Bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị hệ thống di tích trên địa bàn Đà Nẵng

Thứ ba, 13/08/2024 13:00

Hệ thống di tích văn hóa, lịch sử không chỉ là mục tiêu cần bảo tồn, giữ gìn mà còn là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, du lịch. Vì thế, những năm qua bên cạnh việc đầu tư bảo tồn, tu bổ, Đà Nẵng cũng đã phát huy tốt giá trị các di tích trong phát triển kinh tế, tạo thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt của thành phố.

Toàn cảnh di tích Hải Vân Quan sau khi được trùng tu.
Toàn cảnh di tích Hải Vân Quan sau khi được trùng tu.

Đà Nẵng hiện có 88 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia, 69 di tích cấp thành phố; và chỉ có 1 di tích do tư nhân quản lý. Di tích trên địa bàn thành phố mang nhiều loại hình khác nhau như danh thắng, thành cổ, đình, miếu, lăng mộ, nhà thờ nghề cá, văn chỉ, khu căn cứ cách mạng… Đa số những di tích này đã được tu sửa hoặc khởi dựng vào cuối thời kỳ nhà Nguyễn. Trong đó, đình làng chiếm tỷ lệ lớn nhất (46/88 di tích đã được xếp hạng). Đây là những thiết chế văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng thể hiện những giá trị tiêu biểu cho phong cách kiến trúc đặc trưng của địa phương hoặc cho một hoặc nhiều giai đoạn kiến trúc nghệ thuật, liên kết với nhiều sự kiện lịch sử cách mạng như Đình và nhà thờ chư phái tộc Hải Châu, đình Túy Loan…

Ngoài các di tích được xếp hạng, thành phố có 7 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, năm 2022 hệ thống Bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, tạo điều kiện để quản lý di sản và quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Đà Nẵng với bạn bè trong nước và quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã có 54 di tích xếp hạng được bảo quản, tu bổ, phục hồi với tổng kinh phí hơn 409 tỷ đồng. Nổi bật như các di tích Thành Điện Hải, Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, Hải Vân Quan, Chăm Phong Lệ. Hiện 2 di tích đang triển khai tu bổ gồm Đình Thạc Gián, Khu di tích Mẹ Nhu và Bảy Dũng Sỹ Thanh Khê; 9 di tích khác chuẩn bị đầu tư tu bổ.

Thời gian qua các di tích lịch sử, văn hóa đã được thành phố quan tâm đầu tư, nâng cấp đưa vào phục vụ phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, cạnh tranh. Nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan, du lịch nổi tiếng, hấp dẫn. Năm 2023 các di tích đã đón hơn 2,5 triệu lượt khách, chiếm 35% tổng lượng khách đến Đà Nẵng, nổi bật như danh thắng Ngũ Hành Sơn đón 1,5 triệu lượt, chùa Linh Ứng, đỉnh Bàn cờ… đón gần 700 ngàn lượt, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón hơn 172 ngàn lượt, Thành Điện Hải và Bảo tàng Đà Nẵng đón hơn 78 ngàn lượt…

Ông Nguyễn Đình Khánh Vân - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP cho biết, các di tích cấp thành phố đã được nghiên cứu gắn kết vào các chương trình du lịch, hình thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cụ thể như hình thành các tuyến du lịch đường thủy nội địa từ sông Hàn, Khu căn cứ cách mạng K20, đình Túy Loan, Thái Lai… Việc khai thác các di tích văn hóa lịch sử gắn với du lịch đã giúp phát huy các giá trị của di tích đồng thời tác động qua lại, làm cho chính quyền và người dân địa phương nâng cao nhận thức, có sự quan tâm đúng mức trong việc bảo tồn, phục dựng những giá trị vốn quý của di tích. Đơn cử, để khai thác, phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch, kinh tế, thành phố đã chú trọng đầu tư, nâng cấp các di tích như dự án bảo tồn, nâng cấp di tích Thành Điện Hải, Hải Vân Quan, các làng cổ, làng nghề truyền thống (làng nước mắm Nam Ô, làng đá Non Nước, làng bánh tráng Túy Loan…); quy hoạch tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại Phong Lệ; Nghĩa trủng Phước Ninh…

Theo ông Vân, việc phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích bước đầu được khai thác để phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Thành phố định hướng phát triển kinh tế du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa nên những năm qua đã tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc trưng, truyền thống địa phương, đồng thời khai thác tốt các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch. Các công ty lữ hành đã lựa chọn, đưa các điểm di tích mạng giá trị văn hóa vào chương trình tour cố định giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước khi đến thành phố. Những địa điểm như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Đà Nẵng… luôn góp mặt trong các chương trình tour của du khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp…

Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích vẫn đối mặt nhiều thách thức. Một số hiện vật tiêu biểu tại các di tích chưa được bảo quản, gìn giữ theo kỹ thuật khoa học, phù hợp nên xảy ra tình trạng xuống cấp, thậm chí mục nát của nhiều di vật, cổ vật, sắc phong (như tại đình An Khê, Phú Thượng, Lỗ Giáng). Do hoạt động quảng bá còn hạn chế, chưa đủ sáng tạo nên một số di tích sau khi trùng tu, tôn tạo chưa trở thành điểm sinh hoạt văn hóa gắn liền với cộng đồng hoặc điểm tham quan du lịch được đông đảo du khách biết đến. Tại nhiều di tích, việc quy hoạch phát triển chưa đồng bộ với bảo tồn, tôn tạo khiến di tích bị xâm hại, như di tích K20, Mân Quang, Văn thánh Xuân Thiều; một số di tích bị ảnh hưởng hướng nhìn, kiến trúc, cảnh quan xung quanh như đình Phong Lệ, Mộ Tiền hiền Thạc Gián. Một số dự án trùng tu, tôn tạo di tích triển khai chậm; thiếu cơ chế huy động nguồn vốn xã hội hóa để bảo vệ, phát huy giá trị di sản…

Hải Quỳnh