Bát nháo thị trường “thần dược” Ama Kông
(Cadn.com.vn) - Nắm bắt được nhu cầu sử dụng “thần dược” ngày càng tăng, các địa điểm kinh doanh, sản xuất “thần dược” Ama Kông ngày càng mọc lên như nấm sau mưa trên địa bàn H. Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc. Bất cứ ai trên mảnh đất gió bụi này cũng dễ dàng trở thành người bán thuốc “chuyên nghiệp” cùng với những lời quảng cáo có cánh mà không cần đào tạo qua bất cứ trường lớp nào. Việc buôn bán vô tội vạ này đã khiến cho thị trường “thần dược” Ama Kông ngày càng hỗn loạn.
Chủ tiệm tạp hóa trở thành “chuyên gia”
Để mục sở thị về tình trạng hỗn loạn của thị trường “thần dược” Ama Kông, P.V đã đột nhập vào nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã Krông Na, H. Buôn Đôn. Ghé vào một tiệm tạp hóa thuộc địa bàn buôn Jang Lành (xã Krông Na), P.V không khỏi ngạc nhiên bởi “thần dược” Ama Kông được bày bán lẫn lộn với đủ các loại tạp phẩm như: bánh kẹo, nước mắm, lúa gạo, quần áo...
Tỏ vẻ rất am tường về “thần dược” Ama Kông, bà Q. (chủ tiệm tạp hóa) chia sẻ: “Thuốc Ama Kông vốn là một bài thuốc gia truyền của một người đồng bào đã khuất để lại cho con cháu trước khi mất. Là người kinh doanh thuốc Ama Kông hơn 10 năm nay, tôi biết nhiều tác dụng bất ngờ của loại “thần dược” này. Thuốc mặc dù chỉ đơn giản chỉ là những lá, rễ cây rừng nhưng tác dụng thì hiếm tìm thấy ở một bài thuốc khác. Có những người đau dây thần kinh, đau lưng nhức mỏi kinh niên tốn không ít tiền bạc chữa bệnh bằng thuốc tây y nhưng bệnh tình ngày càng phát nặng. Tuy nhiên, chỉ đến khi tìm đến lấy vài thang thuốc Ama Kông mà tôi đang bán về sử dụng thì bệnh tình thuyên giảm đi rất nhiều”.
Tương tự, một người phụ nữ người đồng bào Mơ Nông tên X. (trú xã Krông Na) tiết lộ: “Nhắc đến “thần dược” Ama Kông, đặc biệt trong đó phải kể đến là tác dụng rất hữu hiệu cho việc tăng cường sinh lý cho phái mạnh. Đó chính là lý do vì sao nhiều năm nay người dân khắp nơi trên cả nước tìm đến với vùng đất đầy gió bụi này để mua thần dược”.
Nói về điều kiện để được buôn bán mặt hàng này, một chủ tiệm tạp hóa kiêm buôn bán thuốc Ama Kông (xã Ea Huar) ngụy biện: “Vì đây là bài thuốc gia truyền của một gia đình đã đăng ký giấy phép, chứng nhận, thương hiệu sẵn nên những người mua đi, bán lại như chúng tôi không cần thiết phải xin giấy phép kinh doanh nữa. Có chăng cũng chỉ là đi xin giấy phép kinh doanh tạp phẩm, trong đó có bao gồm cả thuốc Ama Kông”.
Những hình ảnh “phù phép” cho thần dược Ama Kông tại cơ sở sản xuất “thần dược” Ama Kông không phép trên địa bàn H. Buôn Đôn. |
Phù phép “thần dược” Ama Kông
Rời khỏi một số tiệm tạp hóa nói trên, P.V tìm đến một cửa hàng bán đồ lưu niệm trên địa bàn buôn Trí (xã Krông Na) để hỏi mua “thần dược” Ama Kông. Vừa thấy bóng khách tìm đến, một nữ nhân viên nhanh chân bước ra và cho biết: “Thuốc Ama Kông mà chúng tôi bán ở đây có nguồn gốc 100% từ cơ sở sản xuất gia truyền của gia đình ông Ama Kông”.
Để tạo niềm tin tuyệt đối cho khách hàng, bà B. (chủ cửa hàng “thần dược” Ama Kông tại buôn Jang Lành (xã Krông Na) không ngừng tự nhận mình là con cháu, anh em dòng họ của ông Ama Kông – tác giả chính thức của sản phẩm “thần dược” này. Bà B. cho hay: “Không phải ai bán thuốc Ama Kông cũng có thể hiểu được các vị thuốc trong mỗi thang. Là em dâu của ông Ama Kông, tôi may mắn được truyền lại nghề sản xuất thuốc gia truyền nhiều năm nay. Vì vậy, chất lượng thuốc luôn được đảm bảo. Do nguyên liệu ngày càng khan hiếm nên giá thuốc Ama Kông có phần nhích hơn so với trước đây. Giá thấp nhất là 100.000 đồng/thang thuốc và cao nhất hiện nay là 250.000 đồng/thang thuốc”.
Xuất phát từ những khoản lợi nhuận khủng nên thời gian qua, nhiều người không ngần ngại lợi dụng danh tiếng, thương hiệu của bài thuốc gia truyền Ama Kông để che đậy cho việc chế biến, buôn bán, kinh doanh của mình. Để “phù phép” cho “thần dược” Ama Kông không phép, những người sản xuất không ngừng cho in hàng loạt mẫu giấy có hình ảnh về ông Ama Kông rồi bỏ vào bao đựng thuốc.
Với “công nghệ” này, người kinh doanh không mấy khó khăn để cho ra đời sản phẩm “thần dược” mang tên Ama Kông nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cũng với quy trình sản xuất thủ công này, trên toàn bộ các bao bì chứa thuốc gia truyền Ama Kông, P.V không tìm được ngày sản xuất, nguồn gốc của thuốc, cũng như dấu kiểm định của các cơ quan chức năng. Khi P.V thắc mắc về tên thành phần cụ thể trong mỗi thang thuốc Ama Kông, hầu hết những người bán thuốc đều lắc đầu, cười thoái thác: “Chỉ có người sản xuất mới biết thành phần của thuốc mà thôi. Bởi để bảo vệ bài thuốc gia truyền, người sản xuất hiếm khi để lộ các thành phần của thuốc”.
P.V tiếp tục đột nhập vào một cơ sở trực tiếp sản xuất thuốc Ama Kông không phép trên địa bàn xã Krông Na. Có mặt tại một căn nhà gỗ lụp xụp, P.V được tận mắt chứng kiến cảnh hai người đàn ông và một phụ nữ đang miệt mài cưa, cắt những khúc gỗ lớn và chẻ nhỏ rồi đem phơi khô. Một người đàn ông tên X. (41 tuổi, quê ở Hải Dương) tiết lộ: “Sau một thời gian sinh sống cùng người đồng bào bản địa, tôi đã phát hiện ra vị thuốc chủ lực của “thần dược” Ama Kông. Chính vì thế nên tôi cũng lên rừng tìm đốn hạ những loại cây này về để sơ chế thành “thần dược” cung cấp lại cho các đầu mối khác. Mỗi một vị thuốc sau khi sơ chế được bán cho thương lái với giá 10.000 đồng/kg”. Với nhu cầu sử dụng “thần dược” ngày càng cao nên có những ngày, cơ sở chế biến của ông X. bán ra thị trường tới hàng tấn “thuốc”.
Trong khi đó, ông Khăm Phết Lào (người thừa kế bài thuốc bí truyền của ông Ama Kông) khẳng định: “Bài thuốc bí truyền Ama Kông đã được Bộ Y tế và Sở Y tế Đắc Lắc cấp phép. Hiện nay, chỉ có duy nhất một địa điểm nhà ông ở Buôn Kô Tam, xã Ea Tu, (TP Buôn Ma Thuột) kinh doanh sản phẩm này”.
Ông Đặng Hùng Chúc, Ủy viên Thường trực Hội Đông y H. Buôn Đôn cho hay: “Trên thực tế, sau khi ông Ama Kông qua đời thì chỉ có con trai của ông được thừa kế bài thuốc Ama Kông. Tuy nhiên, hiện nay có không ít người tự mạo danh là con cháu, anh em dòng họ của ông Ama Kông nhằm phục vụ đắc lực cho việc kinh doanh thuốc gia truyền vô tội vạ của mình. Bất cứ loại thuốc đông y nào cũng đều có thời gian sử dụng nhất định. Nếu để một thời gian dài, thuốc sẽ dễ dàng bị ngả màu, nấm mốc”.
Trong khi đó, bà Trần Thị Mai Thu, Trưởng phòng Y tế H. Buôn Đôn thông tin: “Thời gian qua, chúng tôi không nghe người dân phản ánh bất kỳ thông tin gì về thuốc Ama Kông giả, nhái. Nếu dân có ý kiến phản ánh thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý ngay”.
Nguyên Trịnh