Bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa: Quản lý thiếu chặt chẽ, tiếp diễn nhiều sai phạm
Đó là đánh giá của các đại biểu tham dự Hội thảo về “Bảo vệ Di sản văn hóa trước những vấn đề mới” và bồi dưỡng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ ngành Di sản văn hóa năm 2019 do Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) tổ chức từ ngày 30-10 đến 3-11 tại TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
Múa Chăm (được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) được trình diễn tại hội thảo. |
Hội thảo có trên 200 đại biểu là các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL, Sở VH-TT của 63 tỉnh, thành trong cả nước; giám đốc các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam; Trưởng ban/Giám đốc Ban/ Trung tâm quản lý di tích, khu di sản thế giới; đại diện các Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và TPHCM,…
Theo bà Lê Thị Thu Hiền- Cục trưởng Cục Di sản văn hóa hiện nay cả nước có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 105 di tích quốc gia đặc biệt; 3.494 di tích quốc gia, gần 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, 301 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia; 164 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; hệ thống bảo tàng tiếp tục được mở rộng với tổng số 167 bảo tàng (125 bảo tàng công lập và 42 bảo tàng ngoài công lập). Năm 2018, số lượng du khách tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh ngày càng tăng mạnh, thể hiện vai trò của di sản văn hóa đối với phát triển du lịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn, thách thức trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn còn nhiều, một số trường hợp đã được dư luận, báo chí phản ánh, gây bức xúc trong xã hội. Trên thực tế nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa còn mỏng, năng lực quản lý và chuyên môn còn nhiều hạn chế; nhiệm vụ kiểm kê di tích, quy hoạch khảo cổ, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích ở nhiều địa phương còn thiếu đồng bộ và chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn tới nhiều sai phạm vẫn còn tiếp diễn; phần lớn các bảo tàng chậm đổi mới cả về nội dung trưng bày, hình thức hoạt động nên thiếu tính hấp dẫn và chưa gắn kết được với hoạt động du lịch; nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu cấp thiết của việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.
“Trong quá trình đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, việc gìn giữ và phát huy các giá trị kho tàng di sản văn hóa của đất nước ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết, cần được đặc biệt quan tâm giải quyết, đặt ra nhiều nhiệm vụ đối với ngành Di sản văn hóa”, bà Hiền nhấn mạnh.
Cũng theo bà Hiền, năm 2020, Ngành Di sản văn hóa tiếp tục nghiên cứu tham mưu lãnh đạo Bộ VH-TT&DL hoàn thiện hệ thống pháp luật về di sản văn hóa và xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm tăng cường công tác xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào dự án bảo tồn di sản văn hóa. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa thông qua việc đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền về di sản văn hóa và việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm…
Tại Hội thảo, GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đã giới thiệu một số nội dung về bảo vệ di sản văn hóa trong thời kỳ đổi mới cho các đại biểu. Cũng tại Hội thảo các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ di sản và giới thiệu các thế mạnh di sản văn hóa tại địa phương mình. Dự kiến từ ngày 1 đến 3-11, các đại biểu sẽ đi tham quan, học tập trực tiếp một số di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
P.Y