Bí mật từ những chiếc xe phân khối lớn

Thứ năm, 23/08/2018 20:00

Cuối năm 2017, lực lượng CA tỉnh Phú Yên phát hiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện khá nhiều xe máy phân khối lớn hiệu Suzuki Sport và Suzuki Satria, gắn BKS giả do một số thanh thiếu niên sử dụng. Đáng lưu tâm hơn là trong số này, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự về hình sự, ma túy, có biểu hiện tụ tập đua xe trái phép, gây mất ANTT. Làm sáng tỏ những nghi ngờ này được lãnh đạo CA tỉnh Phú Yên giao cho các phòng chức năng, trong đó chủ công là Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT).

Các bị cáo tại tòa.

Khẩn trương xác minh nguồn gốc số xe trên, các trinh sát, điều tra viên (TS, ĐTV) phát hiện nhiều điểm bất thường ở chỗ, hầu hết các xe trên đều có nguồn gốc không rõ ràng. Thêm nữa, những xe này được mua bán, giao dịch qua các trang mạng xã hội, đều có BKS và giấy đăng ký chính chủ nhưng giá rất rẻ so với giá thị trường. Phân tích, tổng hợp tài liệu TS, ĐTV thu thập, lãnh đạo Phòng CSKT nhận định, có đường dây tổ chức lắp ráp, tiêu thụ xe phân khối lớn, sử dụng giấy tờ giả, BKS nên đã nhanh chóng xác lập Chuyên án 917T để đấu tranh, triệt phá. Sau thời gian mật phục, CQĐT CA tỉnh Phú Yên xác định “xưởng” lắp ráp, tiêu thụ xe máy trái phép này là của Thiều Minh Hoàng (1995, trú xã Ea Ly, H. Sông Hinh, Phú Yên). Ngày  15-10, Phòng CSKT phối hợp với các đơn vị liên quan, CAH Sông Hinh, CATP Tuy Hòa kiểm tra tiệm sửa xe của Hoàng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 10 mô-tô hiệu Suzuki Sport, Suzuki Satria sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe và BKS đăng ký giả, 13 BKS giả chưa gắn vào xe,  6 giấy chứng nhận đăng ký xe giả và phụ tùng, dụng cụ lắp ráp xe... Mở rộng chuyên án, CQĐT tiếp tục bắt thêm đồng bọn của Hoàng là Lương Công Hi (1995, trú P. 9, TP Tuy Hòa, Phú Yên), Lê Khắc Thông (1990, trú P.4, Q.4, TPHCM).

Tại CQĐT, các đối tượng khai nhận: Thiều Minh Hoàng hành nghề sửa chữa xe máy ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly. Có nghề trong tay, từ tháng 7 đến 10-2017, Hoàng đã mua 19 bộ phụ tùng xe máy không rõ nguồn gốc về lắp ráp thành 19 xe máy mang nhãn hiệu Suzuki Sport, Suzuki Satria; đồng thời mua thêm 4 xe máy có nguồn gốc hợp pháp về tiêu thụ. Hoàng sử dụng mạng xã hội facebook rao bán xe, cam kết với khách hàng, xe tự lắp ráp nhưng giấy chứng nhận đăng ký xe và BKS là thật. Khi có người mua xe, Hoàng yêu cầu khách hàng đặt tiền cọc và cung cấp thông tin cá nhân để làm BKS và giấy tờ xe. Sau đó, Hoàng đặt Lê Khắc Thông làm giả BKS và giấy tờ xe theo những thông tin do Hoàng cung cấp để bán xe. CQĐT làm rõ, Hoàng đã lắp ráp, sửa chữa thành 23 máy loại Suzuki Sport, Suzuki Satria, Yamaha Z125R, sử dụng 23 bộ giấy chứng nhận đăng ký xe giả, BKS mua của Thông, Hi và một số đối tượng (không rõ lai lịch) để bán 21 chiếc, thu lợi bất chính hơn 39,5 triệu đồng.

Một số xe máy do Hoàng lắp ráp, sử dụng BKS, giấy tờ giả được CQĐT thu giữ.

Với thủ đoạn tương tự, Lương Công Hi đã mua 13 mô-tô nguyên chiếc và 4 bộ phụ tùng mô-tô không có nguồn gốc hợp pháp về thuê thợ làm mới, lắp ráp thành 17 mô-tô loại Suzuki Sport, Suzuki Satria, đồng thời sử dụng 18 bộ giấy chứng nhận đăng ký xe giả, BKS giả mua của Thông để bán 17 chiếc xe, thu lợi bất chính 21,3 triệu đồng. Hi biết rõ Hoàng sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe giả, BKS giả do mình bán để lừa dối các cá nhân tiêu thụ mô-tô Suzuki Sport, Suzuki Satria không có nguồn gốc hợp pháp, thu lợi bất chính nhưng vẫn thống nhất thực hiện. Riêng Thông đã nhận làm và bán cho Hoàng và Hi 36 bộ giấy chứng nhận đăng ký xe giả, biển số giả để giúp Hoàng, Hi lừa dối các cá nhân tiêu thụ mô-tô Suzuki Sport, Suzuki Satria không có nguồn gốc hợp pháp, thu lợi bất chính 36 triệu đồng.

Ngày 31-5-2018, VKSND tỉnh Phú Yên đã ra cáo trạng truy tố ra trước TAND tỉnh để xét xử Hoàng, Hi và Thông về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Mới đây, TAND tỉnh đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên xử, các bị cáo Hoàng, Thông và Hi đều thừa nhận hành vi của mình như cáo trạng truy tố. HĐXX nhận thấy: “Vì lợi ích cá nhân, các bị cáo đã cố tình phạm tội. Hành vi của bị cáo làm giả giấy tờ xe để thu lợi bất chính là nguy hiểm cho xã hội, không chỉ gây thiệt hại cho nhiều người dân, mà còn ảnh hưởng đến ANTT địa phương. Do đó cần phải có bản án nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung”. Căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo, HĐXX tuyên phạt Lê Khắc Thông 4 năm 6 tháng tù, Lương Công Hi 4 năm tù và Thiều Minh Hoàng 3 năm 6 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Riêng bị cáo Hi còn bị tổng hợp hình phạt 1 năm 3 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” trước đó của TAND TP Tuy Hòa nên tòa buộc bị cáo Hi phải chấp hành hình phạt chung là 5 năm 3 tháng tù. Ngoài ra, HĐXX tuyên phạt bổ sung mỗi bị cáo 10 triệu đồng.

B.T