Bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển
Đồn Biên phòng (ĐBP) Phú Lộc (BĐBP TP Đà Nẵng) được giao quản lý địa bàn biên giới bờ biển dài 10 km gồm 4 phường ven biển thuộc Q. Thanh Khê. Phần lớn nhân dân trên địa bàn do Đồn phụ trách sống bằng nghề đánh bắt hải sản, với 225 phương tiện tham gia đánh bắt trên biển, trong đó có 70 phương tiện đánh bắt xa bờ.
Đại diện các Tổ tàu thuyền an toàn ký cam kết với ĐBP Phú Lộc khi khai thác hải sản trên biển không xâm phạm vùng biển nước khác. |
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới (ANBG) vùng biển đảo của Tổ quốc, chủ trương phát triển kinh tế biển của TP Đà Nẵng và tình hình thực tế tác động đến công tác bảo vệ chủ quyền vùng biển, khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân trong thời gian qua, Ban chỉ huy ĐBP Phú Lộc đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ANBG vùng biển, nhất là việc kết nối mạng thông tin với các thuyền trưởng tàu xa bờ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân làm ăn trên biển.
Để nắm chắc việc trao đổi thông tin trên biển với các chủ phương tiện, nhất là các phương tiện đánh bắt xa bờ về hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển của tàu thuyền nước ngoài, công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Ban chỉ huy Đồn đã xây dựng kế hoạch phân công giao nhiệm vụ cho Trạm kiểm soát Biên phòng Thanh Hà và đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng phối hợp chặt chẽ với Hội nông dân các phường Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Tam Thuận tổ chức khảo sát đánh giá thực lực từng phương tiện, tiến hành tuyên truyền vận động ngư dân thấy rõ lợi ích của việc kết nối thông tin liên lạc và tổ chức cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng ký cam kết không tham gia không khai thác hải sản vùng biển nước khác, đồng thời hướng dẫn cho bà con ngư dân thực hiện tốt Chỉ thị 01/CT- TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức "Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới".
Kết quả, Đồn đã vận động 70 chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên khai thác hải sản tại các vùng biển xa bờ ký cam kết không đánh bắt hải sản vùng biển nước khác và 225 chủ phương tiện, thuyền trưởng ký cam kết thực hiện tốt phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Bên cạnh đó, Đồn phối hợp với Hội nông dân Q. Thanh Khê và Hội Nông dân các phường Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây xây dựng được 18 Tổ tàu thuyền đánh bắt an toàn trên biển, mỗi tổ được thành lập từ 3 đến 5 phương tiện có công suất từ 70 CV trở lên để hỗ trợ giúp đỡ nhau trong tham gia đánh bắt hải sản trên biển, trong phòng chống bão, phương tiện gặp nạn trên biển và tích cực tham gia đấu tranh với các phương tiện tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam.
Chỉ huy ĐBP Phú Lộc tham gia chứng kiến chủ phương tiện dưới 20 CV thuộc P. Thanh Khê Tây xả bản. |
Ngoài ra, để đảm bảo thông tin liên lạc với ngư dân trên biển UBND Q. Thanh Khê đã hỗ trợ kinh phí xây dựng trạm thông tin liên lạc trên biển với bà con ngư dân đặt tại Đồn với kinh phí gần 1 tỷ đồng, Bộ chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng đầu tư các trang thiết bị thông tin liên lạc trang cấp cho Đồn nhằm mục đích thông tin liên lạc kịp thời ngư dân trong mọi tình huống; Sở NN & PTNT, Bộ Chỉ huy BĐBP TP hỗ trợ 70 máy ICOM để lắp đặt cho 70 phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên nhằm kết nối thông tin liên lạc thường xuyên giữa đơn vị và ngư dân, nhất là các thuyền trưởng với cán bộ làm nhiệm vụ trực đài canh tại Đồn về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Tổ quốc, tình hình diễn biến thời tiết, phương tiện hỏng máy, gặp nạn. Thông qua hệ thống này, Đồn đã phối hợp với các ngành chức năng như Hải quân, Trung tâm cứu hộ, cứu nạn khu vực III kịp thời xử lý các vụ việc xảy ra trên biển góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân trong giông bão và gặp sự cố trên biển.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đinh Quang Phòng- Đồn trưởng ĐBP Phú Lộc cho biết, nhờ kết nối thông tin liên lạc thường xuyên giữa đơn vị với các thuyền trưởng tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ, từ đầu năm 2018 đến nay đơn vị đã chủ động liên lạc được 845 phiên/845 lượt phương tiện đang hoạt động trên biển, thông qua đó nắm được 25 lượt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam để khai thác trộm hải sản; kịp thời thông báo cho ngư dân trú tránh khi gặp thời tiết xấu, hỗ trợ nhau khi gặp nạn và không tham gia đánh bắt hải sản vào vùng biển nước ngoài. Theo Thượng tá Đinh Quang Phòng, trong 5 tháng đầu năm 2018 Ban Chỉ huy Đồn đã phối hợp tốt với Hội Nông dân các phường Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây vận động được 29 phương tiện có công suất dưới 20 CV xả bản theo chủ trương của thành phố và tổ chức cho 70 chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên ký cam kết không xâm phạm chủ quyền vùng biển nước khác. Tiêu biểu trong việc cung cấp tình hình trên biển, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là ngư dân Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu Đna 90051 (trú tổ 5 P.Xuân Hà). Anh Lê Văn Chiến luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động vươn khơi bám biển khai thác hải sản, cứu hộ cứu nạn khi ngư dân gặp nạn trên biển.
Những kết quả đạt được trong trong việc kết nối trao đổi thông tin liên lạc ĐBP Phú Lộc với bà con ngư dân và các thuyền trưởng khi tham gia khai thác hải sản trên biển đã góp phần cùng với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững ANTT trên địa bàn phụ trách; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Trần Doãn Toản