Bất bình đẳng vaccine "nuôi dưỡng" các chủng mới?

Thứ ba, 30/11/2021 17:05

Các chuyên gia y tế nhận định rằng, chính tình trạng bất bình đẳng về vaccine COVID-19 là một phần "nuôi dưỡng" chủng Omicron xuất hiện, với nhiều đột biến chưa từng có.

Mọi người xếp hàng chờ xét nghiệm tại một điểm sàng lọc tạm thời ở Seoul, Hàn Quốc vào ngày 29-11. Ảnh: AP Tiêm vaccine

Năm ngoái, các nước giàu nhất thế giới đã tích cực thu mua vaccine để thực hiện chiến dịch tiêm chủng cho người dân. Tình trạng này dẫn tới các nước thu thập thấp và trung bình lâm vào cảnh không có đủ vaccine để chống lại dịch bệnh. Theo các nhà khoa học, tình trạng trên có thể được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của các biến thể mới có nguy cơ lây nhiễm cao hơn như Omicron - chủng mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26-11 tuyên bố thuộc nhóm "đáng lo ngại" vì "bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến chủng này cao hơn các biến chủng khác".

Tại Ấn Độ, nơi biến chủng Delta xuất hiện lần đầu tiên và hoành hành dữ dội và gây ra làn sóng đại dịch thứ hai thảm khốc ở nước này với số ca nhiễm hàng ngày từng lên tới hơn 400.000, tình hình dịch bệnh đã hạ nhiệt. Ở nước này, khoảng 1/3 dân số được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Tuy nhiên, vaccine giờ đây vẫn xa vời đối với đông đảo người dân các nước đang phát triển trên thế giới. Theo số liệu từ Our World in Data, dự án thuộc Đại học Oxford của Anh, mới chỉ 7% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ toàn cầu là 42%.

Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tại châu Âu và Mỹ lần lượt là 67% và 58%, tương phản hoàn toàn với Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, nơi mới chỉ tiêm đầy đủ cho 1,7% trong số 206 triệu dân. Ethiopia, nước đông dân thứ hai châu Phi, mới đạt 1,2%. Nhiều quan chức y tế cho biết thế giới có nguy cơ bị kéo vào một vòng luẩn quẩn nguy hiểm, trong đó các biến chủng mới đáng lo ngại trỗi dậy ở những nơi chưa được tiêm vaccine, thúc đẩy các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn đặt hàng liều tăng cường, khiến cơn khát vaccine ở những nước nghèo thêm trầm trọng.

"Chúng tôi đang hướng đến tình huống các nước thu nhập cao sẽ tiếp tục nhận được những liều vaccine tăng cường thường xuyên, trong khi người dân tại các nước thu nhập thấp thậm chí chưa được tiêm liều đầu tiên", WSJ dẫn lời Alexandra Phelan, chuyên gia tại Đại học Georgetown của Mỹ, cho biết.

Omicron lần đầu được phát hiện ở Nam Phi, dù hiện chưa rõ nó có nguồn gốc từ đâu và liệu có phải nó được đưa tới Nam Phi từ một nước nào khác trong khu vực hay không. Điều mà các nhà khoa học biết được là SARS-CoV-2 dường như có xu hướng đột biến ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp và tỷ lệ lây lan cao. Trong hầu hết năm nay, châu Phi gần như bị gạt sang một bên trong chiến dịch tiêm chủng đại trà quy mô toàn cầu. Covax, cơ chế phân phối của WHO nhằm thúc đẩy bình đẳng tiêm chủng và đưa vaccine đến các quốc gia thu nhập thấp, tới nay mới chuyển được 544 triệu liều, tương đương 1/3 kế hoạch đề ra.

Các lệnh cấm xuất khẩu vaccine, quá trình sản xuất bị đình trệ và cuộc càn quét của biến chủng Delta khắp Ấn Độ, quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Loạt trở ngại đang dần được gỡ bỏ. Covax dự kiến cung cấp ít nhất 400 triệu liều vaccine vào tháng tới. Các hãng dược phẩm trên toàn cầu cũng đang trên đà sản xuất tổng cộng 12 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, theo Liên đoàn Các nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm Quốc tế.

Con số này lớn hơn 11 tỷ liều mà WHO cho rằng cần thiết để tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số thế giới. Tuy nhiên, phần lớn số vaccine này nhiều khả năng sẽ được chuyển tới các quốc gia giàu có để phục vụ chiến dịch tiêm liều tăng cường. Các nước nghèo hơn vẫn chưa xác định rõ thời điểm vaccine của họ dự kiến được chuyển đến.

COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Mumbai, Ấn Độ hôm 29-11. Ảnh: AP

Các chính phủ ở châu Phi vẫn chưa tìm được ngân sách cho chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm giảm bớt tâm lý ngần ngại vaccine. Ngoài ra, sau 1 năm chờ đợi vaccine, những lô vaccine lớn được chuyển đến trong thời gian ngắn, khi các nước ở khu vực vẫn chưa kịp thiết lập hệ thống điểm tiêm chủng. Bảo quản vaccine đúng cách cũng là vấn đề đau đầu đối với những nước có nguồn điện không ổn định.

Để thu hẹp khoảng cách tiêm chủng giữa các khu vực trên thế giới, tạo điều kiện tiếp cận vaccine dễ dàng hơn cho những nước nghèo, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 5 tuyên bố ủng hộ dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ bản quyền đối với vaccine Covid-19. Sự trỗi dậy của biến chủng Omicron một lần nữa "cho thấy tầm quan trọng của từ bỏ bản quyền vaccine một cách nhanh chóng", Tổng thống Biden tuyên bố hôm 26-11.

Và các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, dịch bệnh đang quay trở lại tấn công thế giới và nó chỉ được dập tắt khi mọi nơi trên thế giới tiếp cận đầy đủ với vaccine.

KHẢ ANH