Bi - hài từ thế giới ảo đến đời thực

Thứ ba, 06/10/2015 10:34

* Bài 1: “Dở khóc dở cười” với mua, bán hàng trên mạng

(Cadn.com.vn) - Với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là mạng Internet đã làm thay đổi rất lớn cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, từ thế giới ảo đến đời thực cũng có nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt”.

“Thượng đế” bị lừa

Thực tình mà nói, việc bán hàng qua mạng Internet hiện nay phát triển rất mạnh đã giúp ích rất nhiều cho hàng hóa lưu thông, giúp người mua và người bán dễ tiếp cận nhau hơn. Chỉ cần một chiếc laptop hay một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) loại đơn giản nhất, có kết nối với mạng Internet thì người dùng có thể mua bất cứ hàng hóa ở quốc gia nào trên thế giới. Về phương thức thanh toán cũng phong phú như thanh toán trước, nhận hàng sau hoặc nhận hàng rồi thanh toán tiền nên cũng tạo thuận lợi cho nhiều người, nhất là những người không có nhiều thời gian lựa chọn đồ tại các siêu thị, chợ truyền thống. Các địa chỉ bán hàng qua mạng cũng chứng tỏ uy tín bằng chất lượng hàng hóa và cung cách phục vụ nhưng cũng không ít trường hợp kinh doanh theo kiểu chụp giật, chỉ chú trọng lợi nhuận trước mắt nên đã nảy sinh nhiều câu chuyện hài hước.

Vài tuần trước, chị Hoài Thu (trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) vào trang facebook cá nhân thì thấy một tài khoản facebook khác rao bán một số váy công sở khá đẹp mắt, giá rẻ hơn so với thị trường. Nhìn hình ảnh cô người mẫu mang chiếc váy trông rất đẹp, phù hợp với những người làm công sở như mình nên chị Thu đăng ký mua 2 chiếc váy với tổng số 450.000 đồng, chuyển trước một nửa và khi nhận hàng sẽ trả số còn lại. Sau gần 1 tuần chờ đợi, cuối cùng hàng cũng đến tay chị Thu. Vui vì nhận được món hàng đã chọn nên chị vui vẻ đưa số tiền còn lại cho người giao hàng rồi vào nhà để thử váy. Cái thứ nhất có vẻ rộng hơn mong đợi và chất liệu không được đẹp như hàng trưng bày trên mạng. Thử đến cái thứ hai thì chị quá thất vọng bởi “quảng cáo chỉ là quảng cáo”. Bức xúc vì bị mua “hớ”, chị Thu lên mạng nhắn lại cho cô chủ shop ở tận TPHCM thì cô chủ ấy nhắn lại: “Chị thông cảm, hàng bên em bán lúc nào cũng chuẩn hết chị à. Mà trước khi mua chị cũng đã chọn kỹ càng rồi bên em mới chuyển hàng chứ có phải em tự chuyển đâu”. Đến đây, chị Thu cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” rồi đem cất 2 chiếc váy coi như bài học cho mình...

Hình ảnh chiếc áo khoác do người mẫu mặc quảng cáo (trái) và hình thực
khi đến tay khách hàng (phải). Ảnh: Internet

Chủ shop online cũng bị lừa

Người mua phải hàng nhái, hàng giả, không đúng mẫu mã, kiểu dáng như rao bán là một chuyện, nhưng cũng có chủ shop online mất tiền oan vì quá tin vào khách hàng mà sự việc của chị Nguyễn Thị Oanh (trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) là một ví dụ. Chuyện là ngoài công việc giảng dạy ở một trường cấp 1 tại Q. Thanh Khê, để có thêm thu nhập, chị Oanh tìm kiếm một số mối hàng rồi mở shop online bán hàng (qua mạng xã hội facebook).

Qua thời gian kinh doanh, chị bắt đầu có thêm khoản thu nhập kha khá nên rất mừng. Tuy nhiên, một này nọ, có một người quen nhắn tin đến mua quần áo, váy với số tiền gần 3 triệu đồng. Tin là bạn mua hàng thật nên chị Oanh nhanh chóng chuyển số hàng qua bưu điện và nhắn số tài khoản để bạn chuyển tiền. Đợi lâu ngày không thấy chuyển tiền, chị Oanh tìm cách liên lạc thì địa chỉ facebook của bạn không trả lời, gọi điện thoại cho bạn thì mới tá hỏa là vài ngày trước bạn của Oanh bị hacker lấy trộm nick rồi đóng giả bạn để mua hàng.

Ông bưu tá lãnh đòn

Không liên quan đến câu chuyện mua bán hàng hóa trên mạng, nhưng đối với ông H.V.N (1967, trú P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng), nhân viên bưu tá Bưu Điện Đà Nẵng 2 (đóng tại đường Nguyễn Lương Bằng, Q. Liên Chiểu) thì câu chuyện cách đây hơn nửa năm là một kỷ niệm khó quên. Số là khoảng giữa tháng 1-2015, ông N. được phân công đưa bưu phẩm là một chiếc áo khoác nữ từ Cty TNHH TMDV S.P (Q. Tân Bình, TPHCM) đến cho chủ một quán nhậu trên đường Hồ Tùng Mậu (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu). Đây là sản phẩm bà C. - chủ quán nhậu mua qua mạng theo phương thức chuyển chậm COD - phát và thu tiền tận nơi. Theo quy định hợp đồng của đơn vị bán hàng với bưu điện thì khi vận chuyển hàng đến cho khách, nhân viên bưu điện phải thu tiền trước rồi khách hàng mới được mở. Mặc dù ông N. đã giải thích rất kỹ về phương thức này nhưng một số người trong quán không đồng ý, đòi mở sản phẩm ra xem trước rồi mới trả tiền.

Ông N. giải thích rằng ông là nhân viên bưu điện, chỉ thu hộ đơn vị bán theo thỏa thuận nên nếu không mua sản phẩm thì trả lại để bưu điện trả về cho người bán, tuy nhiên phía người của bà C. không chịu và mở hàng ra xem trước. Thấy hàng không được như sản phẩm quảng cáo, họ chửi bới ông N. là đồ lừa đảo rồi lao vào đánh đập túi bụi. Bức xúc trước sự việc trên, một số người dân gọi điện báo cho CAP Hòa Minh. CAP Hòa Minh đến hiện trường giải quyết và đưa ông N. vào Bệnh viện Q. Liên Chiểu cấp cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị. Sau khi làm việc với cơ quan CA, bà C. nhận sai về mình và xin được bồi thường tiền thuốc men trong thời gian ông N. nằm viện...

Mặc dù chỉ là người chuyển hàng theo yêu cầu nhưng ông N. đã bị đánh đến bầm dập,
phải nằm viện để điều trị nhiều ngày.

Phải nhìn nhận một thực tế rằng, đa phần những người kinh doanh đều muốn sản phẩm của mình bán chạy, giữ uy tín với khách hàng để công việc kinh doanh ngày càng phát triển. Tuy nhiên, vì hàng hóa hiện được bày bán trên mạng chủ yếu lấy từ những hình ảnh copy, không rõ nguồn gốc xuất xứ... nên người mua cũng chẳng phân biệt được. Ngoài những câu chuyện về mua bán hàng hóa không đúng chủng loại, mẫu mã sản phẩm hoặc hình ảnh khác hẳn so với quảng cáo thì những câu chuyện bi hài như trên diễn ra như cơm bữa... và nó đòi hỏi mỗi người tiêu dùng cần thông thái, chọn cho mình những địa chỉ tin cậy khi mua sản phẩm qua mạng.

Nguyễn Tuấn
(còn nữa)