Bất an vì bị “khủng bố” bằng… bom bẩn

Thứ sáu, 14/02/2020 15:38

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng liên tiếp xảy ra các vụ “khủng bố” dưới hình thức tạt sơn, ném chất bẩn, thậm chí là máu động vật vào nhà người dân. Tình trạng trên không chỉ khiến những người trực tiếp bị “khủng bố” bất an mà còn khiến dư luận bức xúc và ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT. Các vụ việc đã được lực lượng Công an tiếp nhận, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhà anh H. bị “khủng bố” vào rạng sáng ngày 11-2.

DÍNH ĐẾN “TÍN DỤNG ĐEN”?

Sau một thời gian lắng xuống khi cơ quan chức năng xử lý quyết liệt và áp dụng nhiều biện pháp đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi. Gần đây, TP Đà Nẵng xuất hiện nhiều vụ việc “khủng bố” bằng chất bẩn mà nguyên nhân trực tiếp là do nạn nhân có dính đến hoạt động vay, mượn tiền. Trong đó có nhiều người “bốc nóng” để cá cược, đánh bạc.

Mới đây nhất, ngày 11-2, anh N.V.H, trú đường An Thượng 6, P. Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có làm đơn trình báo CAP Mỹ An về việc bị kẻ xấu tạt chất bẩn vào nhà. Theo đó, khoảng 1 giờ cùng ngày, anh H. đi công việc về nhà thì thấy cửa sắt trước hiên dính đầy chất bẩn loang lổ, bốc mùi khó chịu như: máu động vật, sơn, và mắm tôm. Theo anh H., bản thân là dân làm ăn nên cũng có vay nợ một số người nhưng không giao dịch với ai cho vay nặng lãi nên không biết người tạt chất bẩn với mục đích gì.

CAQ Ngũ hành Sơn cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của anh H. thì đang tích cực vào cuộc điều tra, làm rõ. Với mục đích đe dọa các nạn nhân để đòi lại tiền gốc và lãi vay, “tín dụng đen” chính là căn nguyên của những màn “khủng bố” kiểu này.

Đây là trường hợp thứ 3 được ghi nhận tại TP Đà Nẵng từ đầu tháng 2-2020 đến nay. Trước đó, tối 1-2, nhà bà Nguyễn Thị Kim L. (1966, trú P.Tân Chính, Q. Thanh Khê) bị một số đối tượng lạ mặt chạy xe máy đến chửi bới, hăm dọa và tạt sơn vào nhà. Tiếp đó, khoảng13 giờ ngày 6-2, chị Lê Thị H.V (1990, trú P.Thạch Thang, Q. Hải Châu) đang bán cà-phê trên đường Ông Ích Khiêm (P. Tam Thuận, Q.Thanh Khê) thì bất ngờ có 2 nam thanh niên lạ mặt đi xe máy không rõ biển số chạy đến tạt sơn màu đỏ vào quán cà-phê.

Nhận tin báo, Công an đã đến xác minh, qua điều tra ban đầu, các nạn nhân đều có người thân vay mượn tiền của người khác sử dụng để cá độ bóng đá, do chậm trễ trong việc trả nợ nên bị tạt sơn dằn mặt. Trường hợp của chị V. được các đối tượng đòi nợ loan báo nợ số tiền lên đến 90 triệu đồng.

Nhà anh Trần Nguyễn Quốc Việt bị các đối tượng đe dọa, tạt chất bẩn hồi tháng 8-2019.

XỬ LÝ NGHIÊM THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Trong năm 2019, CATP Đà Nẵng và CA các quận, huyện đã mở nhiều đợt tấn công tội phạm loại tội phạm này. Lực lượng Công an đã điều tra, khởi tố 4 vụ/12 bị can trong năm 2019 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Các bị can bị khởi tố đều là người ngoại tỉnh sử dụng phương thức cho vay với lãi suất cao để chiếm đoạt tài sản. Cả 12 bị can khởi tố đều là người ngoại tỉnh đến Đà Nẵng hoạt động, trong đó có 8 người Hải Phòng, 3 người Hà Nội, 1 người Hải Dương. Có được kết quả trên là nhờ vào việc xử lý tốt các tin báo từ cơ sở, các vụ việc “khủng bố” bằng chất bẩn được các điều tra viên đặc biệt lưu ý, thu thập kỹ lưỡng hình ảnh, nội dung vụ việc để làm cơ sở, tài liệu để đấu tranh với tội phạm.

Cuối năm 2019, đầu năm 2020, CAQ Hải Châu cũng đã kịp thời điều tra, triệt xóa đường dây cho vay với lãi suất “cắt cổ”, số con nợ liên quan lên đến hơn 300 người với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. CAQ Hải Châu đã khởi tố vụ án và khởi tố nhiều bị can. Vào tháng 8-2019, CAQ Cẩm Lệ cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Ngọc Dũng (31 tuổi), Mai Văn Khánh (36 tuổi) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Đây là 2 đối tượng chính đã chặn đường, ép anh Trần Nguyễn Quốc Việt (28 tuổi, trú P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) viết hai giấy nợ tổng cộng 800 triệu đồng và chiếm đoạt xe máy. Trước đó, nhóm người trên liên tục đến nhà anh Việt đe dọa sẽ thuê người dùng kim tiêm có máu nhiễm HIV đâm những người thân của anh Việt. Nhà anh Việt cũng bị kẻ lạ mặt đến ném đá, tạt sơn và dầu nhớt...

Với sự quyết liệt của lực lượng Công an và các tổ chức đoàn thể liên quan,  hình ảnh tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp không cần thế chấp, giải ngân nhanh... cũng dần vắng bóng, không công khai như trước đây. Tại các cột đèn giao thông, cây xanh cũng không còn bị bôi bẩn bởi các nội dung liên quan đến hoạt động cho vay trái phép. Các đối tượng cũng phải dạt sang địa phương khác hoặc tiến hành “dụ dỗ” người vay bằng các phương thức khác kín kẽ hơn.

MAI VINH