Bệnh nhân có triệu chứng sốt cao ở Đà Nẵng không nhiễm virus Ebola

Chủ nhật, 02/11/2014 23:10

(Cadn.com.vn) - Chiều 2-11, Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến-Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết trường hợp bệnh nhân về Đà Nẵng từ tâm dịch Ebola (Guinea) có triệu chứng sốt cao đã có kết quả âm tính 100% với Ebola nên được loại bỏ tình trạng xử lý như bệnh nhân Ebola. Do trước đó bệnh nhân được Bệnh viện Đà Nẵng xét nghiệm với kết quả dương tính với ký sinh trùng sốt rét nên hiện tại được điều trị theo phác đồ điều trị sốt rét.

"Cuộc diễn tập lớn"

10 giờ 30 ngày 1-11, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân tên Chu Văn Chung (1988, quê Quảng Cát, Quảng Xương, Thanh Hóa) bị sốt có tiền sử đi từ vùng dịch Ebola (Guinea) về Đà Nẵng cách khi nhập viện 5 ngày nên nhanh chóng điện báo cho Sở Y tế TP. Nhận tin báo, lãnh đạo Sở Y tế đã nhanh chóng có mặt trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp cách ly, thu dung điều trị bệnh nhân đảm bảo quy trình của Bộ Y tế. Đến 11 giờ 30 cùng ngày, bệnh nhân chính thức được chuyển qua Bệnh viện Đà Nẵng để cách ly điều trị theo đúng kế hoạch phòng, chống dịch của ngành y tế.

Được biết, anh Chung sống và làm việc tại Guinea 2 năm nay. Cách đây 5 ngày, bệnh nhân về Việt Nam và nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Trong quá trình di chuyển, bệnh nhân có quá cảnh qua Ma-rốc và Qatar. Từ TPHCM về Đà Nẵng được 2 ngày thì anh Chung bị sốt... Qua thăm khám tại Bệnh viện Đà Nẵng ghi nhận bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, nhiệt độ 40,5 độ C, chưa phát hiện thêm các dấu hiệu đặc biệt. Đồng thời, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán: theo dõi sốt rét, chẩn đoán phân biệt sốt xuất huyết, sốt chưa rõ nguyên nhân trên bệnh nhân đi từ vùng dịch Ebola về.

Ngoài ra, Trung tâm y tế dự phòng thành phố tiến hành thực hiện xử lý môi trường tại các khu khám cách ly bệnh nhân: Bệnh viện Hoàn Mỹ, ô-tô chuyển bệnh nhân, Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng); thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và liên hệ với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để làm xét nghiệm. Đến 21 giờ 20 ngày 1-11, qua xét nghiệm ban đầu của Bệnh viện Đà Nẵng cho kết quả bệnh nhân Chu Văn Chung có kết quả dương tính với ký sinh trùng Sốt rét. Sáng 2-11, qua xét nghiệm Real-time PCR và PCR lần 1 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương,  bệnh nhân Chu Văn Chung có kết quả âm tính hơn 99% với Ebola. Đến 16 giờ ngày 2-11, kết quả xét nghiệm Real-time PCR và PCR lần cuối cùng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu rõ: Bệnh nhân âm tính 100% với virus Ebola.



Khu vực cách ly để theo dõi bệnh nhân Chung tại Bệnh viện Đà Nẵng.

BS Ngô Thị Kim Yến cho biết: Khi phát hiện bệnh nhân có triệu chứng sốt và là người trở về từ vùng tâm dịch, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện và đơn vị liên quan tiến hành công tác tiếp nhận, cách ly, thu dung và điều trị theo quy định một chiều của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tại ngành Y tế thành phố đã trang bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống bệnh do virus Ebola, đặc biệt là đồ bảo hộ cho nhân viên y tế.

Hơn nữa, đến nay  bệnh nhân đã có kết quả âm tính với Ebola nên người dân không phải lo lắng. Qua sự việc lần này, Sở Y tế xem như một cuộc diễn tập lớn trong công tác phòng, chống dịch Ebola trên địa bàn thành phố. "Để tránh dịch bệnh có thể nhiễm, người dân cần tuân thủ những thực hành vệ sinh cơ bản để phòng ngừa nhiễm virus Ebola như:  sau khi chạm vào người bị sốt nghi do Ebola và đồ dùng của họ thì nên rửa tay bằng xà phòng; nấu chín thật kỹ thức ăn có nguồn gốc từ động vật; bảo đảm vệ sinh và sinh hoạt cá nhân lành mạnh.

Khi có các biểu hiện như: sốt, đau đầu, nôn, tiêu chảy, xuất huyết cần báo ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời; người trở về từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế ở địa phương để được theo dõi...", bác sĩ Yến khuyến cáo.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam (Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng), hiện tại tình trạng bệnh nhân đã tiến triển rất khả quan. Tâm lý của bệnh nhân cũng ổn định sau khi công bố kết quả bệnh nhân âm tính với virus Ebola. Và bệnh nhân thích ứng với phác đồ điều trị bệnh sốt rét.

Trang phục bảo hộ của nhân viên y tế được trang bị đầy đủ.

Sẵn sàng ứng phó khi dịch xuất hiện

Trước tình hình trên địa bàn TP Đà Nẵng xuất hiện một trường hợp từ vùng dịch về, Bác sĩ Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế thành phố đã yêu cầu Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện nghiêm túc công tác cách ly, chẩn đoán và điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế đối với bệnh nhân. Đồng thời, thực hiện triệt để các biện pháp bảo hộ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để dịch bệnh lây lan cho cán bộ, nhân viên ngành Y tế trực tiếp tiếp xúc, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Ebola.

Đảm bảo đầy đủ công tác hậu cần phục vụ bệnh nhân đang được cách ly và cán bộ y tế túc trực tại khu vực cách ly của bệnh viện. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố khẩn trương tiến hành điều tra, xác định những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân kể từ khi bệnh nhân có dấu hiệu sốt, phối hợp với Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng xác định nhân viên y tế trực tiếp tiếp nhận, thăm khám và xét nghiệm máu của bệnh nhân, tiến hành ngay các biện pháp theo dõi đồng thời tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola cho những người nói trên.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thành phố phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM khẩn trương xác định các chuyến bay và hành khách ngồi gần bệnh nhân để phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng thành phố triển khai các biện pháp theo dõi đúng quy định. Ngoài ra, yêu cầu Bệnh viện Phụ sản - Nhi và các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng cơ sở điều trị, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất để cách ly, chẩn đoán điều trị cho người mắc bệnh do virus Ebola. Các đơn vị ngành Y tế tích cực và khẩn trương thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola và kịp thời đề xuất Sở Y tế các phương án và trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất phòng, chống dịch để Sở Y tế kịp thời giải quyết...

Qua vụ việc này, thiết nghĩ, để công tác phòng chống dịch bệnh Ebola tốt hơn trong thời gian tới, các ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa; các cửa khẩu cần tăng cường kiểm soát người đến từ vùng dịch; người về từ vùng dịch cần phải khai báo thật kỹ về tình trạng sức khỏe của mình để tránh ảnh hưởng đến bản thân và cộng đồng...

T.Dũng