Tổng thống Mỹ thông báo mức thuế 35% với Canada

Thứ bảy, 12/07/2025 09:46

Ngày 10-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế 35% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8.

Gỗ là một trong những mặt hàng chính mà Mỹ nhập khẩu từ Canada. Ảnh: Reuters
Gỗ là một trong những mặt hàng chính mà Mỹ nhập khẩu từ Canada. Ảnh: Reuters

Động thái được Tổng thống Trump công bố trong bức thư gửi Thủ tướng Canada Mark Carney, kèm lời cảnh báo nếu Ottawa có hành động đáp trả, Mỹ sẽ tăng thuế tương ứng. Trong thư gửi Thủ tướng Canada Mark Carney đăng trên Truth Social, ông Trump tuyên bố: "Thay vì hợp tác với Mỹ, Canada chọn cách đáp trả bằng thuế quan riêng. Do đó, từ ngày 1-8, tất cả hàng hóa Canada vào Mỹ sẽ chịu mức thuế 35% ngoài các loại thuế ngành hiện có".

Ông Trump viện dẫn vấn đề buôn lậu fentanyl là lý do chính cho quyết định áp thuế cao đối với một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. "Nếu Canada hợp tác với tôi để ngăn chặn dòng chảy của fentanyl, có lẽ chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh thông báo này," ông cảnh báo, đồng thời không loại trừ khả năng gia tăng mức thuế vượt quá 35% nếu Canada tiếp tục có các động thái trả đũa. "Nếu vì bất kỳ lý do gì Canada tăng thuế quan, thì mức tăng đó sẽ được cộng thêm vào mức thuế 35% mà chúng tôi đang áp dụng," ông Trump nhấn mạnh.

Một thông báo chính thức gửi tới chính phủ Canada cũng nêu rõ: "Hàng hóa sản xuất tại nước thứ ba nhằm lách thuế sẽ phải chịu mức thuế quan cao hơn". Hiện tại, hàng hóa nhập khẩu từ Canada đã phải đối mặt với mức thuế 25% được ông Trump áp đặt hồi đầu năm nay, với cáo buộc nước này liên quan đến các hoạt động buôn lậu fentanyl và vi phạm các điều khoản trong Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Tuy nhiên, trong thư, ông Trump cũng đưa ra giải pháp cho Canada rằng nếu nước này chọn sản xuất hoặc xây dựng nhà máy ngay tại lãnh thổ Mỹ, các mức thuế này sẽ được miễn. "Chúng tôi cam kết xử lý nhanh chóng mọi hồ sơ đầu tư", ông Trump cam kết.

Trước khi có tuyên bố áp thuế mới từ Nhà Trắng, Bộ Tài chính Canada cho biết hai nước đã đồng ý nối lại đàm phán thương mại từ ngày 29-6 và hướng tới việc đạt được một thỏa thuận vào ngày 21-7. Căng thẳng giữa hai đồng minh vốn dĩ khăng khít leo thang sau khi Canada khẳng định sẽ không đình chỉ việc áp thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ Mỹ. Đáp lại, Tổng thống Trump đe dọa chấm dứt toàn bộ các cuộc đàm phán thương mại với Canada - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Ottawa sau đó đã rút lại kế hoạch thuế để mở đường cho các cuộc đối thoại được nối lại. Theo các nguồn tin am hiểu lập trường của chính phủ Canada, việc tạm ngừng áp thuế dịch vụ kỹ thuật số được xem là "một cái giá nhỏ" để đổi lấy triển vọng giải quyết căng thẳng thương mại sâu rộng hơn với Washington.

Tại Mỹ, cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều phản đối các sắc thuế dịch vụ kỹ thuật số do các quốc gia khác áp đặt, với lý do các sắc thuế này nhắm không công bằng vào các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Apple và Amazon. Thuế dịch vụ số thường đánh vào doanh thu từ quảng cáo trực tuyến, bán dữ liệu người dùng và các dịch vụ kỹ thuật số khác - kể cả khi doanh nghiệp đặt trụ sở ngoài quốc gia áp thuế.

Cùng ngày, trong một chương trình của NBC News, Tổng thống Trump cũng thông báo dự định áp mức thuế đồng loạt 15% hoặc 20% đối với phần lớn các đối tác thương mại. "Chúng tôi sẽ thông báo tất cả nước còn lại phải trả thuế, có thể là 20% hoặc 15%. Chúng tôi đang bàn bạc vấn đề này", ông Trump cho biết. Hiện tại, thuế nhập khẩu chung cho tất cả đối tác thương mại của Mỹ là 10%. Tuần này, ông Trump đã công khai 23 thư báo thuế gửi các quốc gia. Trong đó, Brazil chịu mức cao nhất với 50%.

AN BÌNH

Nga phản ứng trước lời đe dọa áp thuế 500% của Mỹ

Quan chức ngoại giao Nga khẳng định nước này biết cách ứng phó với các lệnh trừng phạt, bao gồm cả mức thuế quan thứ cấp 500% đối với các đối tác thương mại Nga.

Theo RT, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 10-7 tuyên bố nước này sẽ thích nghi nếu Mỹ áp đặt mức thuế quan thứ cấp 500% đối với các đối tác thương mại của Nga, và các biện pháp hạn chế như vậy sẽ không buộc Nga phải thay đổi đường lối chủ quyền của mình. "Việc áp dụng một số biện pháp mới sẽ cần phân tích và xem xét thêm, nhưng sẽ không làm thay đổi hoàn toàn bức tranh", hãng thông tấn Tass dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov. Theo nhà chức trách, cho đến nay, các quốc gia nước ngoài đã áp đặt hơn 30.000 lệnh trừng phạt đối với Nga.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đang mạnh mẽ cân nhắc việc ủng hộ dự luật áp đặt mức thuế khổng lồ 500%, bày tỏ sự không hài lòng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. "Tôi đang xem xét. Việc thông qua hay chấm dứt áp thuế hoàn toàn tùy thuộc vào tôi. Và tôi đang xem xét rất kỹ lưỡng", ông Trump phát biểu trong cuộc họp Nội các ngày 8-7. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng bày tỏ sự thất vọng ngày càng tăng đối với Tổng thống Nga và gần đây, ông Trump đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ gửi thêm vũ khí phòng thủ cho Ukraine.

Đằng sau việc ông Trump mời 5 lãnh đạo châu Phi tới Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời lãnh đạo 5 quốc gia châu Phi đến Washington trong tuần này. Các chuyên gia cho rằng chương trình nghị sự sẽ không chỉ dừng lại ở cơ hội thương mại.

Tổng thống Trump tiếp tục công bố mức thuế quan đối với 6 quốc gia

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9-7 tiếp tục thông báo các mức thuế quan mới với 6 quốc gia, bao gồm Algeria, Iraq, Libya, Moldova, Brunei và Philippines.

Anh - Pháp lần đầu hợp lực răn đe hạt nhân, gửi thông điệp đến Nga?

Động thái mới đánh dấu bước ngoặt trong hợp tác quốc phòng của hai cường quốc hạt nhân châu Âu.

Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine?

Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ đã nói những lời trực tiếp mạnh mẽ nhất của mình về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, thể hiện một sự quay trở lại với nền tảng cơ bản của chính sách đối ngoại Mỹ trong nhiều thập kỷ.