Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Thứ tư, 13/10/2021 09:00

Thời gian qua, huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã có nhiều cách làm linh hoạt để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc truyền thống của đồng bào Ca Dong, Cor đang sinh sống trên địa bàn.

Già làng, nghệ nhân Hồ Văn Dinh.

Theo ký ức của nghệ nhân Hồ Văn Dinh, già làng uy tín trong việc truyền dạy cho các thế hệ con em biết sử dụng các nhạc vụ dân tộc như cồng, chiêng, sáo, biết hát các làn điệu dân ca “K’cheo” truyền thống... đây là phần “máu thịt thiêng liêng” không thể nào quên được trong cuộc sống tinh thần gắn bó với mảnh đất đại ngàn núi đồi trập trùng. Ở Bắc Trà My, công tác bồi dưỡng, truyền đạt lại cho thế hệ trẻ về việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa luôn được chú trọng, nhất là âm nhạc truyền thống, nhạc cụ truyền thống để phục vụ trong các ngày lễ Tết, các sự kiện chính trị ở địa phương, tổ chức các hội thi, hội diễn, văn nghệ quần chúng...

Thực hiện Nghị quyết 58 của HĐND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021 về phát triển du lịch huyện Bắc Trà My giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian quan, huyện Bắc Trà My đã thành lập nhiều đội cồng chiêng phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại địa phương và phát triển du lịch như: Đội cồng chiêng Làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn), đội cồng chiêng xã Trà Bui, đội cồng chiêng xã Trà Giáp, đội cồng chiêng xã Trà Kót, đội cồng chiêng trẻ xã Trà Kót. Ngoài ra, huyện còn tăng cường đưa sinh hoạt cồng chiêng vào trong trường học và thành lập 4 đội cồng chiêng dân tộc Co, Ca Dong tại các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa, Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng, Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Nú và Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trần Phú. Việc thành lập và phát triển các đội cồng chiêng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện.

Tại huyện Bắc Trà My hôm nay, cùng hòa nhịp với cuộc sống hiện đại, các bạn trẻ người Cor ở huyện Bắc Trà My giờ đây đã được “tập huấn”. Say mê tạo nên những nhịp cồng chiêng, đây là cơ hội truyền bá, giới thiệu di sản văn hóa của đồng bào mình bằng các phương tiện phù hợp. Mới đây, Huyện đoàn Bắc Trà My phối hợp cùng UBND và Đoàn Thanh niên các xã Trà Kót thành lập Câu lạc bộ “Cồng chiêng trẻ người Cor” gồm 30 thành viên là đoàn viên thanh niên ở xã Trà Kót. Từ khi câu lạc bộ được thành lập đến nay, mỗi tháng hai lần, các bạn trẻ lại quây quần bên nhau để luyện tập những điệu múa cà đáo, những điệu cồng chiêng đôi, vốn là văn hóa truyền thống bao đời của cộng đồng người Cor. Chị Trần Thị Ba, một thành viên Câu lạc bộ Cồng chiêng trẻ người Cor đã chia sẻ: “Khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, được múa những điệu múa truyền thống của đồng bào mình, tôi cảm thấy tự hào vì mình là người trẻ đã góp công vào việc bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa của người Cor”.

Câu lạc bộ hoạt động thường xuyên nhằm giới thiệu các làn điệu cồng chiêng, điệu múa cà đáo… đến với thế hệ trẻ tại địa phương, qua đó góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người Cor đang dần bị mai một theo thời gian. Ông Trần Anh Vũ, một nghệ nhân cồng chiêng xã Trà Kót đã thường xuyên hỗ trợ các bạn trẻ trong tập luyện, múa cồng chiêng, chia sẻ: “Qua thời gian thành lập và tập luyện, hầu hết các thành viên đã có nhiều cố gắng và sáng tạo linh hoạt trong cách học sử dụng các nhạc cụ dân tộc truyền thống, giữ gìn văn hóa cồng chiêng của đồng bào Cor. Điều đó góp phần lan tỏa sự say mê, gìn giữ những nét văn hóa bản sắc của đồng bào trước nguy cơ dễ bị mai một theo năm tháng. Nhờ đó, văn hóa cồng chiêng trong nhịp sống hiện đại như mạch nước ngầm chảy xuyên suốt trong đời sống nhiều người trẻ ở đây. Câu lạc bộ Cồng chiêng trẻ người Cor ở xã Trà Kót được thành lập, phát triển và duy trì hoạt động là một mô hình hay, cần được nhân rộng ở các địa phương còn lại trên địa bàn huyện Bắc Trà My.

Trong thời gian tới, để phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Bắc Trà My đã chủ động tham mưu Huyện đoàn, Đảng ủy xã vận động tập hợp thanh niên tham gia tập các điệu múa chiêng, đấu chiêng của đồng bào người Cor.

Câu lạc bộ cồng chiêng trẻ người Cor của huyện Bắc Trà My. 

Tại xã Trà Bui, xã cao nhất của huyện Bắc Trà My,  nghệ nhân Hồ Văn Dinh là người có công lớn trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay, đội cồng chiêng “nhí” của xã Trà Bui cũng “rộn ràng” và trưởng thành theo sự hướng dẫn các già làng qua những sinh hoạt trong những dịp lễ hội, mừng ngày lễ, tết, qua đó bảo tồn những món ăn tinh thần trong đời sống thường ngày. Làn điệu dân ca “K’cheo”, những âm thanh rộn rã của nhiều nhạc cụ, những điệu múa như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin của người dân xã Trà Bui trong cuộc sống vùng cao xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, tại địa bàn huyện Bắc Trà My, đồng bào thiểu số là hai dân tộc Cor, Ca Dong và họ vẫn bảo l­ưu khá tốt bản sắc văn hóa qua kho tàng âm nhạc của mình. Vì vậy, trong những dịp như lễ hội, mừng Đảng đón xuân, ngày Đại đoàn kết 18-11, các địa phương ở huyện Bắc Trà My tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bắc Trà My là địa phương luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào thiểu số, nhất là thường xuyên tổ chức việc truyền dạy của các “hạt nhân” cho lớp trẻ. Bây giờ, trong cuộc sống đương đại hôm nay, tại huyện Bắc Trà My vẫn nhịp nhàng, đều đặn vang lên âm thanh của những nhạc cụ dân tộc, những bài dân ca của người Ca Dong, người Cor luôn hướng lòng về với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

THẢO NGUYÊN