Bị tuyên tử hình, Trương Mỹ Lan còn cách nào để được giảm án xuống chung thân?

Thứ tư, 04/12/2024 07:50

Sau gần một tháng xét xử và nghị án kéo dài hơn so với kế hoạch xét xử, ngày 3-12, TAND Cấp cao tại TP HCM tiến hành tuyên án phúc thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 bị cáo đồng phạm có đơn kháng cáo trong giai đoạn 1 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên y án tử hình.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên y án tử hình.

Bị cáo Trương Mỹ Lan chưa đủ điều kiện giảm án tử hình theo Điều 40 Bộ Luật Hình sự.

Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội: “Tham ô tài sản”; 20 năm tù về tội: “Đưa hối lộ” và 20 năm tù về tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Phiên tòa phúc thẩm diễn ra từ ngày 4-11-2024 đến 3-12, để xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo đồng phạm trong vụ án. Bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo vì cho rằng bản án sơ thẩm tuyên đối với mình là quá nghiêm khắc. Trong phần tự bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan cũng như quan điểm của các luật sư bào chữa cho nữ bị cáo cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện một hành vi xuyên suốt nhưng khi truy tố, xét xử lại tách ra thành 2 tội danh gây bất lợi cho bị cáo. Các khoản dư nợ vay trước và sau thời điểm 1-1-2018 xuất phát từ đâu và tính xác thực của số liệu quy buộc Trương Mỹ Lan chiếm đoạt và gây thiệt hại.

Căn cứ vào kết quả điều tra, thẩm vấn tại hai phiên tòa, HĐXX nhận định bị cáo Trương Mỹ Lan với vai trò cổ đông lớn chiếm 91,5% cổ phần và có quyền hạn cao nhất tại SCB. Bị cáo Lan đã chỉ đạo, bố trí các bị cáo khác trong SCB để điều hành, rút tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thiệt hại cho SCB.

Hành vi của bị cáo thực hiện trong thời gian dài mà chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, trong đó, thời điểm trước ngày 1-1-2018 (thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực) không quy định về tội: “Tham ô tài sản” trong doanh nghiệp tư nhân mà đủ dấu hiệu cấu thành tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Đối với hành vi xảy ra sau ngày 1-1-2018, bị cáo Lan được xác định có quyền hạn trong khi đã chỉ đạo một số bị cáo khác vận chuyển một phần số tiền giải ngân về chỗ ở, chỗ làm việc của bị cáo để sử dụng nên hành vi của bị cáo Lan đã đủ yếu tố cấu thành tội: “Tham ô tài sản”.

HĐXX nhấn mạnh, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan gây ra đặc biệt nghiêm trọng; là người chủ mưu, đưa ra chủ trương cho các bị cáo khác thực hiện, cùng một lúc gây ra 3 hành vi phạm tội, gây mất an ninh tiền tệ quốc gia. Hậu quả của vụ án đặc biệt lớn, số tiền tham ô lớn chưa từng có và không biết khi nào mới khắc phục được, ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội, thị trường tài chính, kinh tế.

Cũng theo HĐXX, dù được ghi nhận có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Trương Mỹ Lan chưa đáp ứng đủ điều kiện để giảm án tử hình theo quy định tại Điều 40 Bộ Luật Hình sự đối với tội danh: “Tham ô tài sản”. Do đó, HĐXX TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội: “Tham ô tài sản”; y án 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 16 năm tù (giảm 4 năm tù so với án sơ thẩm) về tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Tuy nhiên, theo HĐXX nếu sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mà bị cáo Lan vẫn tích cực khắc phục 3/4 tài sản tham ô thì sẽ được chuyển từ tử hình xuống chung thân. Cụ thể, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ đồng nếu tính theo tỷ lệ 3/4, bị cáo phải giao nộp 280.000 tỷ đồng thì mới có cơ sở đề nghị giảm mức án tử hình.

Các đương sự trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã nộp 4.935 tỷ đồng

Tại phiên tòa phúc thẩm giai đoạn 1 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi HĐXX, cung cấp thông tin về việc tiếp nhận vật chứng và số tiền khắc phục của các đương sự trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Cụ thể, tang vật trong giai đoạn 1 gồm có tài liệu về cổ phần là 23 sổ sở hữu cổ phần với hơn 2,34 tỷ cổ phần; 1.307 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 34 sổ tiết kiệm với hơn 617 tỷ đồng; các thiết bị điện tử khác bao gồm điện thoại di động, ổ cứng CPU, máy vi tính để bàn, máy tính xách tay...

Tang vật trong giai đoạn 2 gồm có 79 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 3 thẻ tiết kiệm có kỳ hạn tại Vietcombank với tổng số tiền là 38,6 tỷ đồng, gồm 2 thẻ mang tên Chu Duyệt Hằng trị giá 31,9 tỷ đồng và thẻ mang tên bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có số tiền 6,7 tỷ đồng; hai thẻ tiết kiệm có kỳ hạn tại Vietcombank trị giá 2,5 tỷ đồng mang tên Tô Thị Anh Đào (cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát); 1 sổ tiết kiệm tại Eximbank trị giá 10 tỷ đồng mang tên bị cáo Ngô Thanh Nhã (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cựu Chủ tịch Cty An Đông, em dâu bị cáo Trương Mỹ Lan). Các tang vật khác gồm 1 túi xách hiệu Hermes, 8 máy tính xách tay, 10 điện thoại, 5 ổ cứng, 3 đầu thu kỹ thuật số...

Về tiền mặt, Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh đã thu được 1.786 tỷ đồng và hơn 26,6 triệu USD. Các khoản tiền do tổ chức, cá nhân nộp khắc phục tại Cục Thi hành án dân sự thành phố được thống kê là hơn 2.464 tỷ đồng và 400 nghìn USD. Trong đó, tiền nộp trong giai đoạn xét xử sơ thẩm là 390 tỷ đồng; nộp sau khi có bản án sơ thẩm là hơn 2.073 tỷ đồng và 400 nghìn USD. Theo Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh, hiện tổng số tiền đang tạm giữ trong tài khoản của cơ quan này là hơn 4.250 tỷ đồng và 27 triệu USD (tương đương 685 tỷ đồng).

T.H