Bền bỉ thực hiện văn hóa - văn minh đô thị
(Cadn.com.vn) - Chiều 19-1, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Đà Nẵng - Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã được các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đưa ra để xây dựng văn hóa, con người Đà Nẵng.
Có thể nói, chưa lúc nào vấn đề xây dựng văn hóa và con người lại được Đà Nẵng đặc biệt quan tâm như lúc này. Nhiều chỉ thị và chủ trương của thành phố đã được ban hành, nhằm cải thiện văn hóa, xây dựng nếp sống của người dân. Bởi so với sự phát triển nhiều mặt thì văn hóa, văn minh đô thị của Đà Nẵng chưa tương xứng. Chủ trương chọn năm 2015 là năm văn hóa, văn minh đô thị đã thể hiện quyết tâm của Đà Nẵng trong việc chấn hưng văn hóa, xây dựng nếp sống tốt hơn.
Tuy nhiên để làm được điều này, không hề đơn giản. Ông Bùi Xuân - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, việc thực hiện chủ trương này sẽ gặp nhiều khó khăn: đó là trình độ dân trí không đồng đều, người dân nhập cư có xu hướng tăng nhanh nên việc tiếp nhận chủ trương, chính sách chưa đồng đều. Nhận thức của một bộ phận người dân về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị còn hạn chế và có hiện tượng cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp còn thờ ơ.
“Qua kiểm tra thực tế 2 quận Hải Châu và Thanh Khê khi thực hiện Đề án nếp sống văn hóa, văn minh đô thị giai đoạn 2012-2015, nhiều nhóm hành vi như giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng, giữ gìn - bảo vệ môi trường, tổ dân phố không rác… đạt được những bước tiến rất đang mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những việc chưa thực hiện được như quảng cáo, rao vặt, tình trạng đổ xà bần, cỏ mọc um tùm ở các bãi đất trồng, đất dự án còn nhiều. Việc tổ chức tang lễ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân còn nặng nề yếu tố tâm linh, một số phường còn thiếu thiết chế văn hóa... Những nghiên cứu gần đây đưa ra nhận xét rằng, giữa văn hóa và văn minh đô thị ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng còn mang những hạn chế của nét văn hóa làng. Người dân vẫn còn thói quen sống ở làng quê với tính dân dã tùy hứng của thôn quê. Đó là những điều vẫn còn tồn tại trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị ở Đà Nẵng” - ông Bùi Xuân nói.
Nhiều người đặt câu hỏi, vậy văn hóa cụ thể, văn minh cụ thể của Đà Nẵng là gì? Đà Nẵng đã có đặc trưng văn hóa, văn minh đô thị chưa?
Không phủ nhận rằng Đà Nẵng đã dành được nhiều tình cảm của du khách khi đến mảnh đất này. Con người Đà Nẵng thân thiện, lịch sự, thành phố đẹp, sạch và khang trang... nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để Đà Nẵng thực sự là thành phố văn hóa, văn minh đô thị. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An đề cập: “Lâu nay, việc chỉnh trang đô thị của Đà Nẵng diễn ra rất nhanh, tuy việc xây dựng con người đô thị lại không tương xứng, điều đó khiến văn hóa, văn minh đô thị của Đà Nẵng còn nhiều hạn chế”.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, việc thực hiện năm văn hóa, văn minh đô thị không chỉ tập trung vào những mục tiêu lớn lao, mà cần phải làm thay đổi những hành vi nhỏ nhất của người dân như không vượt đèn đỏ, không vứt rác ra đường hay quảng cáo, rao vặt trái phép... Ông Phạm Phát - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng nói: “Chúng ta không thể có thành phố văn hóa, văn minh nếu như không xây dựng được con người văn hóa, điều đó cho thấy việc xây dựng con người, thay đổi hành vi của người dân là rất quan trọng”.
Còn ông Bùi Xuân thì nhìn nhận: “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị là quá trình phát triển tiệm tiến, lâu dài và bền bỉ. Bởi cốt lõi của văn hóa, văn minh là con người, vấn đề xây dựng con người. Vì vậy Đà Nẵng cần có kế hoạch, giải pháp, có chiến lược cho một thời kì và sách lược cho một giai đoạn, có chủ trương và chương trình hành động 10 năm hoặc 20 năm để thực hiện mục tiêu này”.
Hoàng Anh
Hội thảo về Năm văn hóa, văn minh đô thị năm 2015 do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức. Nhân dân trên địa bàn P. Thạch Thang (Hải Châu) tự nguyện góp kinh phí dựng hàng rào cây xanh trên các tuyến phố.