luynh (nhà của vị vua lửa cuối cùng) để phục vụ du lịch. Sau khi hoàn thành, dự kiến Khu di tích sẽ thu hút khoảng 15.000 lượt khách du lịch vào năm 2030.

Ngoài ra, hàng năm, dịp Tết đến Xuân về, bà con dân tộc Gia Rai tại Tây Nguyên lại tập trung về Khu di tích Plei Ơi thể hiện lòng tri ân với vua lửa và được nghe già làng ôn lại lịch sử cội nguồn. Điều thú vị nhất, tại đây du khách có thể vào làng tận mắt chứng kiến những ngôi nhà sàn với kiến trúc người Gia Rai  truyền thống, hòa cùng sinh hoạt của người dân bản địa, tìm hiểu dấu tích, truyền thuyết cổ xưa của vua lửa...

Bà Kpă Biêp, 65 tuổi, làng Plei Ơi, xã Ayun Hạ cho biết, người Gia Rai  dù ở đâu, mỗi dịp Tết đến cũng trở về quây quần cùng người dân làng Plei Ơi tạ ơn vua lửa đã mang đến sự ấm áp, no đủ quanh năm. Người dân Gia Rai ai cũng thuộc tên và truyền thuyết của các đời vua lửa, nhắc nhở con cháu sống đúng đạo lý "uống nước nhớ nguồn"...

H.Đ