Biển Đông có nhiều diễn biến mới

Thứ ba, 15/11/2016 08:40

Thảo luận các khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực

(Cadn.com.vn) - Gần 200 đại biểu tham dự Hội thảo, trong đó có gần 60 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam, hơn 20 đại biểu của 15 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, đại diện hơn 30 cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông trong năm qua có nhiều diễn biến mới đáng chú ý, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ tám là cơ hội để các học giả nghiên cứu Biển Đông hàng đầu trong nước và quốc tế chia sẻ thông tin, đánh giá về các diễn biến gần đây và những hệ lụy ở khu vực Biển Đông, đồng thời thảo luận các khả năng thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Gần 30 tham luận sẽ được các đại biểu trình bày trong hai ngày hội thảo gồm 7 phiên: Nguồn gốc của tranh chấp Biển Đông: Khía cạnh lịch sử; Căng thẳng Biển Đông sẽ đi đến đâu? Luật pháp quốc tế và Biển Đông; Kinh tế chính trị của Biển Đông: Vấn đề và triển vọng; An ninh, chính trị và ngoại giao; Tương tác và phối hợp trên biển; Cơ chế quản lý căng thẳng ở Biển Đông.

Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Khuê Việt Trường

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định, trong năm qua, căng thẳng ở khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do các vụ va chạm, các thay đổi nguyên trạng trên thực địa vẫn tiếp diễn. Vẫn còn nhiều vụ đụng độ ở mức độ nguy hiểm giữa các tàu cá, tàu chấp pháp của các nước ven Biển Đông ở gần khu vực Trường Sa, đặc biệt là Hoàng Sa. Tình hình cải tạo đảo và quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó, tình trạng môi trường biển khu vực tiếp tục xuống cấp với tốc độ đáng báo động.

Với những đánh giá về tình hình khu vực, PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng nêu rõ, tinh thần thẳng thắn, khách quan, khoa học và cầu thị đã trở thành ngôn chỉ của chuỗi hội thảo này trong suốt 8 năm qua. "Thông qua hội thảo này, chúng ta hy vọng có thể đưa ra những kiến nghị tích cực và xác đáng, giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì mục tiêu cải thiện môi trường an ninh-phát triển chung, nhất là các đề xuất nhằm xây dựng, củng cố và tận dụng các cơ chế an ninh khu vực trong việc quản lý tranh chấp và giải quyết hòa bình các vấn đề phức tạp ở Biển Đông"- PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng bày tỏ kỳ vọng.

Hội thảo Quốc tế lần thứ tám về Biển Đông sẽ kết thúc vào ngày 15-11.

TTXVN

Biển Đông có nhiều diễn biến mới

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-11, TP Nha Trang (Khánh Hòa) diễn ra Hội thảo quốc tế lần thứ tám về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) phối hợp tổ chức. Nhân dịp này, báo giới phỏng vấn ông Trần Trường Thủy, Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông về những điểm mới và nội dung chủ yếu được thảo luận tại hội thảo lần này.

P.V: Ông có thể cho biết những điểm mới của Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 8 được tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa) lần này?

Ông Trần Trường Thủy: Hội thảo về Biển Đông đến nay đã được tổ chức lần thứ 8. Qua mỗi năm, chúng tôi đều cân nhắc kỹ về chương trình, mời các học giả phát biểu để đảm bảo tính mới về cả nội dung, hình thức tổ chức và thành phần phát biểu. Cụ thể, hội thảo lần này có một số phiên có chủ đề hoàn toàn mới so với các kỳ hội thảo trước. Bên cạnh đó, một số phiên chủ đề giống các hội thảo trước, song nội dung trình bày của các học giả lại khác so với năm trước. Đó là vì mỗi học giả tiếp cận theo một cách khác nhau và vì tình hình trên Biển Đông có nhiều diễn biến mới qua hàng năm. Chủ đề hoàn toàn mới của năm nay là phiên nhìn nhận lại lịch sử khởi nguồn của tranh chấp Biển Đông và vai trò của Biển Đông trong lịch sử.

Điểm mới nữa là Ban Tổ chức dành riêng cho giới Hải quân và Cảnh sát biển các nước trực tiếp thảo luận về tương tác giữa tàu thuyền trên biển và cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các lực lượng trực tiếp trên biển.

Năm nay, Hội thảo có phiên về chủ đề luật pháp như năm trước, song với phán quyết của Tòa liên quan đến vụ kiện Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông tháng 7 năm nay, đây chắc chắn sẽ là chủ đề nổi bật mà các kỳ trước chưa có. Trong các hội thảo trước, các phiên về luật thường bàn về rất nhiều nội dung, như luật về chủ quyền với các thực thể nổi, về địa vị pháp lý các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của các bên..., năm nay nội dung luật đa phần sẽ xoay quanh vụ kiện của Philippines. Riêng phán quyết trong vụ kiện này đã được các học giả đăng ký phát biểu trên nhiều khía cạnh khác nhau, từ nội dung, tác động của nó tới yêu sách và hành động của các bên, hệ lụy đối với quá trình hợp tác và xử lý tranh chấp ở Biển Đông.

Các phiên thảo luận về tình hình khu vực và vai trò của các nước có tên gọi cũng giống các năm trước, nhưng nội dung chắc chắn sẽ khác. Tôi nghĩ triển vọng chính sách đối ngoại của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ở Biển Đông nói riêng dưới thời Tổng thống Donald Trump và các bước đi của Tổng thống Philippines Duterte sẽ được thảo luận nhiều và là những điểm mới mà các kỳ họp trước chưa có.

P.V: Ông có thể cho biết các tham luận và bài trình bày tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần này tập trung vào những nội dung quan trọng gì?

Ông Trần Trường Thủy:  Do đây là hội thảo khoa học và các diễn giả đều là những học giả có nghiên cứu chuyên sâu, Ban Tổ chức không can thiệp vào nội dung diễn giả trình bày mà chỉ nêu một phạm vi thảo luận cụ thể của từng phiên, về lịch sử, chính trị, kinh tế, an ninh, cơ chế giải quyết tranh chấp và quản lý căng thẳng ở Biển Đông. Qua các bài đã nhận được, có thể thấy các tham luận theo sát diễn biến tình hình Biển Đông trong thời gian vừa qua. Một số chủ đề nổi bật là phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở Biển Đông, các hoạt động của Trung Quốc trên thực địa, sự điều chỉnh chính sách của Philipines, khả năng điều chỉnh chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, vai trò của ASEAN...

P.V: Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của cộng đồng học giả quốc tế và khu vực những năm qua trong việc theo dõi sát diễn biến ở Biển Đông, kịp thời đánh giá, phân tích chính sách và hành động của các bên liên quan, đưa ra các kiến nghị chính sách với chính phủ các nước?

Ông Trần Trường Thủy: Ảnh hưởng của giới học giả đối với việc hoạch định chính sách của các nước đã được thừa nhận rộng rãi. Thông qua các nghiên cứu khoa học, trung thực và khách quan của mình, giới học giả trực tiếp đưa ra các thông tin và đề xuất chính sách, hành động của chính phủ các nước. Tác động gián tiếp của việc xuất bản các tài liệu nghiên cứu khoa học là phổ biến thông tin, xây dựng nhận thức chung về tình hình trong cộng đồng quốc tế.

Cụ thể trong vấn đề Biển Đông, các học giả đã rất tích cực đóng góp vào việc nghiên cứu các mâu thuẫn, tranh chấp; đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin giữa các nước. Chuỗi hội thảo quốc tế về Biển Đông do Việt Nam tổ chức, tự hào là một trong những nỗ lực đầu tiên của giới học giả tham gia vào quá trình nghiên cứu quản trị tranh chấp ở Biển Đông, mở đường cho rất nhiều hội thảo hiện nay ở nhiều nước trên thế giới. Các hội thảo này đã góp phần tích cực tác động lên quá trình hoạch định chính sách của các nước; giúp các bên liên quan đánh giá đúng tình hình, chắt lọc các nghiên cứu để từ đó có các chính sách phù hợp, đồng thời thúc đẩy và duy trì mạch nghiên cứu, thảo luận về chủ đề Biển Đông trên trường quốc tế, góp phần định hình nên công luận quốc tế nói chung về vấn đề Biển Đông.

Vai trò quan trọng của giới học giả đối với chính phủ các nước được chứng minh qua việc nhiều nước đã cấp nguồn tài trợ lớn cho nghiên cứu về Biển Đông; nhiều sáng kiến hợp tác trên Biển Đông ở kênh học giả đã và đang được thúc đẩy. Nhân đây, tôi cũng chia sẻ thêm rằng, có ý kiến đánh giá giới học giả chỉ tác động lên được nhận thức và hành vi của các nước khác chứ không phải Trung Quốc, bởi trong những năm qua, Trung Quốc vẫn luôn theo đuổi chính sách quyết đoán ở Biển Đông. Tuy nhiên, nhận định này có lẽ cần đánh giá thêm. Trung Quốc là nước cấp nguồn kinh phí khổng lồ cho giới học giả nghiên cứu về Biển Đông và có chiến lược phát triển đội ngũ nghiên cứu Biển Đông lâu dài và bài bản.

Lãnh đạo Trung Quốc khi hoạch định các bước đi cụ thể chắc chắn cũng phải tính đến dư luận quốc tế như thế nào, phản ứng của các nước ra sao. Trung Quốc có lợi ích quốc gia trong việc xây dựng hình ảnh, uy tín của nước lớn. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp Trung Quốc phải điều chỉnh các bước đi của mình trước áp lực dư luận quốc tế, trong đó có giới học giả và truyền thông, như liên quan đến các vụ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, hay kế hoạch quân sự hóa các đảo, hay Trung Quốc tuyên bố sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sau khi đã lập ADIZ ở Biển Hoa Đông...

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hồng Điệp

(thực hiện)