Biến đổi khí hậu diễn ra sớm hơn dự báo

Thứ sáu, 19/05/2017 08:12

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy Ban Quốc gia về biến đổi khí hậu chủ trì cuộc họp của Ủy Ban lần thứ 8, nhằm đánh giá về kết quả đạt được và bàn nhiệm vụ thời gian tới. Theo Bộ NN&PTNT, biến đổi khí hậu diễn ra sớm hơn dự báo. Thiệt hại nặng nề nhất là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa và vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng. Trong khi đó, hệ thống thủy điện thượng nguồn của sông Cửu Long là sông Mê Kông đang khiến lượng phù sa đổ về giảm mạnh. Do biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, đợt hạn, mặn mùa khô năm ngoái, đã có 10/13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long phải công bố tình trạng thiên tai. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, có tổ chức quốc tế đã theo dõi và nhận thấy, tại Phú Yên, mỗi năm nước biển dâng lấn sâu làm mất 3m bờ biển.

Trong kịch bản biến đổi khí hậu Bộ TN&MT cập nhật vào năm 2016, đến cuối thế kỷ này, trường hợp xấu nhất là nước biển có thể dâng lên 1m. Khi đó, nguy cơ ngập 77% diện tích tỉnh Kiên Giang; gần 17% diện tích đồng bằng Sông Hồng; gần 18% diện tích TPHCM và nghiêm trọng nhất là ngập gần 39% vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Kịch bản này còn chưa tính đến những yếu tố sụt lún đất do khai thác nước ngầm, sự nâng hạ địa chất, sự thay đổi địa hình. Nếu cộng với việc mỗi năm đồng bằng Sông Cửu Long sụt lún trung bình khoảng 3cm nguy cơ ngập diễn ra nhanh hơn. Đại diện các bộ ngành cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu nặng nề hơn là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép ở các lòng sông, bờ biển; tình trạng chặt phá rừng; khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún; tình trạng ngăn đập các dòng sòng sông làm thủy điện.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu cần thay đổi cách làm để đem lại hiệu quả cao hơn theo hướng cần tăng cường các chuyên gia giỏi, chuyên môn sâu, nhất là chuyên gia về thủy lợi, cho Hội đồng tư vấn của Ủy ban. Mặc dù hiện nay đã có nhiều nghị quyết, chương trình hành động, nhưng Thủ tướng cho rằng, những chỉ đạo này chưa thấm sâu vào hành động của nhiều bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, cần làm cho mọi cấp mọi ngành, hệ thống chính trị, nhất là chính quyền và người dân hiểu rõ về biến đổi khí hậu, về biện pháp ứng phó.

Về vấn đề khai thác cát hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh, “không phải Thủ tướng Chính phủ cấm hết việc khai thác cát, nhưng cấm ở chỗ là khai thác trái phép, khai thác quá mức”. Thủ tướng chỉ đạo, trừ những dự án đã cấp giấy phép, đang làm dở dang cần sớm triển khai, kết thúc, thì không được xuất khẩu cát sang các nước khác.

Về nhiệm vụ những tháng còn lại của năm nay, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai các nhiệm vụ được giao theo Thỏa thuận khí hậu Paris COP 21. Trong kế hoạch cần lồng ghép các hành động ứng phó biến đổi khí hậu và đến 31-10-2017, các bộ ngành có liên quan báo cáo tình hình thực hiện cho Văn phòng Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan cập nhật dự báo, đánh giá kịp thời tình hình nguồn nước mặn xâm nhập trong mùa khô 2016-2017 tại đồng bằng Sông Cửu Long cũng như tình hình mưa lũ thời gian tới, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương ứng phó, hạn chế thiệt hại.

Thủ tướng cũng nhắc nhở Tổng Giám đốc Cơ quan Khí tượng thủy văn Quốc gia có dự báo chính xác, không để bị động như tình hình hạn mặn vừa qua.

Biên Thùy –TTXVN