Bến đò - bến chợ vùng đất hai sông

Thứ năm, 23/04/2020 21:00

Đại Lộc - vùng đất nơi hai dòng sông chảy qua, đó là Thu Bồn và Vu Gia. Sông Thu Bồn được "định danh" từ bến Trà Linh (xã Hiệp Hòa, H. Hiệp Đức) trên Hòn Kẽm- Đá Dừng rồi bung xõa về xuôi. Sông Vu Gia chia làm hai nhánh, một nhánh về Giao Thủy, nhánh còn lại chảy qua Ái Nghĩa nối với sông Yên rồi đổ về Cẩm Lệ, tới sông Hàn (Đà Nẵng). Đại Lộc là vùng đất "hội thủy, hội duyên", nơi hai con sông lớn của đất Quảng tụ nhau tại Giao Thủy, đã gắn với những câu chuyện, những "trầm tích" văn hóa, những bến nước- bến đò quê hương… được truyền từ đời này sang đời khác.

Bến đò Phú Thuận - Thu Bồn.

Trước kia, giao thông đường bộ chưa phát triển, việc đi lại trên sông bằng những chuyến ghe bầu khắp các tỉnh miền Trung thường bắt đầu từ cửa biển lên non và ngược lại, muốn đi đến tỉnh khác phải vươn ra biển. Hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn qua Đại Lộc vừa ở thông lệ ấy, vừa do “tạo hóa” và do tiền nhân để lại, được lưu thông với các nơi trong vùng. Hầu hết các bến đò trên sông nước Vu Gia- Thu Bồn đều có điểm chung là bến đò ngang cũng là bến đò dọc, nằm trên tuyến giao thông quan trọng của các làng xã. Bến đò cũng gắn liền với bến chợ ven sông, một thời trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập như: Bến Dầu, Phú Thuận, Phường Đông, Hà Nha, Ái Nghĩa… hay bến Hội Khách tận đầu nguồn Vu Gia của Đại Lộc- nơi trao đổi hàng hóa giữa miền biển với miền ngược - gắn liền với câu ca quê xứ: "Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên"…

Đò xuôi từ Trung Phước- Đại Bình chừng vài chục phút là đến Bến Dầu nằm ở tả ngạn sông Thu, nay thuộc xã Đại Thạnh, H. Đại Lộc. Trong bài viết "Trên bến dưới thuyền…", nhà thơ - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Triều, chợ Bến Dầu hình thành từ cuối thế kỷ XIX, người sáng lập ra bến chợ là ông tổ họ Trần có tên úy là Xã Cẩn, làm lý trưởng vùng Bến Dầu thời ấy. Ngày ấy chợ đông buổi sáng thì buổi chiều cách đó không xa, phía cuối làng Phú Hanh, một bãi chợ khác có tên Bàu Toa cũng nườm nượp người qua lại bán buôn… Dẫn như vậy để thấy rằng, chợ Bến Dầu được thành lập cách đây hơn một thế kỷ, và cũng thấy rằng, Bến Dầu là bến đò- bến ghe thuyền đã hội cư vùng đất này từ sớm hơn. Các lâm thổ sản như chè An Bằng, dầu rái Phúc Khương, Thọ Lâm, Hữu Niên, Tây An, Khe Tân qua. Nhiều loại gỗ quý như: kiền kiền, lim, xoay, gõ, trai… từ nguồn dợ về để rồi từ chợ Bến Dầu này, các thương lái lấy hàng, lâm sản chở về tận Cửa Đợi, Cửa Hàn… Từ Bến Dầu bên sông Thu, dầu rái theo thương lái buôn bán một vùng rộng lớn Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Hội An…

Cách Bến Dầu không xa về phía hạ lưu là bến đò Phú Thuận- Thu Bồn. Cả hai bên bến đò đều là hai bến chợ cùng tên với làng là chợ Phú Thuận tại làng Phú Thuận, xã Đại Thắng, H. Đại Lộc và chợ Thu Bồn thuộc làng Thu Bồn, xã Duy Tân, H. Duy Xuyên. Theo truyền thuyết và những di chỉ văn hóa, bến Thu Bồn xưa kia là cửa ngõ dẫn vào Mỹ Sơn - kinh đô Chămpa xưa. Dấu tích còn lại là “con đường tượng đá” ở làng Thu Bồn ngày nay. Lễ hội Bà Thu Bồn còn lưu truyền, khôi phục và phát triển ngày nay cho thấy khu vực bến đò Phú Thuận- Thu Bồn chứa nhiều trầm tích văn hóa.

Bến đò Phú Thuận- Thu Bồn xưa kia là nơi tập kết hàng hóa và trung chuyển khách dọc ngang sông nước Thu Bồn. Những nông thổ sản từ thượng nguồn theo đò dọc xuống có chuối, mít, chè, khoai lang, dầu rái...; hàng hóa từ dưới xuôi lên có muối, mắm, tôm cá biển, chiếu Bàn Thạch... Sản vật của cư dân địa phương cũng phong phú đa dạng, có thể kể đến như nón lá Giảng Hòa, sản phẩm nghề đan đát mây tre Xuân Tây, Mỹ Nam... Nhờ lợi thế đường thủy mà chợ Phú Thuận buôn bán phát đạt, trở thành điểm giao thương quan trọng trong vùng. Từ chợ Phú Thuận, hàng hóa tỏa đi tám phương tứ hướng, phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. Buôn mau bán đắt, làm ăn thuận lợi giàu có mà cái tên Phú Thuận được người dân đặt cho bến đò- bến chợ nơi đây.

Từ bến Giao Thủy, nơi có nghề tằm tơ nổi tiếng của Đại Lộc và cả xứ Quảng, theo "con đường ghe buồm" ngược dòng Vu Gia khoảng mười cây số là đến bến đò - bến chợ Phường Đông thuộc xã Đại Phong. Theo Nguyễn Hải Triều, sở dĩ gọi là chợ Phường Đông vì tất cả thương lái đem hàng hóa đến đây trao đổi đều là người miệt xuôi, có cả người Hoa từ phía đông ngược thuyền buồm ghé bến. Chợ Phường Đông là trung tâm giao thương của cả vùng tây nam Đại Lộc thời bấy giờ. Từ đây, các thương khách men theo những con đường bộ, dùng ngựa thồ chở hàng hóa, sản vật cung cấp cho cư dân các vùng phía tây thượng nguồn Vu Gia như Lộc Thượng, An Điềm, Bãi Trầu, Hội Khách; hay đi qua Truông Chẹt rẽ về An Chánh, Bến Dầu, Phú Đa, Phường Rạnh… Qua chợ Phường Đông, ngược thuyền về phía tây, là đến đầu nguồn Vu Gia, vùng tiếp giáp giữa hai miền Kinh - Thượng. Gặp những tên đất Bãi Trầu, Hội Khách, nghe bao câu chuyện thú vị về những cuộc gặp gỡ, trao đổi buôn bán giữa người dân tộc thiểu số và khách miền xuôi. Thường thì chừng năm bữa, nửa tháng, những cư dân miền núi gùi những gùi trầu lá, cùng với các sản vật núi rừng khác đi bộ cả ngày đường đến đây đổi cho thương lái người Kinh lấy muối, mắm, gạo, và các thức tiêu dùng thường ngày. Các thương lái sau khi trao đổi hàng hóa với người Thượng, dong thuyền buôn đầy ắp lâm sản từ Bãi Trầu - Hội khách về ghé bến Hà Nha - Lam Phụng, nơi nhộn nhịp trên bến dưới thuyền trước khi xuôi mái chèo lui về phố thị, mang theo bao chuyện trên nguồn dưới biển...

Trên hành trình xuôi ra biển, vùng đất hai sông Đại Lộc có những bến đò- bến chợ với những câu chuyện đẹp. Đó không chỉ là chuyện làm ăn, sinh sống, học hành, chiến đấu… mà còn có cả chuyện yêu đương nên vợ nên chồng mang nhiều dấu ấn kỷ niệm của người ở bên này sông với người bên kia sông, của người đầu sông với người cuối sông. Chính vì thế mà những bến nước, con đò đã đi vào truyền thuyết, ca dao dân ca, gắn liền với ký ức của cư dân các làng quê sông nước Vu Gia - Thu Bồn. Những chuyến đò trên vùng đất hai sông ngày ngày vẫn qua lại, ngược xuôi, như con nước trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn vẫn miệt mài ra biển lớn. Trong tâm thức của mỗi người vẫn có nhắc nhớ về những bến đò với những buồn vui, khổ đau và hạnh phúc. Những câu chuyện ấy như phù sa mãi đắp bồi, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bao thế hệ con dân Đại Lộc đất Quảng miền Trung thân yêu.

THẠCH HÀ