Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển

Thứ tư, 04/12/2019 12:05

Vùng ven biển thành phố Quy Nhơn (Bình Định) là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rạn san hô và các loài thủy hải sản. Tuy vậy, trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản khu vực này đang suy giảm mạnh cả về sản lượng khai thác và kích cỡ đánh bắt.

Hiện có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan từ bên ngoài như ô nhiễm môi trường, các hiện tượng thời tiết cực đoan… Nhưng nguyên nhân chủ yếu từ việc khai thác quá mức tại vùng ven bờ với các công cụ thô sơ, khai thác tận diệt....  Chính vì thế, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều dự án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa lâu đời ở khu vực duyên hải miền Trung, vừa bảo vệ môi trường biển vừa tạo sinh kế cho các cộng đồng dân cư sinh sống gần biển.

Du khách trải nghiệm vùng biển Quy Nhơn.

Thực hiện hiệu quả các dự án phi Chính phủ

Sinh kế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lợi biển và điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học biển của khu vực ven biển vịnh Quy Nhơn có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như cộng đồng cư dân lân cận.Theo Bà Thân Thị Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), Dự án “Tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ngư dân quy mô nhỏ và hệ sinh thái biển tại khu bảo tồn biển cấp địa phương, tỉnh Bình Định” được thực hiện bởi MCD và các đối tác tỉnh Bình Ðịnh, đã góp phần phát triển sinh kế bền vững, cải thiện và đa dạng nguồn thu nhập hộ gia đình cho người dân vùng ven biển. Ðây là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của cộng đồng vào tài nguyên tự nhiên, giúp giảm khai thác quá mức và góp phần phục hồi hệ sinh thái. Theo đó, năm 2016, đã có một số mô hình sinh kế tạo thu nhập bổ sung cho hộ gia đình giảm áp lực khai thác ven bờ, nổi bật là mô hình bè cảng du lịch ở xã Nhơn Hải và xã Nhơn Lý; mô hình chăn nuôi kết hợp tại xã Nhơn Hội; mô hình may gia công tại nhà cho nhóm phụ nữ tại xã Nhơn Hải...

Hiện Dự án sẽ tập trung một số hoạt động chính như Nâng cao năng lực thể chế và chính sách quản lý nguồn lợi biển; Hỗ trợ và đóng góp tham vấn chính sách liên quan Luật Thủy sản sửa đổi (trong đó có 2 nội dung: đồng quản lý và khu bảo tồn biển). Đồng thời, Trung tâm sẽ phối hợp UBND thành phố và các cơ quan của tỉnh,thành phố xây dựng quy chế quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học. Thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực cho các nhà quản lý và các bên liên quan về phương pháp tiếp cận và thực hành sáng kiến, xây dựng quan hệ hợp tác và phối hợp giữa các bên (chính quyền, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ), tăng cường công tác bảo tồn nguồn lợi kết hợp phát triển sinh kế bền vững, hài hòa các giá trị và lợi ích hệ sinh thái rạn san hô, đa dạng sinh học mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quy Nhơn.

Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản năm 2017 sửa đổi, trong đó có Điều 10 qui định về Đồng quản lý. Theo đó ngày 16-5-2019, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 1636 về kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy sản trên địa bàn, trong đó có nội dung rà soát và hoàn thiện hồ sơ công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng đối với các tổ chức đã và đang hoạt động theo phương thức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trước 1-1-2021.

Theo ông Trần Văn Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định: Đồng quản lý là một phương thức quản lý hiện đại. Chính quyền các cấp và cộng đồng ngư dân địa phương thống nhất cùng chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích trong quản lý trong khai thác, sử dụng tài nguyên. Các mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản đã được các tỉnh như Bình Thuận, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế triển khai và phát huy hiệu quả tốt. Từ thực tế này đã giúp giảm nhẹ chi phí quản lý cho Nhà nước, đồng thời phát huy dân chủ cơ sở trong cộng đồng ngư dân ven biển và góp phần quan trọng giảm thiểu khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Ông Nguyễn Thành Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, kiêm Trưởng Ban đại diện Tổ chức cộng đồng xã Nhơn Lý chia sẻ: Tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý đã được thành lập từ năm 2014, với sự hỗ trợ của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD). Hiện tại, Nhơn Lý là đơn vị tiên phong thí điểm xây dựng mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017 tại tỉnh Bình Định.

Với sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản Bình Định, từ thực tiễn hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho thấy việc giao mặt nước cho cộng đồng mang lại hiệu quả tích cực, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại nguồn lợi thủy sản, trong điều kiện lực lượng chức năng còn mỏng và khó có thể kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2019, Tổ chức cộng đồng xã Nhơn Lý sẽ hoàn chỉnh hồ sơ gửi UBND thành phố Quy Nhơn thẩm định công nhận và giao quyền cho Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo đánh giá của UBND xã Nhơn Hải, hiện nhóm hạt nhân đồng quản lý đã thành lập theo Quyết định số 45 của UBND xã Nhơn Hải. Sau khi được thành lập, dù ở cấp độ quản lý khác nhau, song các khu bảo vệ biển cấp địa phương đều đã đạt được những kết quả đáng kể. Tại khu vực biển của xã các rạn san hô cũng phục hồi rõ rệt, nhờ đó nhiều loài cá rạn, lượng cầu gai, nhím biển cũng gia tăng nhanh chóng. Hàng loạt các sự kiện tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển, tăng cường tuần tra, giám sát được tổ chức thường xuyên ở khu bảo vệ biển cấp địa phương, từ đó ý thức gìn giữ môi trường biển và nguồn lợi thủy sản trong khu vực được nâng lên rõ rệt. Nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi biển của đại bộ phận người dân được thay đổi rõ rệt, khu vực này cũng đã giảm được khoảng 80% lượng rác thải rắn. Các chất thải khác như dầu thải loại được ngư dân chủ động thu gom, xử lý đúng nơi quy định; 100% hộ ngư dân cam kết không sử dụng chất nổ khai thác thủy sản, không khai thác rạn san hô và bảo vệ các bãi đẻ của rùa biển. Nhờ môi trường được cải thiện, các hộ nuôi ốc hương đạt hiệu quả kinh tế cao, kéo theo lượng khách đến tham quan, du lịch tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ trước.

D.T