Sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam và nỗi lo sinh kế (2)
- Bài cuối: Bỏ quên thế mạnh của vùng
(Cadn.com.vn) - Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện tỉnh đang tập trung đầu tư nhiều nhóm dự án động lực cho vùng đông nam của tỉnh (trên địa bàn các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP Tam Kỳ) như: nhóm dự án khu đô thị, du lịch nam Hội An, Vinpearl; nhóm dự án công nghiệp ô-tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô... Những nhóm dự án này, theo ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lai, sẽ cần ít nhất 50.000 ha đất sạch (đã hoàn thành giải phóng mặt bằng) để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, đối với người dân vùng ven biển thì những khu resort, công nghiệp hỗ trợ nghe còn quá xa vời. Trên thực tế thế mạnh của vùng là nuôi trồng thủy sản lại bị thiếu quỹ đất sản xuất bởi phải “nhường” diện tích cho các dự án khác. Hàng trăm hécta quy hoạch để làm các khu resort nhưng nhiều năm qua bị treo hoặc đang tiến hành khởi công, trong khi người dân tận dụng từng mét vuông trong vườn nhà lại kiếm lợi hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm. Đó là một nghịch lý lớn về quy hoạch mà chúng ta đã thấy rõ bất cập. Quảng Nam lâu nay chỉ chú trọng quy hoạch khu du lịch, đô thị ven biển mà chưa có quy hoạch mang tính chiến lược nên dẫn đến việc nuôi trồng thủy sản mà cụ thể là nuôi tôm thẻ chân trắng dù cho lợi nhuận cao vẫn nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp.
Thiếu quỹ đất là nguyên nhân Quảng Nam chưa thể quy hoạch vùng nuôi tôm tập trung. |
Manh mún, tự phát
Nuôi tôm trên cát ven biển tại Quảng Nam bắt đầu manh nha từ năm 2005. Lúc này tôm sú không đem lại hiệu quả kinh tế cao bởi năng suất đạt thấp. Năm 2007, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bắt đầu du nhập vào Quảng Nam. Hiện tại, diện tích thả nuôi trên địa bàn tỉnh là 350 ha, tập trung chủ yếu tại H. Núi Thành (212 ha) và H. Thăng Bình (80 ha).
Từ cầu Trường Giang (H. Duy Xuyên) không khó để nhận thấy những ao nuôi tôm nằm chi chít trên mặt nước. Ông Trương Văn Thành (trú xã Duy Vinh) cho biết: “Nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả rất cao, nuôi ở vùng cát ven biển bằng cách lót bạt chống thấm sẽ cho năng suất bình quân 12 tấn/ha, doanh thu 540 triệu đồng/ha, lãi bình quân 162 triệu đồng/ha. Qua thời gian nuôi 2,5-3 tháng là có thể tiến hành thu hoạch”. Tuy năng suất cao là vậy nhưng bởi “mạnh ai nấy làm” nên hầu như năm nào ngành nuôi tôm cũng đối mặt với nhiều bất lợi. Ông Trần Châu Giang – Chuyên viên phòng Nông nghiệp H. Duy Xuyên cho biết: “Con tôm rất dễ bị nhiễm bệnh và cần nguồn nước sạch để phát triển. Tuy nhiên, nuôi tôm hiện nay vẫn tự phát, chưa có quy hoạch tập trung nên dù có điều kiện phù hợp để phát triển nhưng ngành tôm Duy Xuyên nói riêng, Quảng Nam nói chung vẫn chưa có sự chuyên nghiệp. Trong tổng số 105ha ao nuôi tôm của toàn huyện, không vùng nuôi nào có hạ tầng bài bản. Hiện nay Duy Xuyên đang triển khai vùng nuôi tôm tập trung để dồn các hộ nuôi tôm lại nuôi tôm theo hướng an toàn tuy nhiên quỹ đất cũng khá hạn hẹp”.
Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND H. Thăng Bình cho rằng, nuôi tôm nước lợ ở địa phương rơi vào tình cảnh bấp bênh suốt nhiều năm. Nguyên nhân vì thiếu nguồn lực, phụ thuộc vào quỹ đất giao cho Khu kinh tế mở Chu Lai nên huyện khó khắc phục việc nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Trước thực tế nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển ồ ạt, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quy hoạch tạm thời nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát trên địa bàn tỉnh đến năm 2018, có tổng diện tích 285,1 ha; trong đó Bình Nam, Bình Hải, H. Thăng Bình 148,5 ha. “Đây chỉ mới là quy hoạch tạm thời, trong thời gian quy hoạch, nếu Nhà nước thu hồi đất để dùng cho mục đích khác thì các hộ nuôi tôm được bồi thường theo quy định. Tuy nhiên, sau thời gian hết hiệu lực của quy hoạch, nếu Nhà nước thu hồi đất để dùng cho mục đích khác thì các hộ nuôi tôm phải trả lại thực trạng ban đầu”, ông Hương cho biết.
Quy hoạch vùng nuôi tôm
Để giải được bài toán nuôi tôm thiếu chuyên nghiệp, phát huy thế mạnh của Quảng Nam về nuôi trồng thủy sản cần lắm một hướng đi mới. Người nuôi tôm đang trông chờ một quy hoạch mang tính chiến lược để có thể cùng con tôm thoát nghèo.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết tình hình nuôi tôm ở Quảng Nam hiện nay vẫn “được chăng hay chớ”. Tỉnh cũng đã xác định trong tương lai phải nuôi tôm tập trung, qua đó Nhà nước và người dân cùng đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, Quảng Nam có quá nhiều héc-ta nuôi tôm nhỏ lẻ, không thể tập trung một lúc mà phải tiến hành từng bước một. Hiện nay, đề án quy hoạch nuôi tôm tập trung đã triển khai ở Duy Xuyên, Núi Thành. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng hạ tầng đảm bảo, không ảnh hưởng đến môi trường, con tôm có điều kiện phát triển khỏe mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết ngày 12-5 vừa qua, tỉnh đã làm việc với Công ty Cổ phần Ánh Dương về nghiên cứu đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó Dự án khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao (đảm bảo chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9002; HACCP để xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nhật...) được xây dựng tại H. Thăng Bình. Khu phức hợp được xây dựng theo chuỗi các nhà máy, gồm: nhà máy chế biến tôm cao cấp xuất khẩu; nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm; khu nuôi tôm cao sản – siêu thâm canh trong nhà kính; khu nuôi tôm giống; khu ứng dụng công nghệ điện năng lượng mặt trời. Các dự án này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tiềm năng của vùng phát triển và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Đồng Dao