Bất ngờ Ca khúc Lâm Thị Mỹ Dạ

Thứ sáu, 30/10/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Từ mấy chục năm nay, bạn đọc ai cũng biết Lâm Thị Mỹ  Dạ (LTMD) là nữ thi sĩ nổi tiếng với các tập thơ: Trái tim sinh nở, Bài thơ không năm tháng, Hái tuổi em đầy tay, Mẹ và con, Đề tặng một giấc mơ, Hồn đầy hoa cúc dại, Green Rice (Cốm non) xuất bản bằng tiếng Anh ở Mỹ, và những bài thơ được tuyển vào sách giáo khoa như Chuyện cổ nước mình, Khoảng trời hố bom...; nhà thơ được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Nhưng một LTMD... sáng tác nhạc  thì có lẽ còn ít người biết. Mấy năm nay, thỉnh thoảng tôi được Dạ mở đầu đĩa cho nghe bài hát của mình. Bạn bè thân thiết gặp nhau hằng ngày, vậy mà tôi đã bất ngờ và xúc động khi Dạ tặng tôi đĩa CD album đầu tay Ca khúc Lâm Thị Mỹ Dạ. Tôi nghĩ làm vài bài hát, nghêu ngao hát chơi cho đỡ buồn là chuyện khác, còn đây là một album nhạc hẳn hoi thì nữ nhà thơ của chúng ta đích thị là... nhạc sĩ rồi !

Album Ca khúc Lâm Thị Mỹ Dạ gồm các bài hát: Chùm hoa lý, Trái đất thơ ngây, Lời ru xanh trong, Hòa bình là mùa xuân, Tôi nhớ làng tôi, Niệm khúc cho người, Ru, Tây Nguyên, Gió Thiên đường, Hoa ngô đồng, Thả mây cho gió, Lòng  mẹ. Đĩa nhạc chia làm hai phần: Phần âm nhạc cho thiếu nhi với 2 ca khúc Trái đất thơ ngây, Hòa bình là mùa xuân giai điệu nhí nhảnh, vui nhộn và tình cảm trong trắng tơ non. Phần còn lại là những ca khúc trữ tình day dứt nỗi đời và đượm chất thiền. Các ca khúc của Dạ được các nhạc sĩ như Tôn Thất Lập, Quốc Anh, Lê Quang Vũ, Doãn Nguyên phối khí và các ca sĩ nổi tiếng như NSND Quang Thọ, Trọng Tấn, Tấn Minh, NSƯT Tuấn Phong, Minh Huệ... thể hiện rất ấn tượng.

 Lâm Thị Mỹ Dạ hát cùng bạn bè văn nghệ sĩ trong một cuộc vui.

Ca khúc Lâm Thị Mỹ Dạ là những giai điệu  vừa mang  âm hưởng dân ca xứ sở lại vừa hiện đại đầy cảm hứng tâm linh, tâm trạng. Đó là âm nhạc của đồng vọng, sẻ chia. Cái mạnh của LTMD ngoài  trực cảm âm nhạc trời phú, là ca từ. Vì là nhà thơ nên ca từ của LTMD rất thơ, ngôn ngữ lấp lánh, rất giàu thi ảnh và nặng tính triết lý nhân sinh. Bài hát Thả mây cho gió  (Trọng Tấn thể hiện) có những câu xoáy vào lòng người: “Còn đâu thục nữ hồn nhiên nói cười/ Còn đâu thiếu nữ hồn xanh da trời... Thả màu tóc trắng còn vương bên đời/ Tôi về với tôi”. Hay bài hát Tuổi chiều buồn xao xuyến: Tuổi tôi mới đó đã sang chiều rồi...

Dạ kể, hồi học sinh chị rất thích âm nhạc, thích hát. Ông ngoại Lý Ngọc Đóa của Dạ người An Cựu (Huế) chơi đàn bầu rất hay. Hồi  đó, ông thường ru Dạ trong tiếng đàn bầu nức nở của mình. Đến nay, gia đình bên ngoại của Dạ có rất nhiều người theo con đường âm nhạc. Có lẽ cái gene đó cũng lặn vào Dạ. Người “thầy” đầu tiên dạy nhạc lý bài bản cho Dạ là nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch. Thạch hướng dẫn hơn hai tháng là Dạ biết đọc và ghi bản nhạc. Lúc đó Dạ đã là nhà thơ có tiếng, chỉ học nhạc cho biết thế thôi, không ngờ những bài hát đã đến với mình. Ca khúc đầu tay Dạ viết là bài Chùm hoa lý. Một đêm thấy chùm hoa lý tỏa hương thơm ngát, Dạ bỗng nhớ về tuổi thơ của mình. Thế là bài hát tượng hình: Tuổi thơ ấu của tôi về đâu. Mà hoa lý còn thơm ngẩn ngơ... Lúc đó Dạ 28 tuổi, đã có hai con nhỏ.

Thời ấy cuộc sống khổ lắm. Dạ gầy như cái bóng, chỉ nặng 36kg, nhưng tâm hồn thì trẻ trung trong sáng lắm. Gia đình Dạ ở khu chợ xép nghèo hẻm đường Trần Phú, ngay cạnh nghĩa trang. Dạ bỗng da diết nhớ làng mình bên bờ Kiến Giang xanh mướt những con đò với điệu hò mái ba mái bảy. Rồi một giai điệu vang lên ám ảnh. Thế là Dạ hát luôn một mạch, sau đó lấy đàn guitar tìm nốt cho ca khúc Tôi nhớ làng tôi: Làng của tôi biếc xanh ở phía chân trời. Mùa hè trên sông tươi màu lúa mới... Làng của tôi như một nốt đàn/ Khẽ ngân rung trong hồn tôi khi xa vời... Năm đó Dạ viết được 6 ca khúc.

Lúc đó anh Trịnh Công Sơn là chỗ quen biết, Dạ rụt rè đưa 6 bài hát cho anh xem, rồi hát cho anh nghe bài Tôi nhớ làng tôi. Nghe xong, anh Sơn bảo: “Mỹ Dạ làm nhạc được lắm”. Anh Sơn khen ca khúc Tôi nhớ làng tôi có sự sáng tạo. Anh Sơn còn khuyến khích, hướng dẫn thêm cho Dạ về sáng tác ca khúc. Làm nhạc rất khó, nên Dạ phải tự học rất nhiều. Anh Trịnh Công Sơn mất đối với vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ là nỗi đau lớn. Vì anh Sơn là người bạn chí thân của gia đình. Hoàng Phủ Ngọc Tường bị liệt nằm một chỗ, vẫn trăn trở nằm đọc cho Dạ ghi cuốn  bút ký xúc động lòng người: Trịnh Công Sơn- Cây đàn lia của Hoàng tử bé...

Năm 2005, một buổi sáng Huế thu rất đẹp, Dạ chợt nhớ anh Sơn, rồi một giai điệu âm nhạc xâm chiếm tâm hồn ngân lên thành lời. Thế là bài hát Niệm khúc cho người ra đời. Bài hát rất da diết: Người ấy giờ đây hình bóng đã mây trời... Còn đó dòng sông chờ mong Người quay về... Hạ trắng còn đây, biển nhớ còn đây còn đâu Người... Đó là niệm khúc của một người em gái  tặng hương hồn một người anh ở cõi đi về.

Dạ viết nhạc rất thận trọng, chỉ khi có sự thôi thúc thực sự trong lòng mới viết. Đời Dạ là những năm tháng buồn đau triền miên. Đến tuổi lục tuần rồi, dù đang mang bao bệnh tật trong người, Dạ vẫn gồng mình lên để chăm sóc an ủi chồng mỗi ngày. Vì thế những bài hát như những bàn tay xoa dịu nỗi buồn riêng. Dạ  luôn trăn trở với những nốt nhạc trong ca khúc, như khi làm thơ phải chọn chữ, chọn hình ảnh làm sao cho hay, cho bay bổng cảm xúc. Vì thế âm nhạc của LTMD có những lúc vút lên đầy ngẫu hứng, giống như khi làm thơ Dạ thường phát hiện ra những thi tứ mới lạ.

Đi xe máy đọc đường thu Huế, tôi cứ nhẩm hát nghêu ngao như bị cuốn theo giai điệu của cuộc đi tìm tình yêu trong ca khúc của Dạ: Vì khát em mà anh tìm, làn gió thiên đường ơi... Như thế âm nhạc của Dạ đã cư trú trong tim người rồi đó, Dạ ơi...

Ngô Minh