Bí ẩn truyền thuyết mộ cụ Phan Đình Phùng

Thứ sáu, 22/01/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Người ta cho rằng, mặc dù thi hài cụ Phan Đình Phùng bị thực dân Pháp trộn với thuốc súng bắn xuống dòng sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh) để thị uy dân chúng, nhưng nhiều người vẫn vững tin rằng, đâu đó trên sông núi quê hương ngôi mộ của cụ Phan vẫn còn…

Ngày 28-12-1895, lãnh tụ Cần vương Phan Đình Phùng qua đời, hưởng dương 49 tuổi. Sự hy sinh của cụ Phan diễn ra trong khi cuộc chiến giữa nghĩa quân và giặc Pháp còn hết sức cam go, nhiều tướng lĩnh không chịu nổi đã ra đầu hàng triều đình, số khác chạy sang Xiêm (Thái Lan), những người còn lại tiếp tục chiến đấu cho đến khi hy sinh.   

Chính sử của ta, lúc đó hầu như dựa vào các tài liệu do thực dân Pháp cung cấp, chép rằng 10 ngày sau khi Phan Đình Phùng mất, quân của Nguyễn Thân bắt được một nghĩa quân cải trang thành dân thường có nhiệm vụ xuống đồng bằng để mua lương thực.  Bị tra tấn dã man, người lính ấy đã khai báo về cái chết của lãnh tụ Phan Đình Phùng và dẫn quân của Nguyễn Thân đi tìm mộ. Nguyễn Thân đã sai người đào mồ lên, bắt Tuần phủ Hà Tĩnh Phan Huy Quán làm biên bản khám nghiệm, sai người nhà ra nhận mặt rồi đốt thi thể, lấy tro trộn vào thuốc súng bắn xuống dòng sông La trước sự chứng kiến của đông đảo mọi người để thị uy.

Thế nhưng, từ lâu trong làng quê Tùng Ảnh, H. Đức Thọ (quê hương Phan Đình Phùng) vẫn lưu truyền câu chuyện về bí mật mộ cụ Phan, tiết lộ một sự thực khác hẳn so với những thông tin mà sách vở cung cấp. Những chuyến điền dã của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã cho thấy những nhận thức mới mẻ về cuộc khởi nghĩa, về các tướng lĩnh nghĩa quân.

Theo nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, nhân dân Tùng Ảnh và nhiều vùng khác từ lâu vẫn cho rằng, Nguyễn Thân đã bị một vố đau khi mà cái xác mà hắn hủy hoại không phải là xác cụ Phan Đình Phùng, còn thi hài cụ được người dân Đông Thái, Tùng Ảnh đang đêm lẻn đến đánh tráo được mang về chôn ở rú Son (Châu Phong) thuộc địa phận của xã Tùng Ảnh. Hiện nay ngôi mộ ấy vẫn còn... Tuy nhiên, vì các nhân chứng đã qua đời quá lâu, nên cho đến nay, tung tích của ngôi mộ vẫn đang bao bọc trong một làn sương khói huyền ảo. Còn ngôi mộ hiện nay được xây cất trang trọng ở làng Tùng Ảnh, có văn bia của Giáo sư-Viện sĩ Trần Huy Liệu thì không có hài cốt.

Khu di tích cụ Phan Đình Phùng. 

Ông Phan Văn Thắng, quê ở Tùng Ảnh, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ An cho biết: Hiện nay vẫn có một truyền thuyết cho rằng mộ cụ Phan Đình Phùng vẫn còn, bởi vì những sử sách trước đây chỉ dựa vào tài liệu do thực dân Pháp cung cấp, nên bao giờ cũng chỉ cung cấp những thông tin có lợi cho họ. Còn theo những tài liệu của Giáo sư Lê Thước (1891-1976) quê ở làng Trung Lễ là cháu cụ Phan Đình Phùng cũng không hề nói đến chi tiết xác cụ Phan bị hỏa  thiêu, do đó khả năng mộ cụ Phan còn là rất lớn. Tài liệu “Hà Tĩnh Ất Dậu ký”, sử liệu chép tay bằng chữ quốc ngữ của dòng họ Lê ở Trung Lễ do Giáo sư Phan Quang mới sưu tầm được, có độ tin cậy cao cũng không thấy nói đến chi tiết thi hài cụ Phan bị hỏa thiêu. 

Có ý kiến cho rằng việc tung tin xác cụ Phan đã bị hỏa  thiêu để gia tộc cụ được yên ổn là chủ ý của Hoàng Cao Khải, con người có những mối quan hệ thân thiết và vốn có lòng kính trọng cụ Phan. Phải chăng, nghĩa quân đã lập kế “ve sầu thoát xác” và người nghĩa quân khai ra ngôi mộ kia chỉ giả vờ bị bắt mà thôi?

 Chân dung cụ Phan Đình Phùng

Nhân dân cho rằng nghĩa sĩ kia tên là Cố Nhàn quê ở Hương Thọ, Hương Khê (nay thuộc H. Vũ Quang), một người mưu trí, can đảm, đã đảm nhận trọng trách trá hàng theo “khổ nhục kế” của Hoàng Cái thời Tam quốc để dẫn kẻ thù đi đào một ngôi mộ khác. Lúc ấy những tướng lĩnh tài ba, đầy mưu trí và tuyệt đối trung thành như Nguyễn Mục, Nguyễn Quýnh (Tán Quýnh), Nguyễn Khai, Cao Đạt... chắc chắn đã có sự chuẩn bị chu đáo, không thể để cho kẻ thù tìm được mộ một cách dễ dàng như vậy. Núi Quạt là vùng núi cao hiểm trở, nghĩa quân có nhiều người hy sinh, việc lập kế chôn cất càng dễ dàng.       

 Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, dù sao Nguyễn Thân cũng là một nhà nho, từng học qua đạo lý thánh hiền và vẫn kiêng nể uy danh Phan Đình Phùng (khi kéo quân ra đàn áp nghĩa quân, trong nửa năm, Nguyễn Thân không hề triển khai một trận giao chiến trực diện nào) và chắc hẳn còn chưa quên hết đạo nghĩa, nên dù biết thi hài tìm được không phải là của Phan Đình Phùng, Nguyễn Thân cứ giả vờ như không biết, vẫn tổ chức thiêu hủy để làm vừa ý quan thầy, coi như giữ lại một chút âm đức về sau.   

Một sử liệu khá nổi tiếng là cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim cũng cung cấp một thông tin khá phù hợp với những truyền thuyết mà chúng tôi sưu tầm được. Theo đó, Trần Trọng Kim viết: “Ông Phan Đình Phùng lúc bấy giờ tuổi đã già, mà thế lực mỗi ngày một kém, lại phải nay ẩn chỗ này, mai chạy chỗ kia, thật là lao khổ vô cùng, bởi vậy khi Nguyễn Thân đem quân ra đến Hà Tĩnh, thì ông đã phải bệnh mất rồi. Nguyễn Thân sai người đuổi đánh tìm thấy mả, đào lấy xác về xin người Pháp cho đem đốt lấy tro trộn với thuốc súng mà bắn đi. Có người nói rằng việc ấy tuy Nguyễn Thân trước định thế, nhưng sau lại cho đem chôn, vì muốn để làm cái tang chứng cho đảng phản đối với chính phủ Bảo hộ là quan Đình Nguyên đã mất rồi. Từ đó đảng Văn thân tan vỡ; ai trốn mất thì thôi, ai ra đầu thú thì phải về kinh chịu tội”. 

Trần Trọng Kim là một nhà sử học nổi tiếng, làm việc rất thận trọng, khách quan, vì vậy, đây là một giả thuyết rất đáng lưu tâm.

Những truyền thuyết và giai thoại xung quanh cuộc kháng chiến của cụ Phan Đình Phùng vẫn còn rất nhiều, đặc biệt những câu chuyện liên quan đến cái chết và ngôi mộ cụ Phan đây đó vẫn còn được truyền tụng...

Bài, ảnh: V.Tuân - Quang Đại