Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột
Ngày 12-10, UBND tỉnh Đắc Lắc tổ chức Hội thảo khoa học phát huy giá trị di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột (còn gọi là Nhà tù Buôn Ma Thuột). Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp dựng lên từ năm 1930-1931 tại P.Tự An, TP Buôn Ma Thuột
để giam giữ, tra tấn, những chiến sĩ cách mạng, những đảng viên Cộng sản bị bắt và bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ.
Tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, nhiều cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của thực dân Pháp, các lớp học chính trị, văn hóa thường xuyên được bí mật tổ chức trong lao tù đã biến Nhà tù Buôn Ma Thuột thành trường học cao cấp về "Chủ nghĩa cộng sản", nơi giác ngộ lý tưởng, ý chí đấu tranh cách mạng cho lớp trẻ khi bị bắt tù đày. Trong số hơn 4.000 tù nhân bị giam giữ tại Nhà tù Buôn Ma Thuột nhiều chiến sĩ Cộng sản đã được rèn luyện, giáo dục trở thành những người lãnh đạo cốt cán của Đảng và Nhà nước sau này như các đồng chí: Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu...
Với những giá trị to lớn của di tích, Nhà đày Buôn Ma Thuột được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc Nguyễn Tuấn Hà cho biết, hội thảo nhằm lắng nghe những ý kiến đóng góp của các lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đắc Lắc chuẩn bị hồ sơ khoa học di tích, trình các cấp có thẩm quyền công nhận Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột là di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, tỉnh tập trung gìn giữ, tôn tạo để Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành điểm nhấn văn hóa, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, phát triển du lịch địa phương.
P.C