Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng

Thứ bảy, 03/12/2022 12:38
Ngày 2-12, tại Đà Nẵng, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn về chủ đề bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng với sự tham gia của gần 100 phóng viên, báo chí khu vực miền Trung.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi về hai vấn đề: Hiện trạng về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và một số quy định hiện hành về bảo vệ trẻ em; các xu hướng công nghệ nhằm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng để nhà báo có thể lan tỏa thông điệp và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho trẻ em trên môi trường mạng.

Theo số liệu của Tổ chức UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc), tại Việt Nam, 89% dân số truy cập internet (87% người dân sử dụng internet hàng ngày); 77% người bảo hộ trẻ em sử dụng internet hàng ngày và chỉ 36% trẻ tham gia khảo sát hộ gia đình đã được dạy để bảo đảm an toàn trên mạng. Đặc biệt, có 1% trẻ em bị dụ dỗ gửi ảnh, video về bộ phận nhạy cảm; 0,2% trẻ em bị dụ dỗ cho tiền/quà để đổi lấy video, hình ảnh nhạy cảm; 0,3% trẻ em bị dụ dỗ cho tiền/quà để thực hiện hành vi tình dục; 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm mà không có sự đồng ý; 2% trẻ em bị yêu cầu trò chuyện tình dục. Hầu hết trẻ em bị xâm phạm trên không gian mạng đều không tiết lộ ai là thủ phạm. Nguyên nhân là do trẻ sợ hậu quả.

Được biết, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật để quản lý chặt chẽ về vấn đề này như: Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015), Luật trẻ em (năm 2016), Luật tiếp cận thông tin (năm 2016), Luật An ninh mạng (năm 2018). Các văn bản pháp luật, đều có quy định về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời đưa ra những mức phạt, biện pháp khắc phục khi vi phạm quy định về việc cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

P.V