Bế mạc Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X: Thông qua nhiều nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển KT - XH trong tình hình mới
Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, chiều 8-12, Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự với nhiều nội dung quan trọng được xem xét quyết định.
Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam điều hành tại kỳ họp ngày 8-12.
Nhiều nội dung làm "nóng" nghị trường
Tại kỳ họp, trong sáng 8-12, đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành như: Tài nguyên - môi trường, Xây dựng, Y tế, VH-TT&DL cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã trả lời một số câu hỏi chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh. Trong đó nổi cộm một số vấn đề như: Nguyên nhân, giải pháp xử lý ngập cục bộ tại TP Tam Kỳ mỗi khi mùa mưa đến; việc chậm đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu gây nên nhiều hệ lụy; tình hình quản lý, cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản; việc chậm cấp giấy CNQSDĐ cho người dân; tình hình phục hồi, phát triển du lịch…
Đối với việc ngập thường hay xảy ra tại TP Tam Kỳ, ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Ngày 25-11 vừa qua, Sở Xây dựng đã phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt TP Tam Kỳ và vùng phụ cận". Tại hội thảo đã bước đầu đưa ra đánh giá về 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt cho Tam Kỳ, các vùng phụ cận và 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng này. Cụ thể, cần hạ thấp mực nước lũ trên sông Bàn Thạch đoạn chảy qua TP Tam Kỳ bằng cách nghiên cứu phân lũ ra các sông Trường Giang, sông Đầm; kiểm soát lũ từ lưu vực trũng phía Tây đổ qua cống Ông Dung vào hồ Duy Tân bằng cách nghiên cứu kiểm soát và chuyển hướng dòng chảy ra sông Tam Kỳ. Giải pháp thứ 3 là dự báo diễn biến ngập lụt TP Tam Kỳ và vùng phụ cận theo các kịch bản quy hoạch, biến đổi khí hậu và tình huống xả lũ khẩn cấp của hồ Phú Ninh.
Phát biểu làm rõ thêm vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cũng nhìn nhận, hệ thống thoát lũ của Tam Kỳ có những hạn chế, tỉnh sẽ nghiên cứu để có những giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài. UBND tỉnh sẽ sớm có đề tài nghiên cứu sâu để giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển, xử lý ngập lụt của đô thị tỉnh lỵ TP Tam Kỳ. Trong điều kiện nguồn lực khó khăn, tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư để thành phố phát triển xứng tầm, đủ điều kiện đạt chuẩn đô thị loại 1 như định hướng của Tỉnh ủy, Đảng bộ thành phố đặt ra.
Với những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực môi trường như quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản, chậm đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho hay, thời gian qua, Sở đã tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tham mưu cấp phép hoạt động khoáng sản phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, quy trình cấp phép đúng trình tự. "Trong năm 2021, Sở đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 27 đơn vị khai thác khoáng sản, phát hiện 14 đơn vị sai phạm như lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, khai thác ngoài diện tích được cấp phép, không lắp đặt trạm cân theo quy định, khai thác không đúng trình tự. Qua đó đã xử phạt và tham mưu tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 723 triệu đồng, truy thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng và buộc các đơn vị thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả"- ông Hà thông tin.
Về việc chậm đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu gây nên nhiều hệ lụy, ông Trần Thanh Hà cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có công văn lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh đối với 2 phương án thực hiện đề án đóng cửa mỏ theo đề xuất của Bộ TN&MT. Hiện tỉnh đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để tổ chức thực hiện việc đóng cửa mỏ. Trong thời gian chờ đợi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác vàng trái phép tại đây.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trả lời một số câu hỏi mà các đại biểu chất vấn.
Tập trung phục hồi, phát triển KT-XH
Chiều 8-12, phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam đánh giá: Tại kỳ họp này, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện tâm huyết, đầy trách nhiệm của các Ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, kỳ họp đã thông qua 29 nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022. Các nghị quyết vừa được thông qua có vai trò, vị trí quan trọng, tạo hành lang pháp lý để việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đảm bảo theo quy định của pháp luật, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh trong những năm đến.
Kỳ họp đã dành thời gian tổ chức phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ, tiến hành chất vấn đối với 4 Giám đốc Sở, có sự tham gia trả lời của các đồng chí Phó Chủ tịch UBND phụ trách trên các lĩnh vực. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi trên tinh thần xây dựng; được các đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, bám sát nhóm vấn đề gợi ý và tham gia tranh luận để làm rõ thêm những tồn tại, vướng mắc. UBND tỉnh, các cơ quan chức năng đã trả lời nghiêm túc, đi vào trọng tâm, trọng điểm, đồng thời đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian đến.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường cũng đề nghị, sau kỳ họp này, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH đã được HĐND tỉnh thông qua, nhằm giữ vững và phát huy hơn nữa những thành tựu của tỉnh đã đạt được trên các lĩnh vực, quyết tâm phục hồi lại đà tăng trưởng; trong đó nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo các nội dung trình kỳ họp chuyên đề dự kiến tổ chức trong tháng 1-2022. Đề nghị các Ban của HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường hoạt động giám sát, đảm bảo thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh; các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức nghiêm túc việc tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp và tiếp tục ghi nhận đầy đủ các ý kiến kiến nghị của cử tri. Đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh, các tổ chức đoàn thể phối hợp tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Tình trạng ngập lụt ở TP Tam Kỳ trong những năm qua được nhiều đại biểu quan tâm.
Theo người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, năm 2022 là năm được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh biểu quyết thông qua với chủ đề: "Kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội". Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển trong chặng đường sắp đến và những khó khăn, thách thức đang đặt ra trách nhiệm hết sức nặng nề. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, tạo nền tảng phát triển cho những năm tiếp theo.
"Trước bối cảnh dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, HĐND tỉnh đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không được để dịch bùng phát trở lại; đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành bám sát mục tiêu tăng trưởng, thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, tập trung phục hồi, phát triển KT-XH trong tình hình mới.
Đồng thời, tiếp tục tập trung triển khai nhiều biện pháp, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống trước những biến đổi khí hậu cực đoan, đặc biệt ở khu vực miền núi; chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng công nhân, những người lao động mất việc làm từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam về địa phương gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, thiên tai"- ông Phan Việt Cường nhấn mạnh.
TRẦN TÂN