Bẫy giăng trên facebook
Đầu năm 2017, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CA tỉnh Gia Lai tiếp nhận đơn tố giác của chị Đ.T.T.C (trú tổ 12, P. Phù Đổng, TP Pleiku) về việc bị một số đối tượng vừa mới quen trên mạng xã hội facebook lừa đảo chiếm đoạt 433 triệu đồng. Cũng liên tiếp trong thời gian sau đó, Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai lại tiếp tục nhận được đơn của 3 công dân khác cùng nội dung tố giác như trên. Tổng số tiền theo trình báo của 4 nạn nhân trong các vụ lừa đảo qua mạng xã hội facebook là hơn 1,2 tỷ đồng. Tất cả các nạn nhân đều “sập bẫy” chung một thủ đoạn.
Mặc dù đã được cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ bị lừa khi kết bạn qua facebook với “người nước ngoài”. Ảnh minh họa |
Theo đó, sau khi đã kết bạn với những phụ nữ trên, thông qua tin nhắn trên mạng xã hội facebook, các đối tượng giới thiệu bản thân có quốc tịch Mỹ, với nghề nghiệp là kỹ sư, thương nhân, sĩ quan quân đội Mỹ đang công tác tại các nước có chiến tranh... Dù nhiều nạn nhân không biết tiếng Anh nhưng vẫn dùng công cụ dịch có sẵn trên mạng Internet để “chat” với “người bạn nước ngoài” kia. Sau một thời gian, khi đã trở nên thân thiết, các đối tượng bắt đầu “giăng lưới”. Từ những câu chuyện tâm sự về hoàn cảnh, gia đình từ đời tư đến công việc như: đang buồn vì bạn gái bỏ hay đã chia tay vợ... rồi ngỏ lời yêu thương hoặc muốn hợp tác làm ăn với nạn nhân. Sau khi thấy “con mồi” đã tin tưởng, các đối tượng đề nghị nạn nhân cung cấp những thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, email... để gửi tặng quà hoặc ngoại tệ coi như món quà ra mắt. Với việc đánh vào sự nhẹ dạ và lòng tham, các đối tượng đã khiến một số phụ nữ trên đã “mắc bẫy” khi cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân bởi họ chỉ nghĩ rằng sẽ nhận được món quà mà mình cũng không mất gì cả.
Chỉ vài ngày sau khi nhận được các thông tin của nạn nhân, các đối tượng này gửi tin nhắn thông báo với nạn nhân việc mình đã gửi quà, ngoại tệ theo địa chỉ được cung cấp và đợi khi có thông báo của cơ quan chức năng Việt Nam thì đến nhận. Thậm chí, tinh vi hơn, bằng kỹ năng chỉnh sửa hình ảnh, các đối tượng còn gửi cho nạn nhân 1 bức ảnh là giấy tờ với nội dung đã chuyển “quà” từ nước ngoài về Việt Nam cho nạn nhân. Vài giờ hoặc ngày sau, các nạn nhân nhận được điện thoại mà phía bên kia đầu dây xưng danh là nhân viên chuyển hàng quốc tế hoặc nhân viên hải quan thông báo nội dung của việc nhận quà từ nước ngoài gửi về. Với tên, địa chỉ, số điện thoại người gửi trùng khớp với “người bạn nước ngoài” và đúng thông tin cá nhân người nhận nên các nạn nhân không hề nghi ngờ. Tuy nhiên, các nạn nhân không hề hay biết rằng, những nhân viên chuyển hàng hay nhân viên hải quan kia đều là người của các đối tượng lừa đảo lên kịch bản với nhau.
Biết nạn nhân đã rơi vào tròng, các đối tượng này yêu cầu bị hại nộp phí vào tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp để trả phí vận chuyển, nộp thuế... Thậm chí, một số đối tượng lừa đảo còn “cao tay” hơn khi yêu cầu nạn nhân phải nộp số tiền lớn để lấy ngoại tệ vài chục nghìn USD gửi kèm theo trong thùng quà. Thế nhưng, sau khi người nhận đã đóng đủ các loại phí theo yêu cầu thì không có món tiền hoặc món quà nào được gửi đến. Chỉ đến khi liên lạc lại thì các số điện thoại của “người bạn nước ngoài” đến nhân viên chuyển hàng quốc tế, hải quan kia đều nằm “ngoài vùng phủ sóng”. Còn facebook cũng không thể liên lạc vì bị chặn.
Thượng tá Trần Trọng Sơn - Trưởng phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai cho biết: “Sau khi tiếp nhận đơn tố giác của các nạn nhân, qua điều tra CA tỉnh xác định được những tài khoản ngân hàng các đối tượng cung cấp cho nạn nhân đều được mở bằng chứng minh nhân dân giả mạo. Khi rút tiền, các đối tượng rút tiền ở nước ngoài thông qua các tài khoản thanh toán quốc tế nên CQĐT gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định đối tượng phạm tội. Dù thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới nhưng vẫn còn một số người nhẹ dạ trở thành nạn nhân của chúng”.
Cũng theo thông tin từ Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai, thời gian qua, ngoài việc một số nạn nhân bị lừa đảo qua mạng xã hội facebook thì đơn vị cũng nhận được tố giác của người dân về việc bị một số đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn nhắn tin hoặc gọi điện đến số điện thoại cá nhân để thông báo trúng thưởng với phần thưởng lớn như: xe máy SH, ĐTDĐ hoặc tiền... Với hình thức lừa đảo này, thời gian qua trên địa bàn TP Pleiku (Gia Lai) đã có 3 trường hợp “mắc bẫy”, trong đó người cao nhất đã nạp thẻ cào điện thoại cho đối tượng trị giá hơn 20 triệu đồng.
M.T - L.A