Bệnh lé và cách chữa trị

Thứ ba, 14/04/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Lé là một hiện tượng bất thường trong sự phối hợp của 2 mắt khi thực hiện động tác nhìn. Trong phần lớn các trường hợp, con mắt bị lé tức là con mắt không nhìn vào vật tiêu, chúng ta chỉ nhìn bằng một mắt nên bị mất khả năng phân biệt không gian 3 chiều, sự xác định khoảng cách sẽ khó khăn hơn. Lé có thể là bẩm sinh, cũng có thể do thói quen, ngoài ra còn có thể do tổn thương dây thần kinh chi phối cho một hoặc nhiều cơ vận nhãn gọi là lé liệt - thường xuất hiện sau chấn thương hoặc bệnh lý thần kinh, mạch máu...

Lé là một bệnh có thể chữa được. Tuy nhiên, do thiếu thông tin nên hầu hết những người bị lé thường chấp nhận chịu cảnh “con thời đậu lại con thời bay đi”, cái nhìn thường thiếu tự tin và ít nhiều bị mặc cảm. Việc điều trị lé không chỉ đơn thuần là làm cho người bệnh hết lé để cải thiện về mặt thẩm mỹ mà quan trọng hơn là phục hồi thị lực và khả năng phối hợp thị giác 2 mắt.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ nhãn khoa sẽ áp dụng những phương pháp điều trị khác nhau, có thể từ việc điều chỉnh kính thích hợp, tập các bài tập đơn giản hoặc có thêm các phương tiện hỗ trợ, sau hết là bằng phẫu thuật can thiệp lên các cơ vận nhãn, phương pháp này rất an toàn và hiệu quả, tỷ lệ thành công cao.

Riêng đối với những trường hợp lé một mắt, việc phát hiện và điều trị sớm ở trẻ nhỏ là rất quan trọng vì đây là giai đoạn vừa phát triển vừa hoàn thiện chức năng thị giác của trẻ. Quá trình này sẽ kết thúc trước lúc trẻ lên 8 tuổi. Khi mắt lé bị “bất hoạt” về chức năng thị giác cũng có nghĩa là vỏ não thị giác cứng bị ức chế. Nếu vùng này bị ức chế liên tục sẽ dẫn đến hiện tượng mắt lé có thị lực rất thấp mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “nhược thị”. Nhược thị có thể tồn tại vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay nếu nghi ngờ bé bị lé để phòng tránh hiện tượng nhược thị.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Phương

(Khoa Mắt BV Đà Nẵng, ĐT tư vấn 0987.947.799)