Bảo tồn và phát huy di tích-cần cái nhìn toàn diện

Thứ bảy, 28/11/2015 10:55

(Cadn.com.vn) - Quảng Nam rất quan tâm đến việc đầu tư kinh phí, tu bổ các di tích, danh thắng thế nhưng trong những năm qua công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các di tích vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét. Phải chăng vấn đề này xuất phát từ khâu quản lý chưa thực sự ổn?

"Mạnh tay" cho công tác bảo tồn

Hiện nay trên địa bàn Quảng Nam có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 60 di tích quốc gia, 300 di tích cấp tỉnh được phân bổ ở 17 huyện, thành phố. Từ năm 2011 đến 2015, với tổng kinh phí 36,5 tỷ đồng thực hiện đề án tu bổ di tích cấp tỉnh trên địa bàn Quảng Nam, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng bia và tu bổ 85 di tích các loại trong đó có nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Đầu tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục thông qua "Đề án đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020" với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Theo đó, Quảng Nam sẽ tu bổ và xây dựng hạng mục di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh thuộc 4 loại hình di tích lịch sử, di tích kiến trúc, di tích khảo cổ và danh thắng. Trong đó có 6 tỷ đồng/ hạng mục dành riêng cho tu bổ kiến trúc Chăm, phục hưng di tích cách mạng lịch sử 2 tỷ đồng/ hạng mục. Ngoài ra còn nhiều di tích quan trọng khác sẽ được phân bổ từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng/ di tích.

Mục đích cao nhất không chỉ là bảo vệ mà là nâng tầm các giá trị nổi bật của di tích gắn với phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tại H. Duy Xuyên, một trong những địa phương có nhiều di tích nhất (44 di tích) đã được xếp hạng dù đã nhiều lần trùng tu nhưng vẫn không tránh khỏi sự xuống cấp. Điển hình như các di tích Lăng mộ Đoàn Quý Phi, Lăng mộ Mạc Thị Giai, văn miếu Hàng huyện... Ông Ngô Phi Thâm, Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết: "Địa phương có rất nhiều điểm di tích lịch sử  như di tích Hòn Tàu, Thành Trà Kiệu... Tuy nhiên những năm qua cùng với những tác động của thời gian đã làm những di tích này xuống cấp, ít người biết đến. Hiện nay cùng với đề án tu bổ di tích với kinh phí "mạnh tay" hy vọng sẽ làm sống dậy những giá trị lịch sử cho thế hệ sau". Theo ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, cơ chế tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh 2011-2015 đã tạo đà cứu nguy cho các di tích đồng thời là động lực để đề án tu bổ giai đoạn 2016-2020 phát huy giá trị. Đây là sự quan tâm đặc biệt của tỉnh với các giá trị văn hóa.

Cần có sự quản lý chặt chẽ, hợp lý trong công tác bảo tồn di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
(ảnh: Di tích Mỹ Sơn).

Quản lý ra sao?

Nếu như công tác trùng tu di tích đang được đẩy mạnh thì mô hình quản lý như thế nào để phát huy toàn diện giá trị di tích đang là vấn đề được đưa ra mổ xẻ, phân tích. Liệu có phải là một cái "áo quá khổ" cho các huyện khi sắp tới đây, quy chế về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh được ban hành, trong đó cấp huyện sẽ là người trực tiếp chịu trách nhiệm về quản lý di tích trên địa bàn huyện? Theo dự thảo Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh, đối với các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt thì Sở VH-TT&DL thực hiện việc tu bổ, phục dựng các yếu tố gốc của di tích, UBND các huyện thực hiện sửa chữa cơ sở hạ tầng liên quan. Đối với các di tích cấp tỉnh UBND huyện, TP thực hiện việc tu bổ phục dựng các yếu tố gốc, UBND xã phường thực hiện việc sửa chữa hạ tầng liên quan.

Góp ý cho dự thảo, đại diện các phòng văn hóa thông tin cấp huyện đều cho biết nếu không có hướng dẫn cụ thể hơn cấp huyện sẽ gặp rất nhiều bối rối, vướng mắc. Cụ thể, lâu nay các địa phương chỉ tham gia công tác cắm mốc, an ninh trật tự còn công tác bảo tồn họ không biết tới, nhất là đối với các di tích văn hóa mang nhiều yếu tố đặc biệt. Đơn cử, di tích cấp quốc gia đặc biệt nằm tại H. Thăng Bình là Phật viện Đồng Dương. Theo điều 5 của quy chế sắp ban hành, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt giao UBND các huyện, thành phố trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị. Lâu nay, đây là di tích nằm trong danh mục quản lý của Trung tâm Quản lý Di tích và danh thắng Quảng Nam. Hoặc các di tích, phế tích Chăm như tháp Khương Mỹ (Tam Xuân 1, Núi Thành), tháp Chiên Đàn (Tam Đàn, Phú Ninh) cũng thuộc sự điều phối quản lý của Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam. Những di tích này cần có chuyên môn cao trong việc bảo tồn. Trả lời về những băn khoăn trên, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: "Đề án tuy là phân cấp quản lý về địa phương tuy nhiên không phải khoán trắng cho các huyện tự xử. Sở VH-TT&DL sẽ chịu trách nhiệm tham mưu các vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng quy hoạch tổng thể".

Hiện nay đề án tuy chưa đi vào triển khai nhưng đã thể hiện sự quan tâm, sâu sát và động thái tích cực của tỉnh Quảng Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Bên cạnh đó để đề án thực sự đạt được hiệu quả như mong đợi cần lắm một cái nhìn toàn diện trong công tác quản lý, phân cấp quản lý di tích.

Đồng Dao-Hiền Anh