Bế mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV

Thứ tư, 18/11/2020 00:36

* "Không có chuyện xây dựng luật để lực lượng Công an lười đi hay trốn tránh trách nhiệm"

Ngày 17-11 là ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) khóa XIV. QH họp riêng biểu quyết Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trong phiên họp chiều, trước khi họp phiên bế mạc, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 91,91% tổng số ĐBQH đồng ý.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 chương, 171 điều. Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Quốc hội cũng họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10. Tại phiên bế mạc, Quốc hội thảo luận, biểu quyết Nghị quyết về Ngày Bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; biểu quyết Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV.

Bộ trưởng Bộ CA Tô Lâm giải trình một số vấn đề ĐBQH quan tâm về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cũng trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo tiếp thu giải trình một số nội dung lớn, còn nhiều ý kiến tham gia vào dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA cho biết, về cơ bản, nhiều ý kiến tham gia nhất trí về sự cần thiết xây dựng, ban hành luật.

Các ý kiến đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện hơn nữa dự án luật lần này, như vị trí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn tuyển chọn, bố trí, xây dựng lực lượng, phạm vi, giới hạn, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, việc đảm bảo các điều kiện hoạt động của lực lượng này, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.

Giải trình rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, thực tế ở Việt Nam, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tồn tại ngay từ những ngày đầu của Cách mạng tháng 8 thành công, cho đến nay ngày càng phát triển. Về kinh nghiệm ở một số nước, Singapore có lực lượng phòng vệ dân sự, tham gia rất nhiều việc, như tự nguyện cấp cứu người bị thương, bị nạn; ở Trung Quốc có đại biểu nói rất đơn giản, nhưng thực ra ít nhất lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có ở 2 Bộ và một số các lực lượng khác. Ở Nga có 7 Bộ: Bộ An ninh, Tình báo, Cơ quan tình trạng khẩn cấp, Bộ Nội vụ...; ở Mỹ hàng chục cơ quan tham gia công tác này.

Trước cách mạng, chính quyền chế độ cũ cũng đã tổ chức từng thôn, xã có các điếm canh để các lực lượng này hoạt động. Chủ trương hiện nay là giao rất nhiều các công việc và thực hiện nhiệm vụ "4 tại chỗ", thì đây chính là một trong lực lượng rất quan trọng để thực hiện "4 tại chỗ" theo các quy định và phân cấp.

Có ĐB cho rằng, khi lực lượng này ra đời thì CAX sẽ lười biếng, công việc này sẽ dồn hết cho lực lượng này làm, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: "Đối với chúng tôi, lực lượng CA chưa bao giờ, chưa từng từ chối hoặc đổ trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội cho lực lượng khác, cũng không có ý xây dựng lực lượng này để lực lượng CA lười đi hay trốn tránh, từ chối trách nhiệm".

Theo Bộ trưởng, dự thảo luật này điều chỉnh chính với 3 lực lượng trên thực tế đang tồn tại phạm trên vi toàn quốc, có lịch sử, có các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Đối với lực lượng quần chúng tự quản, tự nguyện khác mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến toàn quốc hay nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức hoạt động của lực lượng này thì Chính phủ thấy rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng, toàn diện, cả về quy định cũng như thực tiễn để có đủ cơ sở quy định trong luật.

"Chúng tôi đưa vào luật lực lượng đã tồn tại, xác định nhiệm vụ pháp lý và quy định trong luật bởi nhiều hoạt động của lực lượng này động chạm đến quyền tự do dân chủ, quyền công dân, quyền con người theo quy định của Hiến pháp. Khi luật này ra đời không hạn chế trách nhiệm tổ chức, cá nhân các lực lượng khác tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Về vấn đề tăng chi phí mà ĐB băn khoăn, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, việc thống kê số liệu ở đây là theo quy định. "Ví dụ lực lượng dân phòng nếu chúng ta bố trí mỗi thôn, xóm phải có một đội 10 người thì con số rất lớn, khoảng 2 triệu người. Còn nếu điều chỉnh theo quy định của luật thì sẽ giảm, khoảng 500 người. Thực tế lực lượng dân phòng hiện nay chỉ chiếm khoảng 20%, do điều kiện này điều kiện khác chưa hình thành được. Tổng hợp lại, nếu so với luật quy định thì số người sẽ giảm hơn", Bộ trưởng Tô Lâm phân tích.

Trước đó, thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nhiều ĐB cho rằng lực lượng này đã và đang ở trong dân, đã và đang hoạt động ở cơ sở, đã và đang ở trong dân, đã và đang làm những công việc được điều chỉnh bởi văn bản dưới luật, phải tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo cho họ yên tâm, vững tâm hơn trong công tác.

Nêu con số lực lượng CAX chính quy hiện được Bộ CA triển khai đến 100% xã, tuy nhiên chỉ bố trí 5 CBCS, quá mỏng, không thể rải hết ở các địa bàn thôn xóm, xã phường, có lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ hỗ trợ, giúp CAX trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, làm công tác hòa giải trong dân...

Các ĐB cũng cho rằng, luật ra đời sẽ giúp CAX bán chuyên trách có điều kiện hoạt động rõ ràng.

Q.H