Biển Đông bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN

Thứ ba, 28/04/2015 11:13

(Cadn.com.vn) - Lãnh đạo các quốc gia ASEAN cảnh báo, nỗ lực xây dựng tại các đảo tranh chấp ở khu vực biển Đông của Trung Quốc có nguy cơ phá hoại “hòa bình, an ninh và ổn định” trong khu vực.

Ngày 27-4, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 bước vào phiên họp chính thức tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, ưu tiên bàn về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 và những căng thẳng ở biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành động cải tạo lấn biển ở các đảo tranh chấp.

Các nhà lãnh đạo ASEAN thể hiện tình đoàn kết tại Hội nghị Thượng đỉnh hôm 27-4 tại Malaysia.  Ảnh: EFE

Theo AFP, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Najib Razak cho rằng, “2015 sẽ là năm cột mốc trong lịch sử ASEAN, với triển vọng thành lập cộng đồng ASEAN”. Trước các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Razak nhiều lần nhắc đến mục tiêu của ASEAN trong năm nay là “lấy người dân làm trung tâm” đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong bức tranh kinh tế toàn cầu khi đây là khối xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới, với thương mại quốc tế tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua.

Mặc dù chú trọng mục tiêu hướng đến hội nhập kinh tế khu vực với chủ đề “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta”, hội nghị lần này vẫn bị chi phối bởi vấn đề biển Đông, do những động thái ngày càng lấn lướt của Trung Quốc tại khu vực nhạy cảm này. Tại hội nghị, biển Đông - khu vực tranh chấp giữa nhiều quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc -  được tuyên bố là “vùng an ninh nguy hiểm”. Các quốc gia ASEAN còn cảnh báo việc Bắc Kinh nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng tại các đảo tranh chấp ở biển Đông có nguy cơ phá hoại “hòa bình, an ninh và ổn định” trong khu vực.

Malaysia tuyên bố, ASEAN tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc và theo đuổi vai trò mang tính xây dựng với gã láng giềng khổng lồ này. Tuyên bố của ông Najib rõ ràng gián tiếp bác bỏ kêu gọi của Philippines rằng, “các nước Đông Nam Á dứt khoát phải có phản ứng trực diện và quyết liệt” với Trung Quốc khi Bắc Kinh đang dần sẵn sàng nắm “quyền kiểm soát thực tế” biển Đông. Tuy nhiên, ông Najib khẳng định, ASEAN đoàn kết thúc đẩy thảo luận nhanh chóng về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên về biển Đông (COC) – được cho là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa giải quyết tranh chấp ở khu vực này.

Trên thực tế, theo Reuters, ASEAN và Trung Quốc hiện đang thương thảo hướng đến COC để giải quyết tranh chấp, song tiến triển chậm chạp. Trong lúc đó, những tuyên bố chủ quyền vô lý cùng những hành động mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Đông đã biến nơi đây thành khu vực nhạy cảm khi các tuyến vận tải hàng hải quốc tế đối với giao thương quốc tế đi qua vùng biển này đang bị đe dọa.

Vì vậy, trong Tuyên bố chung sau hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ “những quan ngại nghiêm trọng” về việc cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông. Tuyên bố chung cho biết, việc cải tạo đất “gây mất lòng tin và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông”. “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải và trên chuyến bay trên biển Đông”, Tuyên bố chung nêu rõ.

Tuyên bố chung không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng đây rõ ràng là phản ứng mạnh mẽ nhất của ASEAN đối với hành động cải tạo đất của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp. Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, một Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN không thể ra được Tuyên bố chung vì nước chủ nhà Campuchia bác bỏ việc chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố 90% chủ quyền ở biển Đông, khu vực giàu dầu mỏ và khí đốt. Tranh cãi trong việc làm thế nào để giải quyết những tranh chấp và hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở biển Đông đẩy vùng biển chiến lược này thành điểm nóng quân sự lớn nhất Đông Nam Á.

Khả Anh