Bắt tạm giam nhiều nữ bị can liên quan đến 2 vụ “vỡ nợ” rúng động Gia Lai
Ngày 11-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã khởi tố 2 nữ bị can liên quan đến 2 vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng từng gây rúng động trên địa bàn Gia Lai trong năm 2020 và đầu năm 2021.
Cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Chu Nữ Diệu Huyền (x). |
Theo đó, sau khi điều tra, xác minh đơn tố cáo của nhiều người dân về việc bà Đỗ Thị Minh Huệ (1979, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) vay mượn tiền không trả, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Đỗ Thị Minh Huệ (1979, trú phường Yên Đỗ, TP Pleiku, Gia Lai) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết, bà Huệ bị bắt giam để điều tra về việc vay mượn tiền của nhiều người trên địa bàn, nhưng không trả theo đúng cam kết. Cụ thể, bà N.T.S (trú phường Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai) tố cáo vợ chồng bà Đỗ Thị Minh Huệ và ông Trần Phú Quý (cùng trú phường Yên Đỗ, TP Pleiku) dùng nhiều chiêu thức, thủ đoạn vay 1,3 tỷ đồng nhưng đến hạn không trả. Vợ chồng ông H.K.B và bà L.T.B (cùng trú TP Pleiku) cũng có đơn tố cáo vợ chồng bà Huệ vay trên 1 tỷ đồng nhưng cũng bằng nhiều chiêu trò giãn nợ, không chịu trả.
Các nạn nhân cho biết, vợ chồng bà Huệ đã dụ dỗ họ cho vay tiền với mục đích đáo hạn ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi sự việc vỡ lở, những người bị bà Huệ lừa đảo tìm hiểu mới biết vợ chồng bà Huệ đã ly hôn nhưng vẫn ở chung nhà, đồng thời không có việc vay đáo hạn mà chỉ là chiêu thức lừa đảo, vay tiền nhưng không trả. Được biết, ông Trần Phú Quý (Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh Gia Lai) và bà Huệ đã ly hôn năm 2017, nhưng đến các năm 2020-2021, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai vẫn nhận được nhiều đơn tố giác vợ chồng ông Quý, bà Huệ vay mượn nhiều tỷ đồng nhưng không trả.
Liên quan đến vụ việc trên, tháng 2-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã ra văn bản bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Pleiku, đề nghị hai cơ quan này tạm dừng hồ sơ giao dịch dân sự đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất của bà Đỗ Thị Minh Huệ và ông Trần Phú Quý cho các cá nhân, tổ chức khác. Lý do được cơ quan chức năng cho biết để phòng ngừa việc tẩu tán tài sản của ông Quý và bà Huệ.
Đối tượng Lê Thị Thương. (Ảnh cơ quan Công an cung cấp) |
Trong một vụ án khác, chiều 10-5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã thực hiện lệnh khởi tố, khám xét nơi ở và bắt tạm giam bà Chu Nữ Diệu Huyền (35 tuổi, nguyên cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam) để điều tra về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bà Huyền là người liên quan đến bị can Lê Thị Thương (32 tuổi, nữ nhân viên Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Lai) đã bị khởi tố hồi tháng 9-2020 vì lừa đảo gần 200 tỷ đồng từng gây xôn xao dư luận hồi tháng 6-2020.
Được biết, cả Thương và Huyền đều đã lợi dụng công việc của mình tại một ngân hàng có trụ sở chính ở thành phố Pleiku nhằm tạo lòng tin đối với những chủ nợ, tiến đến vay số tiền lớn, hòng chiếm đoạt; trong đó, người cho Thương vay số tiền lớn nhất lên tới hơn 133 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 29-6-2020, đối tượng Lê Thị Thương đến Công an phường Hoa Lư (TP Pleiku) trình báo mất khả năng chi trả số tiền 173,1 tỷ đồng đã vay của nhiều người, và yêu cầu được bảo vệ. Đến sáng hôm sau, bà Thương rời khỏi địa phương và không có tung tích gì. Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định, đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên đã tiến hành khởi tố, truy tìm bị can tại nhiều địa phương. Biết không thể trốn thoát nên ngày 7-9-2020, Thương đã đến cơ quan công an đầu thú và sau đó bị tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đang điều tra mở rộng 2 vụ án nói trên.
G.L