Bất cập trong đào tạo giáo viên chuyên biệt

Thứ hai, 18/08/2014 08:34

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, công tác đào tạo giáo viên chuyên ngành Giáo dục đặc biệt (giáo dục chuyên biệt và giáo dục hòa nhập) chưa đáp ứng được nhu cầu cả về lượng và chất. Trong khi đó, nhu cầu của phụ huynh và trẻ khuyết tật muốn được đi học ngày càng tăng. Đây thực sự là nỗi trăn trở của nhiều trường chuyên biệt hiện nay.

GIÁO VIÊN LUÔN RÈN LUYỆN KỸ NĂNG, TÍCH LŨY KINH NGHIỆM

Trực tiếp đến dự giờ các lớp học tại các trường chuyên biệt, chúng tôi mới hiểu được phương pháp dạy trẻ khuyết tật không giống như việc dạy trẻ bình thường. Theo cô Trần Bích Thủy–Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật cần có kỹ năng sư phạm và phương pháp dạy học khoa học. Giáo viên dạy những lớp đặc biệt này ngoài yêu cầu có tinh thần trách nhiệm cao còn phải có trình độ chuyên môn vững vàng, vừa có lòng yêu nghề, mến trẻ và có nghị lực vượt qua chính bản thân, kiên trì, nhẫn nại trong giáo dục trẻ.

Cô Trần Bích Thủy cho biết: “Công tác giáo dục trẻ chuyên biệt thực sự là một lĩnh vực khó, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải được đào tạo chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng. Vì vậy, những giáo viên trẻ mới ra trường khi về nhận công tác tại trường đều phải trải qua các khóa “đào tạo lại” và trong khoảng thời gian 2 đến 3 năm phải có sự hướng dẫn, kèm cặp giúp đỡ của những giáo viên có kinh nghiệm lâu năm”.

Là giáo viên có thâm niên dạy học sinh chuyên biệt, cô Trương Thị Hằng Nga–giáo viên Trường chuyên biệt Tương Lai bày tỏ: “Trong mỗi lớp học có nhiều đối tượng học sinh khuyết tật khác nhau nên phương pháp dạy học được thực hiện theo giáo dục cá nhân. Chính vì vậy, giáo viên đứng lớp sẽ rất vất vả, đặc biệt phải biết xử lý tình huống sư phạm một cách linh hoạt và đúng đắn. Bởi chỉ một thay đổi nhỏ trong hành vi nhận thức của trẻ cũng là kỳ công lớn của giáo viên”.

Thạc sĩ Bùi Văn Vân–Trưởng khoa Tâm lý- Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm – Đại học Đà Nẵng) cho rằng, đa số các giáo viên trẻ mới ra trường đều có trình độ cơ sở lý thuyết chuyên ngành rất vững vàng. Đây thực sự là một thế mạnh sẽ giúp các em rút ngắn được thời gian “đào tạo lại” và tiếp thu các yêu cầu mới từ thực tế công tác.

Các cơ sở giáo dục chuyên biệt đều thiếu đội ngũ giáo viên trẻ kế cận.

THIẾU ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN KẾ CẬN

Hiện nay, ngoài số lượng học sinh khuyết tật học hòa nhập thì tại TP Đà Nẵng mới chỉ có 3 Cơ sở giáo dục chuyên biệt (Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, Trường chuyên biệt Tương Lai và Trường chuyên biệt tư thục Thành Tâm) với số lượng học sinh khuyết tật được vào học còn rất hạn chế, trong khi đó nhu cầu đi học của trẻ còn rất lớn.

Cô Trần Bích Thủy,  Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai cho hay: “Hằng năm, số lượng phụ huynh đến nộp hồ sơ xin con vào học tại trường rất lớn, tuy nhiên do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu giáo viên nên số lượng hồ sơ được nhận rất ít. Hiện nay trường đang quản lý, giảng dạy cho 180 học sinh, gồm 80 trẻ khiếm thính và 100 trẻ chậm phát triển. Trong đó, có 30 học sinh ngoài chỉ tiêu, được nhà trường nhận thêm vì không thể từ chối, mặc dù thiếu phòng học phải tận dụng một phòng chức năng để dạy học”. Tình trạng thiếu giáo viên đã làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như công tác chăm, giáo dục trẻ khuyết tật. Trong những năm  gần đây, việc tuyển dụng giáo viên trẻ gặp rất nhiều khó khăn vì vướng vào cơ chế tuyển dụng.

Cô Trần Bích Thủy lo lắng: “Hiện nay, theo quy định số lượng định biên giáo viên đứng lớp cho các trường chuyên biệt rất thấp đã gây không ít khó khăn cho hoạt động của các cơ sở. Giáo viên đã rất vất vả trong chăm sóc, giáo dục học sinh rồi, mà còn phải phụ trách thêm các công việc kiêm nhiệm khác. Mặt khác, cơ chế tuyển dụng của địa phương không tuyển biên chế cho giáo viên mầm non trong trường chuyên biệt nên hiện nay nhà trường đang có 11/30 giáo viên vẫn đang còn hợp đồng lao động”.

Ngoài cơ chế tuyển dụng giáo viên thì hiện nay các trường giáo dục chuyên biệt gặp một khó khăn khác trong phát triển đội ngũ giáo viên kế cận vì thiếu nguồn tuyển. Lãnh đạo một số cơ sở giáo dục chuyên biệt cho biết, những năm trước khi Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng còn tổ chức đào tạo ngành Giáo dục đặc biệt thì rất yên tâm về nguồn tuyển dụng giáo viên.

Thế nhưng mấy năm nay Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng không còn đào tạo nữa, trong khí đó, cơ chế tuyển dụng lại ưu tiên giáo viên là người địa phương, nên các trường càng gặp khó khăn hơn.

Th.s Bùi Văn Vân nhìn nhận: Theo chiến lược phát triển giáo dục trẻ khuyết tật thì đến năm 2015, hầu hết trẻ khuyết tật Việt Nam có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng và được trợ giúp để phát triển tối đa tiềm năng, tham gia và đóng góp tích cực cho xã hội.

Thế nhưng, thực tế hiện nay đang thiếu giáo viên các ngành Giáo dục chuyên biệt, Tâm lý giáo dục... Trong khi nhu cầu tuyển dụng giáo viên có chuyên môn về những ngành này rất lớn, nhưng lại không có người đăng ký học. Thực tế là ngành Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã không tuyển sinh được trong gần 5 năm nay”.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do chưa có sự nhận thức đầy đủ về ngành nghề của các bậc cha mẹ và học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách về lĩnh vực này còn yếu, công tác quản lý, giáo dục chuyên biệt chưa được quan tâm đúng mức từ trung ương đến địa phương.

Bài ảnh: Đại Khải