Bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Cuộc đua song mã

Thứ hai, 11/04/2022 15:26
Ngày 10-4, khoảng 48 triệu cử tri Pháp đi bầu cử tổng thống, chọn ra hai người có số phiếu cao nhất trong số 12 ứng cử viên để tranh cử tại vòng đấu trực tiếp diễn ra sau đó hai tuần.
Áp phích bầu cử của Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen. Ảnh: NYTimes
Áp phích bầu cử của Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen. Ảnh: NYTimes

Theo các chuyên gia, trong cuộc bầu cử lần này, diễn biến trên mọi miền đất nước đã tái hiện về một cuộc đua song mã, giữa Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và đại diện phe cực hữu Marine Le Pen - đối thủ của ông Macron trong cuộc bầu cử cách đây 5 năm.

Màn tái đấu của 5 năm trước

Ngày 10-4, các điểm bỏ phiếu tại Pháp đã mở cửa để đón khoảng 48 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống nước này, bầu chọn ra hai ứng cử viên xuất sắc nhất trong số 12 ứng cử viên để bước vào vòng hai, sẽ diễn ra hai tuần sau đó.

Mặc dù có khá đông ứng cử viên tham gia cuộc đua, các số liệu thăm dò cho thấy đã có sự phân nhóm rõ rệt. Suốt một thời gian dài, Tổng thống Macron luôn dẫn trước nhưng trong những tuần gần đây, khoảng cách giữa ông và bà Le Pen đã thu hẹp đáng kể. Từ giữa tháng 3, mức độ ủng hộ của cử tri đối với hai ứng cử viên hàng đầu này đã có những xu hướng trái ngược. Đây được dự báo sẽ là "màn tái đấu" quen thuộc khi bà Le Pen từng là đối thủ của ông Macron trong cuộc bầu cử cách đây 5 năm. Sau khi đạt được tỷ lệ ủng hộ trung bình trên 30% vào đầu tháng 3, uy tín của Tổng thống Macron đã bất ngờ đi xuống. Trong hai tuần gần nhất, tỷ lệ ủng hộ ông giảm từ 3 đến 5% và hiện ông được dự báo sẽ chỉ nhận được khoảng 24-26% số phiếu bầu.

Trong lịch sử của nền Cộng hòa thứ năm tại Pháp bắt đầu từ năm 1958, bầu cử tổng thống luôn là cuộc đua nhiều bất ngờ, trong đó ứng cử viên được đánh giá có nhiều lợi thế nhất trước ngày bỏ phiếu chính thức chừng vài tháng không hẳn là người chiến thắng. Năm 2002, cựu Thủ tướng Lionel Jospin bị thủ lĩnh đảng cực hữu Jean-Marie Le Pen loại ngay từ vòng đầu. Tiếp đó, năm 2017, cựu Thủ tướng Franois Fillon thất bại sau khi báo chí phanh phui gian lận tiền lương thời kỳ ông còn làm nghị sĩ. Còn hiện nay, Tổng thống Emmanuel Macron đang phải đau đầu trước sự nổi lên một lần nữa của đối thủ đảng Tập hợp quốc gia theo đường lối cực hữu - bà Marine Le Pen.

Nhân tố bất ngờ

Nếu như vào giữa tháng 3, bà Le Pen vẫn còn cách đương kim tổng thống đến 14% thì hiện nay chênh lệch được rút xuống chỉ còn là 3%.

Tỷ lệ ủng hộ thủ lĩnh đảng cực hữu có thể sẽ còn tăng nữa dù không nhanh như những ngày gần đây. Chương trình hành động vẫn mang đậm chất cực hữu của bà Le Pen nhưng có điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với mối quan tâm của cử tri Pháp như từ bỏ quan điểm đòi rút Pháp khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bỗng trở nên có sức thuyết phục hơn.

Ngược lại, Tổng thống Macron bị mất điểm do các động lực ban đầu như hiệu ứng sau tuyên bố tranh cử, vị thế một nhà lãnh đạo mạnh mẽ mà ông thể hiện giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng Ukraine không còn nữa. Trên thực tế, ông đã nhập cuộc rất muộn khi chính thức tuyên bố tranh cử ngày 25-2, ngay sát thời hạn chót nộp hồ sơ. Không chỉ có vậy, Tổng thống Macron còn bị chỉ trích nặng nề vì trong 4 năm qua, Chính phủ Pháp đã tăng hơn gấp đôi thù lao trả cho công ty tư vấn McKinsey, từ 379 triệu Euro năm 2018 lên 893 triệu năm 2021, trong khi công ty này không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp tại Pháp. Các đối thủ chỉ trích ông Macron ưu ái McKinsey, mặc dù không có bằng chứng cụ thể.

Dù thực tế là cả Tổng thống Macron và bà Le Pen vẫn dẫn đầu cuộc đua, kết quả vòng một chưa phải đã hoàn toàn ngã ngũ, vì một ứng cử viên khác đe dọa sẽ phá vỡ cục diện chính trị này là ông Jean-Luc Melenchon - thủ lĩnh đảng thiên tả Nước Pháp.

KHẢ ANH