Bẫy lừa thời “chuyển khoản”
Ngày 15-12-2017, ông Nguyễn P. (66 tuổi, trú Đà Nẵng) nhận được cuộc gọi từ số máy lạ thông báo nợ tiền cước điện thoại 7 triệu đồng. Cùng ngày, ông P. tiếp tục nhận thêm cuộc gọi từ số lạ, một người tự xưng là “cán bộ Công an điều tra” thông báo có liên quan đến một vụ buôn bán ma túy lớn. Tiếp đến, một người xưng là “Dương Ngọc Hải, công tác tại Viện KSND TPHCM liên lạc qua mạng xã hội zalo thông báo “ông P. liên quan đến vụ án rất nghiêm trọng, vụ việc đang được điều tra và có nhiều người trong đường dây này đã bị bắt, yêu cầu ông P. không được tiết lộ cho ai biết”. Kèm theo đó, kẻ xưng danh Dương Ngọc Hải yêu cầu ông P. kê khai tài sản nhiều lần để phục vụ công tác điều tra. Đến ngày 16-12-2017, Hải gửi hình qua zalo “lệnh bắt giam” ông P. ký ngày 15-12-2017 của Viện KSND TPHCM. Hải yêu cầu ông P. kê khai tài sản và chuyển tất cả vào “tài khoản tạm giữ của Công an”.
Vì tin lời đối tượng và muốn chứng minh sự trong sáng, ông P. đã chuyển hơn 7 tỷ đồng vào 5 tài khoản cá nhân do đối tượng cung cấp. Cụ thể, tài khoản số 220011110608001 tại Ngân hàng (NH) Thương mại Cổ phần Sài Gòn chi nhánh Sông Hàn (Đà Nẵng) do Phùng Xuân Văn (1997, trú xã Vặt Lại, H. Ba Vì, Hà Nội) đứng tên; tài khoản số 106000450905 tại NH Pvcombank Chi nhánh Thanh Khê (Đà Nẵng) do Nguyễn Tiến Phong (1992, trú xã Tiên Phương, H. Ba Vì, Hà Nội) đứng tên; tài khoản số 0041000321587 tại NH Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng do Nguyễn Tiến Phong đứng tên; tài khoản số 037704070006001 tại NH HdBank- phòng giao dịch Hải Châu và tài khoản số 251834839 tại NH ACB- phòng giao dịch Hòa Khánh (Đà Nẵng) cùng đứng tên Phùng Quang Thắng (1994, trú xã Tây Đằng, H. Ba Vì, Hà Nội). Sau khi gửi tiền vào tài khoản theo yêu cầu, ông P. nghi ngờ có chuyện bất minh nên liên lạc lại với người tên Dương Ngọc Hải thì bất thành. Lúc này ông P. mới biết mình bị sập bẫy lừa nên trình báo sự việc với cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng.
Theo Đại tá Quách Văn Dũng- Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an TP Đà Nẵng, thời gian gần đây, tình trạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại TP Đà Nẵng có nhiều diễn biến phức tạp. Kẻ gian sử dụng thủ đoạn thực hiện các cuộc gọi đến các số điện thoại bàn, ĐTDĐ của cá nhân để đe dọa có nợ tiền cước điện thoại hoặc liên quan đến vụ án ma túy, rửa tiền... sau đó yêu cầu người nhận điện thoại phải chuyển tiền vào tài khoản chúng đưa để “kiểm tra” rồi chiếm đoạt. Tính từ tháng 12-2017 đến nay, Phòng CSHS Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận nhiều đơn trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền ước tính trên 10 tỷ đồng. Cụ thể, ngoài trường hợp trên 7 tỷ đồng của ông P., Phòng CSHS ghi nhận có thêm 3 bị hại “dính” bẫy lừa trên 3,6 tỷ đồng. Cụ thể, chị Lê Hải Y. bị đối tượng xưng tên “Phạm Anh Tuấn công tác tại Phòng CSHS Công an TPHCM” gọi điện thông báo có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy đang điều tra, yêu cầu kê khai tài sản và chuyển vào tài khoản NH Sacombank chi nhánh TPHCM 1 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị H. bị đối tượng lạ gọi điện thông báo liên quan đến vụ án ma túy Công an Hà Nội đang thụ lý, yêu cầu chuyển 110 triệu đồng vào tài khoản NH Thương Mại cổ phần Hàng hải Việt Nam chi nhánh TP Hà Hội; bà Nguyễn Thị V. bị một đối tượng xưng danh là “Đại tá Trần Ngọc Hải công tác tại Viện KSND TPHCM” thông báo có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, yêu cầu chuyển hơn 2,2 tỷ đồng vào NH Việt Á và Kiên Long; bà Trần Thị Bích T. bị đối tượng xưng danh “Phạm Anh Tuấn công tác tại Phòng CSHS Công an TPHCM” gọi điện thông báo có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, yêu cầu chuyển hơn 290 triệu đồng vào tài khoản NH Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam.
Qua các vụ việc này, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác. Nếu có nhận được những cuộc gọi như đã nêu trên thì tuyệt đối không làm theo yêu cầu của chúng, nhanh chóng thông báo đến người thân và cơ quan chức năng gần nhất để xử lý.
Nguyên Thảo