Biển Đông lên bàn hội nghị G7

Thứ năm, 26/05/2016 08:46

(Cadn.com.vn) - An ninh hàng hải, nhất là ở biển Đông, cùng với chủ nghĩa khủng bố và kinh tế toàn cầu sẽ là những vấn đề chính được ưu tiên thảo luận trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) lần này.

G7 dự kiến sẽ ra tuyên bố phản đối những hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc
ở biển Đông. Ảnh: Economic

Hôm nay (26-5), các nhà lãnh đạo nhóm G7 sẽ bắt đầu nhóm họp tại Ise-Shima, Nhật Bản trong bối cảnh đang bị chi phối bởi nền kinh tế toàn cầu ảm đạm, mối đe dọa khủng bố và mối lo an ninh hàng hải, nhất là tại khu vực biển Đông – nơi Trung Quốc đang có những tuyên bố chủ quyền vô lý bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt.

An ninh được thắt chặt tuyệt đối, đặc biệt là quanh khu vực Công viên Quốc gia ở Ise Shima - một khu vực miền núi và dân cư thưa thớt cách thủ đô Tokyo 300km về phía tây nam. Hàng ngàn cảnh sát được triển khai thêm đến đây để tuần tra các trạm tàu và bến phà cũng như điều tiết giao thông trên các tuyến đường trong 2 ngày diễn ra cuộc họp. Tại sân bay quốc tế Chubu, nơi máy bay chở các nhà lãnh đạo hạ cánh, vòng kiểm soát nghiêm ngặt được thực hiện cả bên trong và ở các lối vào từ nhiều ngày qua. Trong vùng biển xung quanh đảo Kashiko - nơi sẽ diễn ra các cuộc họp quan trọng - Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) triển khai một số tàu, bao gồm tàu khu trục hạm lớp Izumo đảm bảo an ninh.

Tokyo tuyên bố, mối lo an ninh được chú trọng đặc biệt trong bối cảnh nhóm cực đoan IS đang trỗi dậy và vươn vòi mạnh mẽ ra khỏi Trung Đông với các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ) trong thời gian qua. Giới chức Nhật Bản cho biết đang theo dõi chặt chẽ về cái gọi là “mục tiêu mềm” như các nhà hát và sân vận động. Tổng cộng, có khoảng 23.000 cảnh sát được triển khai bảo vệ hội nghị năm nay, nhiều hơn khoảng 1.000 người so với tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2015 tại Schloss Elmau, Đức.

Đó là lý do tại sao trên bàn hội nghị lần này, G7 chú trọng thảo luận về bóng ma khủng bố. Tổng thống Pháp Francois Hollande dự kiến có bài phát biểu quan trọng về vấn đề này, sau gần 1 năm Pháp 2 lần bị nhóm cực đoan IS tấn công. Biển Đông tranh chấp dự kiến cũng trở thành tâm điểm trên bàn nghị sự. Khi được các phóng viên hỏi về việc liệu Trung Quốc có phải tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông hay không, ông Cameron đã khuyến nghị Trung Quốc và các nước khác tôn trọng phán quyết sắp tới.

Trước phiên họp thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo có những cuộc gặp song phương, trong đó đều thể hiện mối lo cho biển Đông đang tranh chấp. Tổng thống Mỹ Barack Obama - người vừa kết thúc chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam - có cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe vào tối 25-5. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo thảo luận về nhiều chủ đề như khủng bố, người tị nạn, an ninh hàng hải, trong đó có những động thái mạnh mẽ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và biển Đông.

Giới phân tích cho rằng, động thái mạnh mẽ của nhà lãnh đạo G7 về hành động tuyên bố chủ quyền vô lý và cải tạo đất trái phép của Bắc Kinh ở biển Đông cho thấy, G7 sẽ có tuyên bố phản đối hành động quân sự hóa ở khu vực này.

Khả Anh

ADMM 10 tái khẳng định an ninh và hòa bình ở biển Đông

Các vấn đề liên quan đến tranh chấp biển Đông trở thành tâm điểm trên bàn nghị sự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 10 (ADMM 10), diễn ra hôm 25-5 tại thủ đô Vientiane của Lào.

Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN chụp ảnh chung sau hội nghị. Ảnh: Kyodo

Theo Kyodo, các bộ trưởng ASEAN nhóm họp với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác quốc phòng vì một cộng đồng ASEAN năng động”, thảo luận về các mối đe dọa an ninh trong khu vực và toàn cầu cũng như những thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó biển Đông trở thành chương trình nghị sự hàng đầu. Ngoài vấn đề biển Đông, hội nghị bàn về việc tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh trong khu vực - hiện là một trong những nơi có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Hội nghị đã kết thúc thành công khi các bộ trưởng thực hiện việc ký kết tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định cũng như duy trì tự do hàng hải, hàng không tại biển Đông theo các nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); 6 điểm của ASEAN về biển Đông cũng như tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15. Tuyên bố chung tiếp tục tái khẳng định tầm quan trọng của việc sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Hôm nay (26-5), các bộ trưởng sẽ tham dự một sự kiện, đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM.

T.Linh