Biển đang suy kiệt đến mức nào?

Thứ tư, 23/08/2017 08:58

Trước sức ép của gia tăng dân số, nhu cầu tài nguyên cho phát triển kinh tế ngày càng cao, trong khi trên đất liền, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, nên xu hướng tiến ra biển trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, nhất là các  quốc gia có biển và hải đảo như Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đều chỉ ra rằng,
hiện nay có khoảng hơn 80% lượng cá biển toàn cầu đã bị khai thác,
trong đó có đến 25% lượng cá toàn cầu bị khai thác quá mức, hoặc bị khai thác cạn kiệt.  
    Ảnh minh họa

Khai thác biển, làm giàu từ biển là vấn đề đặt ra trong mỗi quốc gia có biển hiện nay, nhưng thường đi kèm với đó là các phương thức khai thác thiếu tính bền vững. Các hoạt động khai thác chỉ tập trung đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế để đạt được các mong muốn trước mắt, không tính đến hậu quả mai sau, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường như không có hoặc thiếu những quy hoạch, kế hoạch chi tiết, cụ thể. Cùng với đó là cơ chế quản lý thiếu chặt chẽ, những tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tài nguyên sinh vật biển suy giảm, ô nhiễm môi trường biển gia tăng và tác động tiêu cực trở lại đối với phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa phương và mỗi quốc gia có biển.

Kết quả nghiên cứu của Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đều chỉ ra rằng, hiện nay có khoảng hơn 80% lượng cá biển toàn cầu đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá toàn cầu bị khai thác quá mức, hoặc bị khai thác cạn kiệt, trong khi nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt khi sản lượng đánh bắt giảm đến 90% trong những năm gần đây. Liên quan đến tài nguyên sinh vật biển, điều đáng quan tâm là sự suy giảm các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn có nguyên nhân từ con người ngày một tăng ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Theo ước tính Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), cỏ biển đã mất 30 – 60%; rừng ngập mặn chiếm 1/3 diện tích rừng thế giới mất đến 70% và khoảng 11% các rạn san hô trên toàn cầu đã bị phá hủy hoàn toàn trước năm 1998.  Trong vòng 20 năm qua, các nước Đông Nam Á đã mất đi 12% số rạn san hô, 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Các rạn san hô thường là môi trường sống của khoảng 1/4 các loài cá, đồng thời còn là nơi cư trú của các loài sinh vật biển khác. Sự mất dần của các rạn san hô sẽ khiến lượng cá bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn đến sự tuyệt chủng của một số sinh vật biển do chúng không còn nơi để cư trú và sinh sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà tác động đến phát triển kinh tế - xã hội đối với mỗi vùng và mỗi quốc gia có tài nguyên sinh vật biển.

Cùng với sự suy giảm, cạn kiệt nhiều nguồn lợi biển do khai thác, sử dụng không hợp lý và thiếu tính bền vững, khu vực ven biển ở nhiều quốc gia trên trái đất đang chịu những thách thức và áp lực của gia tăng dân số, các hoạt động phát triển kinh tế ven biển, nhất là phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản..., các nguồn thải từ đất liền đổ thải trực tiếp ra các cửa sông và các khu vực ven biển gây nên tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường ven biển.

V.H