Biên cương ghi dấu chân anh (Kỳ 1: Cột mốc yêu thương!)

Thứ ba, 24/10/2017 19:00

Bình dị và mộc mạc, họ kể cho tôi nghe những câu chuyện về những ngày tháng băng rừng, lội suối cùng hai Đội cắm mốc 2 tỉnh Quảng Nam (Việt Nam), Sêkông (Lào) hoàn thành hệ thống mốc quốc giới. Càng nghe họ kể chuyện, càng trân trọng công việc vô cùng ý nghĩa  nhưng cũng rất đỗi thầm lặng!





Những hình ảnh về hành trình gian nan, vất vả để dựng lên những cột mốc biên giới giữa hai nước
của hai Đội Cắm mốc 2 tỉnh Quảng Nam (Việt Nam)- Sêkông (Lào).

Là CBCS  Phòng Tham mưu BCH BĐBP tỉnh Quảng Nam, Trung tá Nguyễn Minh Dương (1968), quê Bình Sơn (Quảng Ngãi), có 29 năm trong lực lượng, còn Đại úy Nguyễn Văn Chiến (1972) và Đại úy Huỳnh Viết Dương (1970)- cùng quê Quảng Nam đều công tác 25 năm. Cả ba được chọn tham gia vào Đội Cắm mốc tỉnh Quảng Nam. Đội thành lập vào tháng 9-2008 theo Quyết định 2007 ngày 6-8-2008 của Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc Ủy ban Liên hợp cắm mốc Biên giới Việt- Lào (gồm 10 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế, Quảng Nam và Kon Tum).

Cứ tưởng khi gặp các anh sẽ khai thác được nhiều chuyện kỳ thú. Vậy mà lúc được thủ trưởng gọi lên phòng để "nhà báo hỏi chuyện", cả ba nhìn nhau cười, thật thà nói: "Với người chiến sĩ biên phòng, chuyện vượt đèo, lội suối, băng rừng là chuyện thường ngày, có gì đâu mà kể?". Ngoài vẻ rắn rỏi, cả ba trông chân chất, hiền lành. Thấy các chiến sĩ lúng túng chưa biết kể chuyện gì trước với nhà báo, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Tham mưu trưởng BCH BĐBP tỉnh Quảng Nam, gợi mở: "Các đồng chí cứ kể những kỷ niệm trong suốt hành trình đi cắm mốc vùng biên từ năm 2008 đến 2015. Chuyện cắt rừng, leo trên những đỉnh núi cao cheo leo không một bóng nhà dân, chuyện vắt, rắn rết cắn, ong đất, ruồi vàng chích, sốt rét..., hay  những lần bơi qua sông, qua suối dưới cơn mưa tầm tã...". Dù đã được thủ trưởng "nhắc vở", nhưng họ vẫn như "gà mắc tóc", nhớ gì kể nấy. Thế mà cũng có cái hay!

Đại úy Viết Dương đang kể chuyện bị ong đất đốt sốt cao li bì mà vẫn khoác ba lô cùng đồng đội đi khảo sát thực địa, thì Trung tá Minh Dương sực nhớ chuyện có đồng chí bị ruồi vàng chích sưng to như quả trứng gà, rồi chuyện đồng chí Hải trong đội cắm mốc bị ruồi vàng chích ngứa gãi sưng tấy, nhưng cứ  nghĩ chuyện bình thường. Mãi đến khi thấy sức khỏe có biểu hiện khác lạ, anh về xuôi kiểm tra thì mới phát hiện bị nhiễm trùng máu. "Vụ đó, nếu chậm thêm một chút thì... suýt mất mạng hè?"-Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng nói, rồi rất tự nhiên kéo ống quần lên chỉ cho tôi xem vết lõm khá sâu do ong đất đốt: "Vết này là do ong đất đốt cách đây cũng gần 3-4 năm rồi, giờ vẫn không liền miệng nè!".

Nhớ lần đi nghiệm thu cột mốc từ 725-735 (H.Nam Giang) cuối năm 2013,  Đại úy Văn Chiến không khỏi xúc động. Vào những ngày cuối của đợt nghiệm thu đoạn cột mốc này, chỉ còn 2 cột mốc nữa là về thì trời đổ mưa to. Mọi người định tìm chỗ để dựng lán trại tập kết nhưng không có địa điểm thích hợp. Sợ nước lũ từ thượng nguồn  đổ về nên cả đoàn quyết định về thôn Petapoóc (xã Đăk P'Rin) để dựng lán. Khi đến ngã ba sông Đăk Rin, Đoàn Cắm mốc chia làm hai, một đội thì về trước lo tìm địa điểm dựng lán, nấu ăn, đội còn lại có nhiệm vụ đi nghiệm thu tiếp hai mốc 734-735. Lúc chia tay khoảng tầm 16 giờ chiều. Tuy nhiên, do nước lũ dâng cao, đội về trước không qua sông được, vì thế đành tìm rẫy dân để tạm trú chờ nước lũ rút. Đội còn lại sau khi đi nghiệm thu xong về thì đã 20 giờ. Anh em ai nấy đều  lạnh và đói, vắt bu bám đầy người..."Thú thật, nếu lúc đó không có nhà rẫy của dân thì rất nguy hiểm, bởi anh em ai cũng đều rất mệt. Lương khô hết, chỉ còn ít mì tôm, anh em phải nấu mì bằng nước lũ đục ngầu ăn rồi nằm xếp nghiêng để ngủ. Sáng hôm sau, anh em quăng dây, ném sào vượt qua sông về xã Đăk P'Rin"-đại úy Chiến nhớ lại. "Sao phải nằm xếp nghiêng?"-tôi ngạc nhiên. "Nhà rẫy của đồng bào rộng chừng 3-5 m2, trong khi đoàn đi có đến 14 người, không nằm xếp nghiêng, người nằm, người ngồi thì sao đủ"- cả ba đồng thanh giải thích. Bất chợt, Đại úy Chiến bật cười khẽ, chia sẻ thêm: "6 năm ròng rã thực hiện việc cắm mốc, trở về lại đơn vị, nhớ lúc cả đoàn 16 con người chỉ còn lại hai bánh lương khô, phải san sẻ ăn dưới cơn mưa mà thương. Những lúc dừng chân bên bờ suối, mệt quá, chỉ ước một điều tưởng chừng như rất đơn giản là có được ly nước mía uống thì sướng nhất trên đời".

Một "bí quyết" được Trung tá Minh Dương chia sẻ khi đi rừng đó là phải biết chống cái lạnh khi ngủ giữa rừng, nhất là ở những nơi cao đến 1.200-2.000m, dày đặc sương mù! Việc chọn địa hình để dựng lán trại rất quan trọng. Theo đó, phải chọn nơi có khe nước, có cây to để mắc võng, che lều bạt tránh sương, tránh mưa. Để chống cái lạnh ở rừng về đêm, mỗi người phải mặc 2-3 lớp áo quần, mặt dưới võng bọc lớp ni-lông. Đặc biệt, sau khi ăn tối xong khoảng 15 phút phải lo đi ngủ sớm. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên vì điều này, 3 anh bật cười: "Ở rừng, càng về khuya nhiệt độ càng hạ xuống, lạnh thấu xương, khó ngủ lắm!". "Những lúc như thế chắc các anh nhớ nhà, nhớ vợ con lắm?"- tôi ái ngại. "Đời lính biên phòng, xa nhà lâu ngày là chuyện thường nên cũng quen rồi. Trung tá Minh Dương nhớ lại: năm 2009, vợ đồng chí Viết Dương sinh đứa thứ hai. Mấy ngày trước khi sinh, anh ấy  được về phép chăm vợ. 10 giờ sáng ngày hôm đó, vừa đưa vợ vào bệnh viện thì 11 giờ trưa đã phải lên xe để lên lại biên giới, chưa kịp nhìn mặt con gái ra đời... Vất vả gian nan là thế, vậy mà họ kể nghe... nhẹ tênh khiến tôi càng thêm khâm phục.

Khác với những chuyến đi tuần tra bảo vệ cột mốc biên cương, quá trình cắm mốc trên thực địa trải qua trình tự nhiều bước, từ việc đi khảo sát thực địa đơn phương đến song phương giữa hai Đội Cắm mốc 2 tỉnh Quảng Nam (Việt Nam)- Sêkông (Lào), rồi phải trải qua nhiều cuộc họp bàn, thảo luận để đi đến thống nhất ranh giới. Trên cơ sở đã được thống nhất sau 2 lần khảo sát thực địa này mới tiến hành bước xây dựng, giám sát thi công cột mốc. Đây là bước gian nan, vất vả nhất. Ở giai đoạn này, ngoài các tư trang, thiết bị, vật dụng dùng để đo đạc..., nhiệm vụ nặng nề nhất là vận chuyển những cột mốc bằng đá khối và vật liệu xây dựng lên những đỉnh núi cao, có nơi hơn 2.000 m, địa hình vô cùng trắc trở, không thể di chuyển bằng đường công vụ được. Bước nữa là nghiệm thu công trình trước khi hoàn thành hồ sơ gửi ra Hà Nội... Đấy là những điều tôi biết được khi gặp Đội Cắm mốc tỉnh Quảng Nam. Qua kể tôi mới biết, ngoài lực lượng BP làm nòng cốt (gồm CBCS BP ở các Đồn ở biên giới và lực lượng BP của Đội Cắm mốc tỉnh), trong Đội Cắm mốc tỉnh Quảng Nam được chọn đi làm nhiệm vụ cao cả này còn có người của lực lượng CA, sở Xây dựng, Sở Ngoại vụ... Đó là chưa kể người dân được thuê để gùi hàng, vật liệu xây dựng...

Kể làm sao hết những gian truân, vất vả mà 2 Đội Cắm mốc tỉnh Quảng Nam- Sêkông đã phải trải qua trong suốt quá trình tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới Việt- Lào qua địa phận tỉnh Quảng Nam và Sêkông. Giữa muôn trùng gian khó, giữa cái lạnh cắt thịt, cắt da nơi rừng sâu, núi thẳm, những giọt mồ hôi quyện lẫn bùn đất, bằng những đôi chân vạn dặm và ý chí, quyết tâm của Đội cắm mốc hai bên, những cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc đã đều đặn được dựng lên, vững chãi nơi biên cương.

(còn nữa)

Ghi chép: PHAN THỦY