Bí mật giấu kín 25 năm của người ngư dân gốc miền Trung

Thứ sáu, 26/04/2019 08:30

Bị tuyên phạt 20 năm tù, trong một đêm mưa gió 25 năm trước, phạm nhân Lý Quả (1962, nguyên quán H. Bình Sơn, Quảng Ngãi) cưa song sắt vượt trại giam, trốn vào một làng chài ở vùng biển xã đảo An Sơn (H. Kiên Hải, Kiên Giang). Tại đây, Lý Quả đổi tên thành Lý Hùng tiếp tục sống cuộc đời của một ngư dân miền biển. Những tưởng 25 năm ngụp lặn sóng gió miền biển cực Nam sẽ che lấp được quá khứ tội lỗi của một tên cướp, nhưng không...

Sau 25 năm lẩn trốn, tên cướp trốn khỏi nơi giam giữ Lý Quả đã bị bắt giữ.

Băng cướp “khét tiếng” một thời

Từ nhỏ, Lý Quả đã nhiễm thói đua đòi, ăn chơi, trong quãng thời gian từ 15 đến 18 tuổi, Quả gây ra nhiều vụ trộm cắp, cướp tài sản. Bị bắt, Quả bị đưa đi cải tạo 9 năm tại trại giam Kim Sơn (Bình Định). Tại đây, y kết thân với 1 phạm nhân khác là Nguyễn Ngọc Anh. Sau thời gian chấp hành án, vẫn bản chất lưu manh, không chịu hối cải, Quả và Anh câu kết lập băng cướp với 10 đối tượng có tiền án, tiền sự. Nhóm đối tượng này do Nguyễn Ngọc Anh cầm đầu đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp, cướp tài sản táo bạo. Chỉ trong thời gian ngắn, băng cướp này gieo rắc nỗi sợ hãi ở nhiều địa phương thuộc 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên.

Băng cướp do Anh và Quả cầm đầu cực kỳ manh động, chúng sẵn sàng ra tay tàn độc để cướp tài sản. Vào khoảng 2 giờ một ngày đầu tháng 9-1989, Lý Quả cùng 3 đối tượng trong băng cướp đi đến dốc An Trung (địa phận Phú Yên) thì phát hiện ô-tô do anh Nguyễn Văn Hữu điều khiển đậu bên đường. Bọn chúng tiếp cận, đập vỡ kính mở cửa xe rồi cướp túi xách bên trong có 1,3 triệu đồng. Khi anh Hữu tìm cách ngăn chặn, Quả dùng gậy sắt đánh vào vùng mặt, đầu khiến nạn nhân bị thương nặng. Cũng sau đó, bọn chúng đã thực hiện trót lọt một vụ cướp 1 triệu đồng của Xí nghiệp chăn nuôi Trà Bá tại TX Pleiku (tỉnh Gia Lai – Kon Tum thời bấy giờ).

Chỉ trong thời gian từ tháng 7 đến 10-1989, băng cướp của Nguyễn Ngọc Anh và Lý Quả đã gây ra 23 vụ trộm, cướp lấy đi số tài sản và tiền trị giá hàng chục triệu đồng. Với thủ đoạn lợi dụng đêm tối, băng cướp này chia thành từng nhóm đi trên tuyến QL1A và QL19. Khi phát hiện các chủ phương tiện dừng xe bên đường, ở khu vực đèo dốc, thưa dân cư, chúng tiếp cận gây án. Trước sự manh động, liều lĩnh của băng cướp này, CA tỉnh Bình Định đã lập chuyên án đấu tranh, trấn áp. Đến cuối năm 1989, băng cướp bị triệt phá, Lý Quả bị tuyên phạt 20 năm tù và chấp hành án tại Trại giam Gia Trung (Gia Lai).

Thế nhưng, với bản tính liều lĩnh, manh động, sau 4 năm thi hành án Lý Quả đã tìm cách bỏ trốn khỏi nơi cải tạo. Vào tối 25-9-1994, lợi dụng trời mưa to, Quả cùng 1 phạm nhân khác cưa song sắt bỏ trốn. Một thời gian dài sau đó, Trại giam Gia Trung đã tích cực phối hợp với các lực lượng, đơn vị chức năng liên quan truy bắt tên cướp “khét tiếng” Lý Quả cũng như ra lệnh truy nã y. Thế nhưng, vào thời điểm đó, do có nhiều khó khăn, hạn chế về phương tiện, lực lượng khiến việc truy theo dấu vết của y ngày càng mờ dần. Dù vậy, hồ sơ về tên cướp bỏ trốn khỏi nơi giam giữ Lý Quả vẫn được lưu giữ.

Bí mật của người ngư dân miền Trung

Thực hiện mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc vào tháng 11-2018, Công an Trại giam Gia Trung đã xây dựng kế hoạch, tiếp tục tổ chức xác minh, truy bắt các đối tượng truy nã. Hồ sơ về tên cướp bỏ trốn khỏi nơi giam giữ Lý Quả được lật lại. Từ sự hỗ trợ của Công an các địa phương cùng công tác nghiệp vụ, lực lượng Công an Trại giam Gia Trung dần nắm được đầu mối về danh tính của Lý Quả.

Ngày 9-4, tổ công tác Công an Gia Trung có mặt tại xã đảo An Sơn (H. Kiên Hải, Kiên Giang) khi nơi đây có 1 ngư dân với tên gọi Lý Hùng (còn gọi là: Hùng sida) có nhiều đặc điểm nhận dạng với Lý Quả. Ngư dân Lý Hùng rất giỏi nghề biển, đã có vợ và 2 đứa con sinh sống tại đây. Tại địa phương, Hùng có mối quan hệ hòa đồng với mọi người và không vi phạm pháp luật. Thế nhưng, dù đã sinh sống lâu năm ở đây nhưng ngư dân này không có đăng ký cư trú và không có CMND. Qua rà soát, xác minh, các trinh sát của Công an Gia Trung dần khẳng định Lý Hùng chính là Lý Quả.

Phương án bắt giữ kẻ truy nã được lãnh đạo Công an Gia Trung lên phương án tỉ mỉ. Bởi vị trí đặc thù là xã đảo và xung quanh rất nhiều đảo lớn, nhỏ cũng như ngư dân vùng này thường đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi kéo dài cả tháng trời mới trở về. Với một tên cướp liều lĩnh và manh động như Lý Quả, chỉ cần “đánh hơi” được là y dễ dàng bỏ trốn bằng đường biển và với nhiều đảo xung quanh, việc truy bắt y sẽ càng gặp khó khăn hơn.

Sau khi dự lường tình huống có thể xảy ra, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Đình Ba- Giám thị Trại giam Gia Trung, các trinh sát đã áp dụng biện pháp nghiệp vụ, đưa đối tượng về UBND xã An Sơn làm việc. Vừa bước chân vào phòng, một trinh sát nghiêm giọng: “Lý Quả, mời anh ngồi xuống”. Gương mặt của ngư dân Lý Hùng chợt xám lại, môi mấp máy: “Anh nhầm rồi, tôi là Lý Hùng” rồi vội quay đầu bỏ ra ngoài. Ngay lập tức, trinh sát áp sát đưa y quay trở lại.

Dù đã 25 năm qua, nhưng trước các chứng cứ sắc bén và kinh nghiệm của các trinh sát nhiều lần bắt đối tượng truy nã, 1 tiếng đồng hồ sau, Lý Hùng đã cúi đầu thừa nhận y chính là tên cướp vượt ngục bỏ trốn khỏi nơi giam giữ vào năm 1994 Lý Quả. Y khai nhận, sau khi bỏ trốn khỏi Trại giam Gia Trung, y lẩn trốn nhiều nơi. Từng lớn lên ở huyện vùng biển nên y đã đến xã đảo An Sơn này sinh sống trong vai một ngư dân hiền lành nhằm che đậy những hành vi vi phạm pháp luật của mình.

MINH TÂN