Biển Đỏ dậy sóng, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu

Thứ bảy, 23/12/2023 10:52
Trong những ngày gần đây, lực lượng Houthi ở Yemen đã sử dụng tên lửa và máy bay không người lái để tấn công các tàu chở hàng quốc tế đi qua Biển Đỏ. Điều này buộc các công ty vận tải đường biển tiếp tục tránh đi qua tuyến đường biển này vì sợ bị tấn công. Họ đang phải đối mặt với cơn bão trên hai mặt trận: giá cước vận tải đường biển/đường hàng không tăng cao và hàng hóa bị mắc kẹt.
Một trực thăng của Houthi bay trên tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ hôm 20-11. Ảnh: Reuters
Một trực thăng của Houthi bay trên tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ hôm 20-11. Ảnh: Reuters

Điều hướng khỏi Biển Đỏ

Hai công ty vận tải biển Hapag-Lloyd của Đức và OOCL của Hồng Kông ngày 21-12 thông báo sẽ tránh đưa các tàu qua Biển Đỏ. Hapag-Lloyd cho biết họ sẽ định tuyến lại 25 tàu vào cuối năm nay từ tuyến đường thủy quan trọng vì giá cước vận chuyển và tồn kho vận chuyển đã tăng do gián đoạn. Tập đoàn container OOCL cho biết: "Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã hướng dẫn các tàu do OOCL điều hành chuyển hướng hoặc dừng hành trình đến Biển Đỏ".

Chậm trễ, xáo trộn

Mở cửa vào năm 1869, kênh đào Suez hiện là một trong những kênh đào nhộn nhịp nhất thế giới, vận chuyển khoảng 12% thương mại toàn cầu. Năm 2022, có tới 23.583 con tàu sử dụng tuyến đường này. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể gây tác động dây chuyền nghiêm trọng, khi các tàu này vận chuyển hàng hóa cho khắp các quốc gia trên thế giới. Mặc dù các con tàu có thể đi qua tuyến đường ở Biển Bắc, nhưng tuyến đường này không thể đi lại trong mùa đông và chưa khả thi về mặt thương mại đối với nhiều công ty vận tải biển. Vì vậy, kênh đào Suez là tuyến đường biển ngắn nhất và khả thi nhất để di chuyển giữa châu Á và châu Âu. Thời gian di chuyển giữa Đông Á và Tây Âu có thể tăng khoảng 25% đến 35% khi các con tàu di chuyển bằng tuyến đường biển Cape.

Các nhà điều hành dịch vụ hậu cần toàn cầu cảnh báo, việc đưa các tàu đến các tuyến hàng hải thay thế có thể làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tình trạng ứ đọng tại các cảng và thiếu hụt tàu, container cũng như thiết bị. Christian Sur, Phó chủ tịch điều hành vận tải đường biển tại Unique Logistics cho biết, một cuộc khủng hoảng tại một điểm duy nhất trong chuỗi cung ứng có thể khiến các tàu chen chúc nhau, làm đảo lộn lịch trình đến và đi tại các cảng biển và gây ra tình trạng chậm trễ hàng loạt trên toàn hệ thống.

Hãng đồ nội thất toàn cầu IKEA là một trong những nhà vận chuyển cảnh báo về nguy cơ chậm trễ vận chuyển hàng hóa và thiếu hụt sản phẩm. Ở những nơi khác, nhà sản xuất thang máy Phần Lan Kone ước tính rằng một số lô hàng có thể bị trì hoãn từ 2 đến 3 tuần. Trong khi hàng hóa vận chuyển bằng container, bao gồm quần áo, đồ chơi và thực phẩm có nguy cơ cao nhất thì các sản phẩm khác cũng đang bị ảnh hưởng.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng một số nhà bán lẻ có thể bắt đầu thiếu một số mặt hàng vào tháng 2, mặc dù sau đại dịch Covid-19, nhiều công ty đã tìm kiếm khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng bằng cách mua hàng từ các nhà xuất khẩu ở các khu vực khác nhau.

Cước vận chuyển tăng cao và nhiều hệ lụy

Mức trần giá cước vận tải đường biển đã tăng vọt trong vài giờ vào ngày 21-12 do có nhiều tàu chuyển hướng để không phải đi qua Biển Đỏ. Báo giá cước vận tải đường biển mà các nhà quản lý hậu cần nhận được sáng 21-12 là 10.000 USD cho mỗi container dài 12m từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Anh. Tuần trước, giá cước là 1.900 USD cho một container dài 6m, 2.400 USD cho một container 12m. Giá cước vận chuyển bằng xe tải ở Trung Đông đang được báo giá cao hơn gấp đôi.

Các chủ hàng châu Âu đang tìm đến đường hàng không để vận chuyển sản phẩm, khiến giá cước vận tải hàng không tăng vọt. Ông Judah Levine, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Freightos, cho biết: "Tuần này, họ đã tăng 13% từ 3,95 USD/kg lên 4,45 USD/kg kể từ khi các hãng vận tải biển đưa ra thông báo đổi hướng đi hàng loạt, từ đó cho thấy nhu cầu vận chuyển hàng hóa đã chuyển từ đường biển sang đường hàng không nhiều hơn".

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, việc tăng gấp đôi chi phí vận chuyển có thể làm tăng lạm phát giá tiêu dùng thêm 0,7%. Lãnh đạo ngành hậu cần dự báo khi thời gian một tháng trôi qua, sẽ cảm nhận được áp lực lạm phát gây ra với chuỗi cung ứng và cuối cùng là ở cấp độ người tiêu dùng. Ngoài ra, giá dầu có thể tăng đột biến nếu có nhiều công ty ngừng sử dụng kênh đào Suez, đặc biệt nếu tình trạng gián đoạn này kéo dài. Giá dầu thô Brent - loại dầu chuẩn mực toàn cầu - đã tăng từ 73 USD vào ngày 12-12 lên khoảng 78 USD vào ngày 18-12.

Đặc biệt, con người và hành tinh sẽ phải trả giá nếu tình trạng gián đoạn vận tải đường biển còn kéo dài. Lượng khí thải carbon tăng lên. Các tàu sử dụng tuyến đường Cape có thể phải di chuyển quãng đường dài hơn 3.000 hải lý (5.556km) có thể tạo ra lượng khí thải carbon nhiều hơn khoảng 30% đến 35% so với khi đi tuyến đường Suez.

AN BÌNH

Hy Lạp hôm 21-12 cho biết sẽ cử một tàu khu trục hải quân đến Biển Đỏ để giúp bảo vệ hoạt động vận chuyển hàng hải trong khuôn khổ liên minh đa quốc gia do Mỹ thành lập nhằm đảm bảo việc đi lại an toàn qua tuyến đường thủy này.