Bảo vệ quyền của lao động nữ làm việc ở nước ngoài

Thứ sáu, 25/10/2013 14:47

(Cadn.com.vn) - Đó là nội dung chính của hội thảo “Bảo vệ quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài và ứng xử của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) đại diện Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Hiệp hội các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài của các nước Châu Á, đại diện cơ quan chính phủ Hàn Quốc, Myanmar, Phillipines được tổ chức trong 2 ngày 24, 25-10 tại TP Đà Nẵng.

Gia tăng nhanh và nữ hóa lao động làm việc ở nước ngoài

Theo thông tin từ hội thảo, xu hướng di cư lao động trên thế giới bắt đầu tăng từ năm 1970 trở lại  đây. Vào thời điểm trên, số lượng người di cư trên toàn thế giới là 80 triệu. Đến năm 2000, xu hướng này bắt đầu tăng cả cường độ và tốc độ, số lượng người di cư trên toàn thế giới tăng lên 180 triệu người và lên 214 triệu người vào năm 2010, chiếm 3,1% dân số toàn cầu. Trong đó, nữ giới chiếm 49% (khoảng 105 triệu người).

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 500.000 người đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Từ năm 2006, hàng năm có khoảng 70.000, 80.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó tỷ lệ lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê chính thức, phụ nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư. Từ nguồn lao động di cư trên, Việt Nam là 1 trong 20 nước có lượng kiều hối lớn trên toàn thế giới.

Đại biểu tham dự hội thảo.

Lý giải về nguyên nhân di cư của lao động nữ, bà Smita Mitra – Đại diện tổ chức UN Women cho rằng: “Lao động nữ di cư nhằm đối phó với những khó khăn về kinh tế, cải thiện điều kiện sống, đó cũng là cách để họ thoát khỏi những mối quan hệ như: Hôn nhân bị lạm dụng hoặc phân biệt đối xử tại nơi mà họ đang sinh sống. Đồng thời, giới nữ cũng muốn trở thành người kiếm tiền chính, trở thành lao động trụ cột trong gia đình”. Sự di cư của lực lượng lao động này đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc phát triển của đất nước đồng thời giải quyết nguồn lao động cho các nước sở tại có cơ cấu dân số già. Tuy nhiên, số lượng lao động nữ di cư lại gặp phải nhiều thách thức, bị lạm dụng sức lao động và tình dục, bị cô lập trong cộng đồng, hạn chế được tiếp xúc với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bị ép buộc (không trả lương, trả thấp, phạt) do chính sách, hợp đồng không rõ ràng...

Quyền lợi của lao động nữ di cư được đảm bảo như thế nào?

Trong quá trình di cư, phụ nữ thường thiếu hiểu biết về pháp luật nên bị kẻ xấu lợi dụng trong việc buôn bán người. Mặt khác, đa số họ đều làm công việc có trình độ thấp, thiếu kỹ năng như: Giúp việc gia đình, lao động phổ thông... trong khi đó, các công việc này đều chưa được đưa vào Luật Lao động nên chưa có bất cứ quy định pháp luật nào mà người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm với người lao động trước pháp luật. Lao động nữ di cư trở thành đối tượng bị phân biệt, đối xử 3 lần ở các nước sở tại: Di cư, nữ, lao động.

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài của Thái Lan đặt vấn đề “Nên hay không nhân rộng mô hình cấm lao động nữ di cư làm công việc giúp việc nhà” và đề nghị UN Women có những can thiệp kịp thời nếu lao động nữ di cư bị bóc lột, lạm dụng. Thế nhưng, Hiệp hội các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài của Việt Nam, không nên cấm phụ nữ di cư làm công việc trên vì nhu cầu từ hai phía vẫn rất lớn, vấn đề đặt ra và cần giải quyết là cần phải đào tạo kiến thức, ngôn ngữ, pháp luật... cho người lao động di cư.

Một đại biểu khu vực tham gia góp ý tại Hội thảo.

Nhiều nội dung được đưa ra bình luận và góp ý nhằm tìm kiếm phương pháp tốt nhất để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ di cư như: Tăng cường ngoại giao giữa các nước về mọi mặt, giao lưu văn hóa, tạo cơ hội tìm việc làm tốt nhất cho người lao động; xác thực yêu cầu tuyển dụng lao động, thông tin về chủ sử dụng và đảm bảo hợp đồng công bằng; đào tạo doanh nghiệp tuyển dụng là doanh nghiệp của Hiệp hội...

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: “Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao mức sống gia đình, phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Việc bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong đó có lao động nữ rất quan trọng.

Với quan điểm nêu trên, tháng 12 năm 2009, Bộ đã giao Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với UN Women thực hiện Dự án Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài   theo hợp đồng nhằm giúp lao động nữ tạo niềm tin, tự tin xuất khẩu lao động. Ông Hòa cũng cho rằng: “Hội thảo là cơ hội để các bên có liên quan chia sẻ kinh nghiệm, thực hành tốt trong hoạt động dịch vụ việc làm ở nước ngoài và đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài”.

Hà Giang