Bầu cử Mỹ 2020 cần tránh kịch bản năm 1876

Thứ năm, 08/10/2020 15:09

2020 được chứng minh là một trong những năm thách thức nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Và Mỹ có thể còn tệ hơn nếu kết quả của cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 bùng nổ những tranh cãi. Một trong hai ứng viên có khả năng sẽ không công nhận kết quả bầu cử nếu phe của họ không giành chiến thắng, nhất là trong bối cảnh diễn ra việc bỏ phiếu qua thư điện tử do đại dịch Covid-19. Tổng thống Donald Trump kiên quyết phản đối hình thức bỏ phiếu này vì lo ngại gian lận.

Một cụ bà 102 tuổi đi bỏ phiếu bầu tổng thống vào thùng thư. 

Còn chưa đến 1 tháng nữa, người Mỹ thuộc mọi tầng lớp xã hội và các phe phái chính trị khác nhau sẽ phải cân nhắc và sẵn sàng làm phần việc của mình để giúp đất nước tránh được kịch bản năm 1876. Năm 1876, cuộc bầu cử tổng thống đã để lại vết thương vẫn đang cần chữa lành của một quốc gia sau Nội chiến. Thống đốc Ohio Rutherford Hayes giành được đề cử của đảng Cộng hòa. Thống đốc New York Samuel Tilden mang biểu ngữ cho đảng Dân chủ.

Theo các số liệu chính thức, kết quả bầu cử cho thấy ông Tiden dẫn trước với cách biệt tương đối lớn về số phiếu phổ thông, hơn đối thủ Cộng hòa 250.000 phiếu. Tuy nhiên, xét về số phiếu đại cử tri, kết quả rất sít sao và gây tranh cãi gay gắt ở Mỹ. Hai ứng viên đều tuyên bố thắng cử tại 3 bang: Nam Carolina, Florida và Louisana. Sau cùng, ủy ban bầu cử do phe Cộng hòa kiểm soát tuyên bố phần thắng tại 3 bang trên thuộc về ông Hayes. Ông giành được 185 phiếu đại cử tri, chỉ hơn 1 phiếu so với đối thủ thuộc đảng Dân chủ. Đây được đánh giá là cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nước Mỹ đứng trên bờ vực của một cuộc nội chiến thứ hai. Tổng thống Grant đã chuẩn bị quân đội sẵn sàng xung quanh Washington. Đảng Dân chủ chuẩn bị cho xung đột vũ trang để ủng hộ ông Tilden. Quốc hội thành lập một Ủy ban lưỡng đảng để giải quyết tranh chấp bằng cách làm trung gian một thỏa thuận. Theo đó, ông Hayes sẽ trở thành tổng thống. Nhưng các đảng viên Cộng hòa đồng ý chấm dứt tái thiết. Chính phủ liên bang sẽ không còn cố gắng thực thi các quyền Hiến pháp ở miền nam. Năm 1876, sự phá vỡ trật tự Hiến pháp và quy trình bầu cử khiến những người Mỹ da đen sống ở miền Nam mất đi nhiều quyền tự do và tự do dân sự khó kiếm được trong cuộc Nội chiến. Kết quả là, “người da trắng thượng đẳng” sẽ thống trị ở miền Nam vào thế kỷ XX.

Vào năm 2020, không khó để tưởng tượng một cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi gay gắt có thể tạo ra những thách thức tương tự như thế nào đối với trật tự Hiến pháp và pháp quyền. Mối lo càng gia tăng do đại dịch Covid-19 và các cuộc biểu tình liên tục chống cảnh sát và phân biệt chủng tộc. Trong suốt mùa hè, tình trạng bất ổn dân sự, các cuộc biểu tình và bạo loạn đã lan rộng đến các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước.

Trong khi đó, giới chính trị Mỹ cũng cáo buộc các đối thủ nước ngoài có kế hoạch can thiệp vào cuộc bầu cử của họ. Vào tháng 8, Cộng đồng Tình báo Mỹ đánh giá, Trung Quốc, Nga và Iran đang làm việc để phá hoại tiến trình Dân chủ. Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia William Evanina cáo buộc Bắc Kinh Trung Quốc đang nỗ lực phá hoại để Tổng thống Trump không thể tái đắc cử; Nga đang gièm pha cựu Phó Tổng thống Biden và Iran đang làm việc để phá hoại các thể chế của Mỹ và chia rẽ đất nước.

Giám đốc FBI Christopher Wray gần đây đã nói trước Quốc hội rằng, “những kẻ cực đoan bạo lực trong nước” là những mối đe dọa khủng bố lớn nhất đối với nước Mỹ. Ông cảnh báo nguy cơ mất an ninh nghiêm trọng nếu một cuộc bầu cử tranh chấp dẫn đến các cuộc biểu tình, bạo loạn và bạo lực lan rộng. Về lâu dài, một cuộc bầu cử đầy tranh cãi sẽ khiến một trong hai bên đặt câu hỏi về tính hợp pháp của một Tổng thống, sẽ dẫn đến 4 năm chia rẽ đảng phái hơn nữa.

Để tránh bóng ma của năm 1876, có nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội phải thông qua đạo luật khẩn cấp để thành lập ủy ban phi đảng phái và lưỡng đảng giám sát cuộc bầu cử và đảm bảo rằng, các quy tắc được tuân thủ. Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats gần đây khuyến nghị cách tiếp cận này khi viết trên tờ New York Times. Nhiệm vụ của Ủy ban sẽ là đảm bảo tính toàn vẹn của quá trình dân chủ và “trấn an tất cả người Mỹ rằng lá phiếu của họ sẽ được kiểm tra kỹ càng, công bằng, và tất cả sẽ được tôn trọng và chấp nhận”. 

KHẢ ANH

Ông Trump sẵn sàng cho cuộc tranh luận thứ hai với đối thủ Biden 

Phát biểu trên trang Twitter cá nhân sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông trông đợi cuộc tranh luận với ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Joe Biden, dự kiến diễn ra vào ngày 15-10 tới. Và cuộc tranh luận thứ ba sẽ diễn ra vào ngày 22-10.

Trong khi đó, vào hôm nay (8-10), hai “phó tướng” của họ là Mike Pence và Kamala Harris sẽ đối đầu ở một sự kiện được đánh giá là chưa có tiền lệ trong một năm chưa có tiền lệ. Đây là sự kiện nhiều người đánh giá rằng sẽ là màn “so găng” lớn nhất lịch sử Mỹ giữa các Phó Tổng thống. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, ông Pence và bà Harris sẽ được ngăn cách bởi vách kính trong suốt trong cuộc tranh luận. Các ứng cử viên sẽ ở cách nhau ít nhất 3,6m.

T.N