Bia tiến sĩ thời hiện đại - dự án thiếu thuyết phục

Chủ nhật, 12/10/2008 00:00

Bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám – nơi tượng
trưng cho truyền thống hiếu học của Việt Nam. 

(Cadn.com.vn) - Báo chí đưa tin, ngày 27-9 vừa qua, một dự án có tên là Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn tiến sĩ Việt Nam (CPD) công bố chính thức hoạt động. CPD do một nhóm giáo sư, tiến sĩ của Cty Công nghệ và Xét nghiệm y học (Medlatec) thành lập, đã được tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép đăng ký kinh doanh từ tháng 6-2008.

Trung tâm CPD có chức năng nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa thông qua tiểu sử, tư liệu, hiện vật cá nhân của các tiến sĩ, các nhà khoa học. Chương trình cơ bản của CPD là xây dựng một Công viên Văn Miếu tiến sĩ đương đại. Công viên Văn Miếu sẽ giới thiệu, trưng bày về cuộc sống, những đóng góp và cống hiến của các nhà khoa học cho chuyên ngành, cho đất nước.

Đây cũng là nơi xây dựng ngân hàng dữ liệu về các nhà khoa học Việt Nam và ở đây sẽ dựng bia tiến sĩ. Tên tiến sĩ sẽ được khắc trên nền đá hoa cương, cũng có rùa đội bia như ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Về việc này nhà văn Nguyên Ngọc đã có bài viết “Xin can” rất tâm huyết in trên Tạp chí Tia sáng ngày 3-10-2008. Nay chúng tôi xin bày tỏ thêm một số  suy nghĩ về CPD như sau:

Đúng là chúng ta cần có một sự bảo tồn nhằm tôn vinh đạo học của nước nhà vì “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Ví dụ cần có một bảo tàng về các nhà khoa học hàng đầu của trí tuệ Việt Nam thời hiện đại. Đó là những người đã có nhiều đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến, trong xây dựng và bảo vệ đất nước như Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Lương Đình Của,... Đó là những trí thức lớn của đất nước như nhà triết học Trần Đức Thảo, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu,... Một bảo tàng như thế sẽ là nơi trưng bày sinh động về cuộc đời và những công trình và hiện vật, hình ảnh, tư liệu về những nhà bác học cho các thế hệ trí thức Việt Nam tìm hiểu, học tập. Còn Công viên Văn Miếu xây bia ghi tên tiến sĩ sẽ gặp phải những trở ngại khó vượt qua:

Thứ nhất, ai xứng đáng được ghi tên vào bia tiến sĩ của CPD? Mấy trăm người, mấy ngàn người thì đủ? Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, từ năm 1977-2005, cả nước đào tạo được 8.383 tiến sĩ, cộng với số tiến sĩ mà Liên Xô (cũ) và các nước XHCN Đông Âu đào tạo cho ta khoảng 9.000 vị, như vậy  nước ta có khoảng hơn 20.000 tiến sĩ. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang có kế hoạch gửi đi đào tạo mấy ngàn tiến sĩ ở nước ngoài. Ai trong số hàng mấy chục ngàn vị mang danh tiến sĩ đó sẽ được rùa đội bia? Một điều đáng ngại hơn nữa là những tiến sĩ ấy có “thật học, thật tài” không? Theo Bộ GD-ĐT thì số tiến sĩ đào tạo trong nước đông đảo nhất là tiến sĩ các ngành khoa học xã hội, chính trị, kinh tế, chiếm tới 43%, vì đây là các ngành dễ làm những đề tài luận văn chung chung, thầy chấm điểm thấp cao thế nào cũng được. Các tiến sĩ được đào tạo ở Liên Xô và Đông Âu  cũ thì một phần không nhỏ là “bằng tiến sĩ hữu nghị” như nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét.

Thứ hai, nạn “tiến sĩ giấy” đã xuất hiện từ nhiều năm nay, đang trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội. Sở dĩ xuất hiện “tiến sĩ giấy” là do tệ háo danh,  nạn mua điểm, mua bằng cấp để được cơ cấu, đề bạt. Thêm nữa cơ chế chiêu sinh, hướng dẫn làm luận án, bảo vệ luận án của ta mấy chục năm còn quá nhiều sơ hở, chạy theo thành tích, bị hành chính hóa nên nạn “tiến sĩ giấy” trầm trọng thêm. Việc viết luận án tiến sĩ thuê đã thành nghề của một số người, có quảng cáo trên báo hẳn hoi! Nạn “tiến sĩ giấy” còn xâm nhập cả vào các trường đại học bằng cách nghiên cứu sinh (NCS) ăn cắp, sao chép nghiên cứu của người khác, hoặc lấy kết quả nghiên cứu của sinh viên.

Và những “tiến sĩ giấy” ấy, với vị trí của mình ở các trường đại học, Viện đến nay đã hướng dẫn nghiên cứu, chấm điểm để “nhân bản” thêm không biết bao nhiêu “tiến sĩ giấy” khác nữa?  Tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo sau đại học cách đây 2 năm, Bộ GD-ĐT đã công khai thừa nhận: có tới 30% số tiến sĩ có “trình độ yếu”. Nghĩa là có tới 6.000 “tiến sĩ giấy”. Theo chỉ tiêu Bộ GD-ĐT phân bổ cho các trường thì mỗi năm nước ta đào tạo ra 1.400 NCS tiến sĩ (tức hiền tài). Trời đất ơi, người tài đâu mà lắm thế! Thực tế là nhiều người mang danh tiến sĩ, nhưng không giúp ích được gì cho sự phát triển của đất nước. Di dời nhà cửa, công trình cũng phải nhờ đến “Thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy, làm tàu bay trực thăng phải nhờ đến anh Hai Lúa, rồi làm máy bóc lạc, máy tuốt lúa, máy gặt đồng sâu, máy gieo hạt, máy cắt cỏ,... cũng là những người nông dân lam lũ trên đồng ruộng. Vậy khi dựng bia tiến sĩ ở CPD, có bao nhiêu phần trăm “tiến sĩ giấy” mà các chú rùa tức tưởi vì đội oan!

Vì thế theo chúng tôi, dự án dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu hiện đại CPD rất thiếu tính thuyết phục. Có thể đây là ý đồ cá nhân của một số người muốn “lưu danh thiên cổ”. Nếu mà như thế thật thì khôi hài lắm lắm thay!

Ngô Minh